Hà Nội: Tốn hơn 200 tỷ đồng để tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả Châu Phi. Ảnh minh họa
Thông tin trên được đồng chí Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết. Trước tình trạng lợn nhiễm bệnh trên địa bàn ngày một gia tăng, công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi càng trở nên bức thiết và nặng nề. Theo lãnh đạo TP, hiện tài chính hỗ trợ cho lực lượng tiêu hủy còn thấp, chỉ có 100.000 đồng/ngày nên Hà Nội đang đề nghị Chính phủ và Bộ NN-PTNT có hỗ trợ thêm về bồi dưỡng cho lực lượng thú y.
Đứng trước hiện trạng này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Hà Nội đã cầm cự đến giờ phút này, với tinh thần trách nhiệm rất cao, những kiến nghị của TP, Bộ sẽ tiếp thu để đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế. Bộ cũng hoàn toàn nhất trí về chủ động chăn nuôi, chủ động thịt lợn vào thời điểm cuối năm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho biết, hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới được công nhận an toàn sinh học đối với dịch tả lợn Châu Phi. Riêng Trung Quốc đã phải tiêu huỷ trên 10 triệu con lợn; Một đoàn công tác ở Trung Quốc nói rằng, tình hình trầm trọng hơn rất nhiều. Tại Campuchia, đã có nhiều ổ dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, trong đó có các ổ dịch giáp với tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Tại Việt Nam, sau khi phát hiện những ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra các giải pháp phòng, chống. Đồng thời, tổ chức 3 hội nghị trực tuyến để quán triệt tinh thần chống dịch, đốc thúc các địa phương tăng cường nâng cao nguồn lực chống dịch.
Tuy nhiên, vấn đề trên cũng chỉ là giải pháp tạm thời và theo đánh giá ban đầu khó có thể lường được nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại bởi việc kiểm soát dịch bệnh phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong đó, đặc biệt là ý thức của con người trong việc phòng và kiểm soát bệnh.
Trong khi đó, Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã tổ chức rất nhiều đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc triển khai, qua đó đã giảm được thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn triển khai quyết liệt các giải pháp an toàn sinh học, tổ chức xây dựng chuỗi thịt lợn an toàn, góp phần mang thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Để ứng phó với tình hình trước mắt, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các địa phương cũng đã triển khai mở rộng quy mô sản xuất gia cầm, động vật ăn cỏ như bò thịt, bò sữa để bù đắp thiếu hụt sản lượng thịt lợn trong nước trong thời gian tới. Chính phủ và các Bộ, ngành, các đơn vị nghiên cứu cũng đã xây dựng đề án sản xuất vắc xin để chủ động phòng chống dịch và tiếp tục triển khai triệt để công tác tiêu hủy và phòng chống dịch tả Châu Phi nhằm đảm bảo sự an toàn cao cho người dân cũng như các hộ chăn nuôi lợn trong cả nước.