Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giảm sức ép về nhu cầu gửi xe của người dân, tuy nhiên, các bãi đỗ xe nói chung trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu. Nhiều khu vực được quy hoạch làm điểm, bãi gửi xe nhưng chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích; nhiều khu vực bãi gửi xe khác thì tự ý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu.

"Biến" vỉa hè thành điểm trông giữ xe, thu phí trái quy định

Phố đi bộ Hà Nội từ lâu đã trở thành thói quen của người dân Thủ đô vào các dịp cuối tuần. Lợi dụng nhu cầu thiết yếu này, nhiều bãi xe ngang nhiên hoạt động, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; thu tiền vượt quá mức quy định trong suốt một thời gian dài nhưng không bị xử lý triệt để khiến người dân vô cùng bức xúc.

Ngay khi tuyến phố đi bộ đi vào hoạt động, quận Hoàn Kiếm đã bố trí 78 điểm trông giữ xe (21 điểm trông giữ ô tô, 57 điểm trông giữ xe đạp, xe máy) với diện tích 17.016 m2 , có sức chứa 87 xe du lịch, 581 xe ô tô con, 2.751 xe đạp, xe máy. 

Tại khu vực Hồ Gươm, cơ quan chức năng bố trí gần 80 điểm trông giữ xe nhưng vẫn "quá tải" vào các dịp cuối tuần, dẫn đến tình trạng trông xe trái phép, "chiếm dụng" vỉa hè vô tội vạ, khiến người tham gia giao thông chỉ còn cách chọn lòng đường để di chuyển.

Cụ thể, tại hè phố Cầu Gỗ (trước trạm biến áp Bờ hồ 2; đối diện phố Đinh Liệt, phường Hàng Bạc), diện tích được sử dụng trông giữ xe là 12m2. Tuy nhiên, tại các giờ cao điểm, các hàng xe chắn hết toàn bộ vỉa hè, người đi bộ đi qua khu vực này buộc phải đi ra giữa đường. Về phí gửi xe, theo khảo sát thực tế của PV, tại đây thu 20.000đ/1 xe, thậm chí, chủ bãi xe còn cho rằng mức phí này vẫn... rẻ so với các điểm trông giữ xe khác gần đó.

Các bãi  xe "tung hoành" quanh khu vực phố đi bộ.

Một điểm trông giữ xe khác trên dải phân cách làn đường tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, thì vào dịp cuối tuần bãi xe này tận dụng luôn phần lòng đường sát dải phân cách làm nơi trông thêm các phương tiện. Mức phí gửi xe tại đây bị "hét" 10.000đ/2 giờ, nếu quá thời gian sẽ thu thêm phí.

Tại thông tư số 25/2014/TT- BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính và quyết định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ nhưng không được cao hơn mức giá thành phố quy định, tránh gây tác động ảnh hưởng đời sống nhân dân. Giá dịch vụ trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện) tại địa bàn các quận; tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (không phân biệt theo địa bàn) là: ban ngày 3.000 đồng, đêm 5.000 đồng. Giá dịch vụ trông giữ xe máy (xe máy điện) là ban ngày 5.000 đồng, đêm 8.000 đồng. Vậy mức thu phí ngày cũng như đêm gấp hai đến ba lần, tự ý quy định quá giờ gửi xe mất thêm phí của các đơn vị trông giữ xe là trái với quy định, cần xử lý triệt để.

Khảo sát tại các tuyến phố khác cũng thuộc Quận Hoàn Kiếm như: Triệu Quốc Đạt, Phủ Doãn, Tràng Thi... có thể dễ dàng nhận thấy toàn bộ vỉa hè những tuyến phố này đều bị chiếm dụng 100% diện tích làm điểm trông giữ xe phục vụ cho Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức và cho các hộ kinh doanh trên địa bàn.

Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường vì vỉa hè đã bị lấn chiếm toàn bộ.

Theo người dân tại khu vực cho biết: "Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các tuyến phố trên đã diễn ra nhiều năm. Không chỉ các điểm trông giữ xe, mà nhiều quán trà đá, hàng ăn, quán uống cũng tranh nhau lấn chiếm vỉa hè, ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh trật tự và an toàn giao thông khu vực khiến người đi bộ chỉ còn cách chọn lòng đường để di chuyển. Cơ quan chức năng có ra quân xử lý nhưng rất ít, phạt xong lại tiếp diễn".

Trong khi pháp luật có quy định rõ, vỉa hè là dành cho người đi bộ và cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường vào hoạt động phi giao thông sau khi đã dành riêng vị trí cho người đi bộ. Vỉa hè có vai trò quan trọng trong tạo môi trường an toàn, thuận tiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ giao thông công cộng cũng như những dịch vụ kinh doanh, văn phòng dọc các tuyến phố. Thế nhưng, thực tế trái ngược vẫn đang tồn tại ngang nhiên tại Hà Nội.

