Công viên có nguy cơ bị “xẻ” làm bãi đỗ xe
Kể từ khi Khu đô thị mới Dịch Vọng được triển khai đầu tư xây dựng đã đem lại bộ mặt sáng sủa cho quận Cầu Giấy. Thế nhưng, nhiều nhà cao tầng mọc lên, cộng với các khu dân cư bao quanhphần nào khiến không gian khu vực này trở lên chật chội. Nhiều người dân chia sẻ, Công viên Cầu Giấy nằm giữa khu đô thị nhiều năm qua đã góp phần giải tỏa bớt áp lực. Công viên không chỉ là nơi vui chơi giải trí cho người dân phường Dịch Vọng mà cả các vùng lân cận.
Thế nhưng, người dân bỗng cảm thấy hụt hẫng khi mới đây họ nghe tin chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, về việc chuyển đổi 1,45ha đất Công viên Cầu Giấy để làm bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại. Nhiều người dân bày tỏ ý kiến phản đối vì diện tích cây xanh, khu vui chơi giải trí cho người dân đang dần bị thu hẹp tại các khu đô thị (trong đó có Khu đô thị mới Dịch Vọng), thì tại sao lại băm nát “lá phổi xanh” để nhường đất cho thương mại dịch vụ và bãi đỗ xe ngầm?
Theo tìm hiểu trước đó ngày 24/10/2018, UBND TP. Hà Nội ra Thông báo số 1056/TB-UBND, chấp thuận về chủ trương giao Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ - gọi tắt là Công ty Tây Hồ (địa chỉ văn phòng đại diện: Nhà số 24, Khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được phép nghiên cứu, đề xuất lập dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc của Công viên Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại - gọi tắt là Dự án.
Theo đó, vị trí khu đất đang được nghiên cứu điều chỉnh là một phần ô đất có ký hiệu K6-3/CXĐT1 (thuộc đất Công viên Cầu Giấy), nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000. Cụ thể, Công ty Tây Hồ đề xuất nghiên cứu 1,45ha (tương đương 14.500m2). Dự kiến xây dựng 3 tầng hầm, trong đó tầng hầm 1 bố trí chức năng thương mại, dịch vụ. Tầng hầm 2 và 3 bố trí làm nơi đỗ xe. Ngoài ra, trên ô đất còn có khối công trình nổi cao khoảng 9m với diện tích xây dựng 725m2.
Nhằm cụ thể hóa những nội dung trên, Công ty Tây Hồ sẽ lập Dự án và lấy ý kiến dân cư trong khu vực. Thế nhưng, ngay từ bước đầu thực hiện đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân.
Theo quan sát, vị trí ô đất đang được nghiên cứu điều chỉnh có thể coi là ô đất “vàng” giữa trung tâm Khu đô thị mới Dịch Vọng, là phần đất thuộc Công viên Cầu Giấy. Ô đất này có một mặt bám sát đường Thành Thái, mặt còn lại chạy dài theo tuyến đường bao quanh Công viên Cầu Giấy. Tuy nhiên theo phản ánh, vị trí khu đất đang nghiên cứu làm bãi xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại này lại chưa có trong quy hoạch.
Dự án liệu có tính khả thi?
Trước những ý kiến trái chiều về việc thực hiện Dự án, nhiều người dân không khỏi thắc mắc tại sao chính quyền lại chấp thuận để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất lập dự án. Theo tìm hiểu, lý do để UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương cho Công ty Tây Hồ nghiên cứu lập Dự án là để giải quyết nhu cầu bãi đỗ xe cho người dân trong khu vực.
Như đã biết, Khu đô thị mới Dịch Vọng được hình thành khoảng hơn 10 năm trở lại đây, với những quy hoạch sử dụng dụng đất, hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ. Quanh Khu đô thị mới Dịch Vọng trong vòng bán kính 2km trở lại có nhiều tổ hợp trung tâm thương mại, khu chơi giải trí, tiện ích phục vụ người dân.
Trả lời báo chí, đại diện ban quản trị của các tòa chung cư (N04B1, B2; N06B1, B2; N07B1; N08B; N09B1, B2 và N010) tiếp giáp với vị trí ô đất K6-3/CXĐT1 cho biết việc xây dựng bãi đỗ xe là cần thiết. Nhưng lập nghiên cứu trên phạm vi đất công viên cây xanh, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ thương mại là bất hợp lý, phi thực tế.
Người dân lo ngại việc Dự án sẽ bị biến tướng và băm nát “lá phổi xanh” Công viên Cầu Giấy, một nơi phục vụ vui chơi giải trí, thể thao cho hàng nghìn người dân trong khu đô thị và các khu dân cư lân cận.
Có một thực tế phũ phàng là trong khi chính quyền địa phương chấp thuận việc nghiên cứu, điều chỉnh lấy đất công viên làm bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ thương mại, thì bên cạnh đó có hàng loạt những dự án chậm tiến độ và đang bị sử dụng sai mục đích nhiều năm qua. Nhiều năm qua, việc sử dụng sai mục đích trên khiến nhiều khu vực trở nên nhếch nhác, nó đang như một “vết dao rạch mặt” Khu đô thị mới Dịch Vọng.
Chính vì thế nhiều người dân đặt câu hỏi, tại sao chính quyền địa phương không mạnh tay thu hồi các dự án “chết yểu” đó để thực hiện Dự án và không lấy đất của “lá phổi xanh” Công viên Cầu Giấy?
“Chúng tôi nhất trí với chủ trương xây bãi đỗ xe để đáp ứng nhu cầu trông xe của nhân dân. Nhưng lấy đất trong công viên để xây bãi đỗ xe là bất hợp lý, vì nó sẽ phá vỡ quy hoạch ban đầu, phá vỡ cảnh quan kiến trúc tổng thể của công viên. Tại sao phải lấy đất công viên để xây bãi đỗ xe, trong khi khu vực được quy hoạch có 5 bãi đỗ xe, nhưng hiện tại chưa được xây dựng hoặc là đang được sử dụng sai mục đích?”, người dân bức xúc cho biết.
Một vài người dân sinh sống trong khu đô thị cho biết, nhiều tuyến đường bao quanh Công viên Cầu Giấy vào giờ cao điểm phương tiện đi lại đông đúc, thậm chí xảy ra ùn tác tại một số điểm trường học. Tình trạng ngập nước cũng thường xuyên xảy ra mỗi khi trời mưa lớn. Câu hỏi đặt ra, nếu xây dựng khu dịch vụ thương mại kết hợp bãi đỗ xe với hơn 800 xe ra vào mỗi ngày, tại vị trí trọng yếu như vậy liệu có khả thi?
Trước đó, tại TP. Hà Nội, từng có nhiều dự án bãi đỗ xe được nghiên cứu, đề xuất xây dựng trong công viên, vườn hoa, thế nhưng việc này đã vấp phải sự phản đối của người dân và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch.
Việc thực hiện chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch thương mại và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư là hoàn toàn đúng đắn, thế nhưng vấn đề nghiên cứu thực hiện dự án tại vị trí nào cho phù hợp, nhằm đạt hiệu quả cao và được sự đồng thuận của người dân là điều mà các cấp chính quyền địa phương TP. Hà Nội cần phải xem xét, cân nhắc thấu đáo.
Trả lời trên Báo Thanh tra, ông Chu Văn Lý - đại diện Công ty Tây Hồ cho biết: Đây mới chỉ là chủ trương của thành phố cho phép doanh nghiệp lập nghiên cứu, hiện cũng chưa có cấp thẩm quyền nào quyết định chính thức về quy mô chiều cao, diện tích công trình.
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.
Trần Tiến