Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã; các sở, ngành đơn vị có liên quan tập trung, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 và Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12-9-2019 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 22-2-2019 của Chủ tịch UBND TP và các văn bản chỉ đạo liên quan của Trung ương và thành phố.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, nếu quận, huyện nào để xảy ra tình trạng người dân ném lợn chết ra sông thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước thành phố.
Được biết, kể từ sau ổ dịch được phát hiện tại phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên vào ngày 24/2, đến nay Hà Nội chưa xuất hiện thêm các ổ dịch khác. Dù vậy, nguy cơ lây lan bệnh dịch trong thời gian tới vẫn rất cao do Hà Nội tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố; trong đó giáp với tỉnh Hưng Yên và rất gần với tỉnh Thái Bình - nơi đã xảy ra dịch bệnh, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào thành phố.
Để người chăn nuôi yên tâm khai báo khi lợn bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, các địa phương sẽ chủ động ngân sách từ nguồn dự phòng hỗ trợ kịp thời cho bà con. Sau 5 ngày lợn bị tiêu hủy, chính quyền phải hỗ trợ tiền để bà con yên tâm. Việc hỗ trợ tiêu hủy lợn bị bệnh bịch phải đảm bảo đúng đối tượng và mức hỗ trợ, công khai, dân chủ, minh bạch theo đúng chính sách hiện hành và không được thủ tục rườm rà. Trước mắt, thực hiện hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát, thống kê, tổng hợp số lượng cơ sở, hộ chăn nuôi lợn, đàn lợn hiện có tại địa phương; yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi lợn phải cam kết với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, hộ chăn nuôi về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi để nhân dân biết, chủ động thực hiện theo phương châm 5 không: “Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong công tác phòng, chống, xử lý bệnh dịch. Khi phát hiện có ổ dịch phải áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch hiệu quả ngay từ giờ đầu và xử lý tiêu hủy theo quy định.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp với các sở ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội về giải pháp về ứng phó cấp bách với bệnh dịch tả lợn châu Phi chiều 5/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, để người chăn nuôi yên tâm và chủ động khai báo khi lợn bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, các địa phương cần chủ động ngân sách từ nguồn dự phòng để hỗ trợ kịp thời cho bà con. |