Để xảy ra tình trạng trên trong một thời gian dài, phải chăng công tác quản lý từ chính quyền địa phương còn hời hợt, lỏng lẻo, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng hoạt động trái phép còn quá “nhẹ tay”, không đủ để răn đe?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng VP Luật Kết nối.

“Cần phải có biện pháp mạnh tay hơn cho những cá nhân, tổ chức cố tình làm trái, cơ quan thiếu trách nhiệm, lỏng lẻo trong quản lý để tiến tới làm giảm và ngăn chặn vấn nạn này” rạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang diễn ra khá phổ biến tại các đô thị lớn, hàng chục quán trà đá, đồ ăn mọc lên trên cùng một tuyến phố, điều đó rất ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông của các phương tiện, trật tự an toàn giao thông. 

Chưa kể đến vào giờ cao điểm, xe cộ lưu thông đông, hàng loạt phương tiện lao lên vỉa hè để đi, người đi bộ không có lối đi, xe đi trên vỉa hè người chiều, xuôi chiều lộn xộn rất nguy hiểm" - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng bày tỏ quan điểm về thực trạng trên.

Khắc phục lỗ hổng quản lý

Chuyên gia nghiên cứu về giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy từng chia sẻ: "Do không tính toán, cân đối được lượng xe đi và xe đỗ khiến các quy hoạch đã bị “vỡ” và đó chính là chỗ hở, yếu kém của quy hoạch Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố khác nói chung. Mặt khác, nhiều bãi đỗ xe được lập ra theo đúng mục đích, tên gọi của nó, nhưng sau đó lại bị biến tướng thành các dịch vụ khác.

Điều này thể hiện sự yếu kém trong tổ chức quản lý, thực hiện của Hà Nội và các sở ngành, đồng thời có khả năng xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực đằng sau. Để giải quyết bài toán về điểm đỗ xe, cần khuyến khích triển khai xây dựng những bãi xe ngầm, trên cao. Đồng thời, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp xây dựng kế hoạch, quy hoạch để các cơ quan, công trình,... đều có bãi trông xe, hay khuyến khích, đẩy mạnh triển khai áp dụng các mô hình đỗ xe thông minh, qua đó mới làm giảm căng thẳng về các điểm đỗ xe".

Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý còn chưa "đến nơi đến chốn".

Trong quy hoạch hiện nay, tại các đô thị lớn đã bắt đầu có thêm các bãi đỗ xe công cộng. Tại Hà Nội, các bãi đỗ xe nổi đã xuất hiện nhưng mới chỉ là những bãi đỗ xe tập trung lớn, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong đời sống hằng ngày của người dân nên tình trạng để xe trên vỉa hè lòng đường vẫn tràn lan mà chưa có sự kiểm soát.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, các địa phương phải thực hiện việc chống lấn chiếm vỉa hè một cách thường xuyên hơn chứ không phải mang tính chất sự kiện. Mặt khác, công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, công tác ra quân kiểm tra, giám sát và xử phạt phải được nghiêm minh. 

Về việc sử dụng vỉa hè của các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh có nhà tiếp giáp với vỉa hè là trách nhiệm của người dân và của cả cơ quan quản lý. Có những vấn đề kinh doanh cần có chỗ đỗ xe nhưng mà lại không xem xét điều kiện đỗ xe như quán karaoke, cửa hàng ăn… Do vậy, khi xem xét điều kiện kinh doanh cần phải tính toán cả những yếu tố trên.

Muốn lấy lại vỉa hè, bước đầu cần sát sao khắc phục lỗ hổng trong công tác quản lý và xử lý.

“Chủ trương “đường thông, hè thoáng” đã có từ cách đây nhiều năm. Điều đáng nói là cách thực hiện sao cho hiệu quả, người đi bộ có được vỉa hè, đô thị được văn minh thì chưa được. Việc thực hiện “trả lại” vỉa hè cho người đi bộ cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi. Nhất là quy đầu mối và trách nhiệm quản lý vỉa hè cần được xác định rõ. Với các trường hợp cố tình vi phạm thì phải xử phạt thật nghiêm” - KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Để chấm dứt vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thành nơi trông giữ xe, thu phí trái quy định, UBND quận Hoàn Kiếm nói riêng và các Quận khác trên địa bàn nói chung cần làm rõ với các đơn vị trong công tác quản lý địa điểm trông giữ xe. Đồng thời UBND các phường quản lý trực tiếp cũng cần xử lý triệt để các đối tượng vi phạm bằng các biện pháp mạnh, tăng cường lực lượng tuần tra, lực lượng an ninh đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân.

Căn cứ Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mức phạt thấp nhất là “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ".


Theo Trúc An/Đô thị mới