Theo đó, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 11.862 hộ chăn nuôi ở 1.567 thôn, tổ dân phố của 403 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm); làm mắc bệnh và tiêu hủy 187.661 con lợn.

Đáng ngại, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên nguy cơ bệnh dịch còn diễn biến kéo dài, dịch bệnh tiếp tục xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vả các hộ chăn nuôi có quy mô lớn tại 24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Để hạn chế thiệt hại, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; các văn bản của Bộ NN&PTNT và của UBND thành phố.

ha noi day manh tuyen truyen de nguoi tieu dung khong quay lung lai voi thit lon
Ảnh minh hoạ

Huy động các lực lượng của địa phương (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân...) để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để theo đúng quy định; thực hiện tốt việc vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột, nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, khu vực xung quanh và trong quá trình xử lý ổ dịch; tránh tình trạng để lâu, vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh.

Tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở, ngành có liên quan kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có lợn bị mắc bệnh bị tiêu hủy và các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ lợn khỏe trên địa bàn thành phố.

Tập trung tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn, thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân trên địa bàn thành phố. Tăng cường quản lý giết mổ, kiểm tra tại các chợ về nguồn gốc để các hộ thực hiện tốt việc nhập lợn rõ nguồn gốc, khỏe mạnh. Tiếp tục phát động tổng tẩy uế môi trường, tập trung diệt ruồi, động vật trung gian nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh giữa các hộ chăn nuôi và giữa các vùng trên địa bàn. Hướng dẫn các hộ, trang trại, cơ sở chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ chuyên ngành và bảo hộ lao động cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Làm việc với các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bàn các giải pháp cụ thể về tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn. Cập nhật thông tin để thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác tới các quận huyện và người dân về chủ trương, chính sách và các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh. Duy trì nghiêm túc hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, triển khai Tổ kiểm dịch động vật liên ngành lưu động để tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn.

Phối hợp cùng cơ quan truyền thông của trung ương, thành phố tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn, thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Theo phapluatxahoi.vn