Theo báo cáo mới nhất từ Sở NN&PTNT Hà Nội, kể từ ngày tiêu hủy lợn mắc DTLCP cuối cùng (26/1/2020) tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội không xuất hiện thêm ổ dịch nào nữa. Như vậy, đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP có DTLCP đã qua 30 ngày không phát sinh trở lại.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, từ tháng 7/2019 đến nay dịch bệnh đã giảm, phát sinh ở mức thấp và thấp nhất là tháng 1/2020. Trong tháng 1/2020, dịch bệnh phát sinh tại 13 hộ chăn nuôi, tiêu hủy 71 con với trọng lượng 5.589kg.

Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Nội đã được khống chế.

Lũy kế từ tháng 2/2019 - 2/2020, DTLCP đã xảy ra tại 33.006 hộ chăn nuôi, của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 543.878 con với tổng trọng lượng là 37.160 tấn. Công tác phòng chống dịch bệnh đã sử dụng hết 276.557 (lít, kg) hóa chất và 8.989 tấn vôi bột.

Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới rất cao. Thứ nhất, do việc vận chuyển lưu thông lợn lớn, trong khi đó việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn (theo quy định không thực hiện việc kiểm dịch nội tỉnh).

Bên cạnh đó, DTLCP hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh. Virus DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường. Việc nhập đàn (do cung cầu và giá lợn cao) nhiều hộ chăn nuôi nhập đàn nhưng chưa thực hiện tốt việc khai báo với chính quyền địa phương. Trên địa bàn còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý. Trong khi đó, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng, sử dụng thức ăn dư thừa.

Do đó, trong thời gian tới cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở. Kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam