Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững
Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững

Năng suất lao động xã hội bình quân trên 7,0%/năm

Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động của Hà Nội với các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước, các nước trong khu vực và thế giới. TP đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao.

Cụ thể, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 7,0%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,5%. Chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.

Năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Do đó, các nước trên thế giới luôn tìm cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua việc tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp mũi nhọn bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, đầu tư, đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề cho nguồn lao động; hoặc chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn quốc gia.

Nhiều giải pháp thiết thực được đưa vào thực tiễn

Đạt được các mục tiêu đề ra, UBND TP Hà Nội đề ra giải pháp tăng năng suất lao động: Công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường lao động, liên kết thị trường lao động của Hà Nội với các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước. Quy hoạch, đầu tư phát triển hiện đại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển thị trưởng lao động linh hoạt, hiệu quả đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn Hà Nội.

Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng xã hội học tập. Tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đối với phục hồi và ổn định thị trường lao động, bám sát thực tiễn, quản trị nguồn nhân lực chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách phát triển thị trưởng lao động với các thị trưởng khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cung - cầu lao động. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào Hà Nội. Tập chung nhân lực cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.

Bên cạnh đó nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trưởng lao động, có việc làm bền vững. Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số;

Ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho NLĐ, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững. Có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức DN để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu phát triển các hoạt động trên môi trường số, đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, tăng số lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP.

Nhìn nhận từ các nước

Hàn Quốc – một quốc gia có xuất phát điểm thấp vào những năm 1960: Khi đó, GDP của Hàn Quốc chỉ ngang bằng Việt Nam ở cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, thế nhưng sau đó, họ đã có những bước phát triển thần kỳ. Ngay sau đó Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng rất triệt để chính sách phát triển kinh tế dựa trên nền tảng là khoa học công nghệ kết hợp với giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - cụ thể là năng suất lao động.

Ban đầu, Nhà nước lựa chọn tham gia đầu tư vào một số DN để họ phát triển, nâng cao tiềm lực thông qua đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là những lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao… Từ đó giúp nâng dần quy mô của DN lên thành những tập đoàn kinh tế. Khi những tập đoàn này đã đủ lớn mạnh thì họ phát triển thêm những DN phụ trợ đi kèm. Đến nay, Hàn Quốc đã phát triển và hình thành hàng loạt các DN quy mô toàn cầu. Chính những tập đoàn đó đã góp phần kéo năng suất lao động và "thúc" tăng trưởng kinh tế cho xứ sở kim chi.
Thái Lan, sáng kiến 4.0 được Chính phủ công bố vào tháng 5/2016 với mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước tiên tiến và đang phát triển khác, tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, tạo ra nhiều nghề nghiệp có chất lượng cao hơn. Thái Lan xác định mục tiêu chính trong năng lực cạnh tranh thuộc bốn ngành chinh:

Một là, trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi canh tác truyền thống thành canh tác thông minh. Hai là, DN sản xuất truyền thống được chuyển đổi thành DN nhỏ và sản xuất thông minh. Ba là, chuyển đổi ngành dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ giá trị cao. Bốn là, lao động sẽ được chuyển đổi thành lao động có kỹ năng.

Các biện pháp để thực hiện sáng kiến 4.0, đó là: Tập trung vào công nghệ, đổi mới và sáng tạo; Phát triển nguồn nhân lực bằng cách nâng cao hiệu suất giáo dục và tăng cường giáo dục, đào tạo kỹ thuật, dạy nghề, cũng như khuyến khích học tập và đào tạo suốt đời; Cải thiện khung chính sách để khuyến khích sự gia nhập của các doanh nhân đổi mới và các DN quy mô vừa;

Tăng cường hội nhập khu vực bằng cách giảm các rào cản để các DN nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới bằng cách tăng cường hợp tác giữa chính phủ, khu vực kinh doanh và giới học thuật; Phân bổ nguồn lực hiệu quả. Kết quả, nhờ triển khai thực hiện sáng kiến Thái Lan 4.0, năng suất lao động của Thái Lan đã cải thiện tích cực. Tốc độ tăng năng suất lao động nói chung và tốc độ tăng năng suất lao động của các ngành mà Chương trình Thái Lan 4.0 hướng tới đã có những thay đổi tích cực...

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-luon-chu-trong-thi-truong-lao-dong-334140.html