Căn nhà 34 Hoàng Diệu (Hà Nội), nơi cụ Hoàng Thị Minh Hồ ở trước khi qua đời.
Gia đình từng nhiều lần không đồng ý
Một năm trước, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, phu nhân nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô từ trần, hưởng thọ 104 tuổi. Thời điểm ấy, UBND TP Hà Nội đã có đề xuất đặt tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô cho tuyến phố dài 1,2km trên địa bàn quận Cầu Giấy. Đoạn phố này có điểm giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng. Tuy nhiên, đến phút chót, TP Hà Nội quyết định tạm hoãn việc đặt tên đổi tên đường phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Lý do là chưa tìm được sự thống nhất với gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô trong việc đặt tên đường phố mới. Đến 2015, Hà Nội đã tiến hành việc xem xét, đặt tên đường mang tên cụ Trịnh Văn Bô và dự định sẽ thực hiện cho một con đường ở quận Hà Đông.
“Biết tin, tôi đến thì người dân ở đó không hiểu biết lại bảo tên Trịnh Văn Bô không đẹp, ý xấu. Sau đó, tôi có ý kiến với Sở VH-TT&DL Hà Nội là chưa đồng ý với việc đặt tên vì cụ Bô không sinh ở Hà Đông mà ở số 7 Hàng Ngang nên phải đặt tên ở khu vực Hà Nội cũ”, ông Trịnh Lương (con trai cụ Bô) nói.
Việc đặt tên đường sau đó đã tạm dừng cho tới tháng 11/2017 khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ cụ Bô) qua đời. Theo đó, Hà Nội dự định đổi tên phố Đông Quan (Cầu Giấy) sang tên cụ Trịnh Văn Bô. Tuy nhiên, sau khi xem xét gia đình cũng chưa đồng ý. “Chúng tôi không quan trọng việc con đường mang tên cụ Trịnh Văn Bô ngắn, dài hay nhỏ, đường xấu... mà gia đình rất ngại khi con phố đã có tên Đông Quan từ rất lâu giờ lại phải đổi sang tên cụ Trịnh Văn Bô.
“Việc đổi tên có thể tốt ở sự vinh danh cho cụ, nhưng lại gây phiền hà cho nhân dân sống ở phố này khi phải thay đổi lại giấy tờ hành chính... Điều này trái ngược hoàn toàn với quan điểm sống của các cụ là không muốn gây phiền hà cho bất cứ ai” - ông Lương nói và nhấn mạnh - “Tôi đã đề xuất với Hà Nội xem xét, đặt tên một số tuyến đường mới đang được xây dựng”.
Tuyến phố mới dự kiến đặt theo tên doanh nhân ở đâu?
Vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô (ảnh do gia đình cung cấp).
Sắp tới, trong kỳ họp HĐND TP Hà Nội diễn ra vào đầu tháng 12, UBND TP Hà Nội sẽ trình HĐND TP để các đại biểu thống nhất thông qua việc đặt đổi tên 47 tuyến đường, trong đó có phố mang tên nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Dự kiến, Hà Nội sẽ lấy tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô đặt tên cho đoạn phố dài 900 mét, từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn tiếp nối phố Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm.
Theo thông tin lưu trữ cho thấy, cụ Trịnh Văn Bô là một thương nhân theo chủ nghĩa dân tộc, nổi tiếng giữa thế kỷ 20. Con đường kinh doanh của vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ bắt đầu từ năm 1932, thời điểm sau khi kết hôn, họ được cha mẹ cho thừa kế thương hiệu vải Phúc Lợi ở số 7 Hàng Ngang. Nhờ tiếng tăm của gia đình, với tài kinh doanh thiên bẩm, doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ đã kế tục sự nghiệp của cha mẹ, từng bước tạo dựng và đưa thương hiệu Phúc Lợi phát triển vượt bậc.
Dù có điều kiện để ăn ngon mặc đẹp, hưởng thụ lối sống xa hoa của xã hội đương thời nhưng hai vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô quan niệm: “Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7 đồng, còn đâu giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả”. Năm 1936, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô ủng hộ 100 chiếc tiểu sành để thành phố di dời nghĩa trang. Năm 1937, vợ chồng ông đã ủng hộ 2.000 đồng Đông Dương cho hai huyện Đông Khê, Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn) bị ném bom. Hai năm sau, ông bà Trịnh Văn Bô cũng bỏ 2 ngàn đồng Đông Dương mua gạo cứu tế cho người dân Hưng Yên bị lũ lụt. Năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô ủng hộ 5.147 lượng vàng giúp Chính phủ mới giải quyết khó khăn tài chính sau Cách mạng tháng Tám.
Thời điểm ấy, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động “Tuần lễ vàng”, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng. Vợ chồng cụ cũng dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang đang ở để cán bộ cách mạng làm việc. Đây cũng là địa chỉ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Sau đó gia đình cụ hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.
Nhật Tân