385.516 người đã được hỗ trợ 474,2 tỷ đồng

Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại trụ sở UBND quận Hà Đông, chiều 5/6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết: Ngay sau khi có Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND TP đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện kịp thời.

TP đã tách 4 đối tượng (người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội) và chỉ đạo cơ quan quận, huyện, thị xã, kho bạc triển khai hỗ trợ tiền nhanh, ngay trong các ngày của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đến nay, việc chi trả đã đảm bảo gần đủ 100%, một số đối tượng không có mặt tại địa phương sẽ chi trả tiếp.

 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trao tiền hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn vì Covid-19.

Đối với đối tượng còn lại, đặc biệt là lao động tự do, cách triển khai vừa khẩn trương vừa thận trọng. “Nhân dân đánh giá cao TP kịp thời triển khai gói hỗ trợ. Cán bộ các cấp, cấp cơ sở rất nhiệt tình và coi nhiệm vụ TP giao vừa là trách nhiệm vừa là mong muốn của người dân khi gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến thời điểm này chưa thấy có điều gì xảy ra trên địa bàn Hà Nội nhưng chúng ta không chủ quan, thỏa mãn” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân báo cáo, tính đến 20/5/2020 đã có 385.516/385.683 người được nhận hỗ trợ với kinh phí là 474,2 tỷ đồng, đạt 99,97%, làm tròn là 100%. Sở đã thành lập đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và tại các hộ dân có đối tượng thụ hưởng. Kết quả kiểm tra cho thấy, các quận, huyện đã tổ chức rà soát, phê duyệt danh sách và tổ chức triển khai hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng, được Nhân dân và các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao.

Nhiều lao động tự do mất việc đã được hỗ trợ

Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã tổ chức thực hiện công tác chi trả hỗ trợ cho 5 nhóm đối tượng người lao động (NLĐ), hộ kinh doanh và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tính đến 12 giờ ngày 4/6/2020, các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận hồ sơ của 94 DN với 1.881 lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; đã ra quyết định chi trả cho 4 DN với 50 lao động, với kinh phí 90 triệu đồng.

 Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, hiện nay 30 quận, huyện, thị xã đang triển khai hỗ trợ cho người lao động.

Đối với NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Các quận, huyện đã tiếp nhận và đang xét duyệt 153 hồ sơ.

Nhóm NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm: Đã tiếp nhận và xét duyệt 82.504 hồ sơ; ra quyết định chi trả 915 trường hợp; đã chi trả 333 trường hợp với kinh phí 333 triệu đồng.

Đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020: Các quận, huyện, thị xã tiếp nhận và xét duyệt 2.472 hồ sơ; đã chi trả cho 27 hộ kinh doanh với số tiền 27 triệu đồng.

Nhóm người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho NLĐ: Đã tiếp nhận và đang xét duyệt 2 hồ sơ.

Ngoài việc thực hiện chính sách cho các đối tượng theo quy định, một số quận, huyện đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ cho cho các giáo viên ngoài công lập để ổn định cuộc sống. Huyện Sóc Sơn đã trích 648 triệu đồng từ nguồn vận động quỹ phòng chống dịch Covid-19 để hỗ trợ 432 giáo viên ngoài công lập, mỗi người 500.000đ/tháng x 3 tháng.

Điểm sáng hỗ trợ người dân phòng chống dịch Covid-19

Rất hoan nghênh những kết quả TP Hà Nội đạt được, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung vui vẻ cho biết: Trong phiên họp Chính phủ sắp tới, tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để biểu dương Hà Nội làm rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là triển khai gói an sinh xã hội.

“Cho đến bây giờ, Hà Nội đạt 99,97% chi trả cho 4 nhóm đối tượng, coi như hoàn thành 100%. Đây là thành công lớn.... Về tổng thể các đồng chí triển khai rất nghiêm túc có trách nhiệm đối với một chủ trương rất nhân văn, chưa từng có trong lịch sử” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung rất hoan nghênh những kết quả TP Hà Nội đạt được.

Chứng kiến những gương mặt bà con đến nhận tiền hồ hởi, phấn khởi, người đứng đầu ngành LĐTB&XH khẳng định: Thứ nhất, đến bây giờ Hà Nội cơ bản đạt được yêu cầu Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Chính phủ. Cái mừng hôm nay, Hà Nội đã bắt đầu tập trung để giải quyết những vấn đề về lao động tự do.

Thứ hai, đến giờ này Bộ trưởng Dung chưa nhận đơn thư phản ánh những tiêu cực từ cái cách làm của Hà Nội. Thứ ba, các đồng chí từ lãnh đạo TP Hà Nội đến quận, phường, tổ trưởng dân phố rất mẫn cán và trách nhiệm.

“Nghị quyết 42 và quyết định 15 cũng như 1955 của thành phố đi vào cuộc sống và đã được người dân đón nhận một cách có hiệu quả” - Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng đề nghị tập trung rất cao cho nhóm lao động tự do, càng nhanh càng tốt; nếu xong được nhóm này coi như thực hiện xong Nghị quyết 42, Quyết định 15.

Ngành Bảo hiểm và LĐTB&XH tập trung giải quyết nhanh tất cả những trường hợp NLĐ bị chấm dứt và bị tạm hoãn hợp đồng lao động, vì đã có hồ sơ giấy tờ.

“Các đồng chí vẫn phải rất chặt chẽ về mặt thủ tục, chậm một chút nhưng chắc. Điều đầu tiên là đúng. Và tăng cường giám sát của Mặt trận công khai, minh bạch”- Bộ trưởng Dung lưu ý.

Tổng tư lệnh ngành LĐTB&XH cũng đồng ý với những đề xuất tháo gỡ vướng mắc của TP Hà Nội và cho biết chậm nhất thứ Hai tuần tới sẽ ra văn bản hướng dẫn để việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời.

Theo Kinh tế & Đô thị