Ảnh minh họa

Năm 2019, tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội ổn định, không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh đặc biệt nguy hiểm, hầu hết các bệnh có số mắc giảm, một số dịch bệnh lưu hành có số mắc tăng như SXH, Sởi nhưng đã được khống chế kịp thời, không xảy ra dịch lớn và không có tử vong, trong đó, 2.179 trường hợp mắc SXH, 0 tử vong; 1.764 trường hợp mắc Sởi, 0 tử vong; 1.045 mắc Tay chân miệng, 0 tử vong...

Theo Bộ Y tế, năm 2020, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là SXH, Sởi, Tay chân miệng, cúm A/H5N1,... Nguy cơ một số dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào Hà Nội như: Ebola, MERS-CoV, Cúm A/H7N9, Bại liệt...đặt ra nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Tại Hà Nội năm 2020 và các năm tiếp theo, bệnh SXH, Sở, Ho gà, tay chân miệng... là các bệnh lưu hành và là thách thức, gánh nặng đối với sức khỏe người dân và công tác phòng chống dịch của Thành phố. Với vai trò đầu tàu kinh tế, chính trị văn hóa của cả nước, giao lưu đi lại về con người và hàng hóa với quốc tế và các tỉnh, thành phố khác, thành phố Hà Nội luôn đối mặt với nhiều bệnh dịch mới, dịch xâm nhập từ các nước trên Thế giới, do vậy, cần chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố ngay từ những ngày đầu năm 2020 để đáp ứng kịp thời với diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi xảy ra.

Do đó, trong năm 2020, Sở Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, các Lễ hội đầu Xuân, trong đó, chủ động trong công tác dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố để ứng phó có hiệu quả trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh, kể cả dịch bệnh mới nổi, dịch có nguy cơ xâm nhập; Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình văn phòng đáp ứng nhanh với tình hình dịch bệnh theo hướng văn phòng đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh (EOC) của Bộ Y tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc ứng dụng CNTT vào hoạt động phòng, chống dịch.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác giám sát dịch; Xây dựng giám sát trọng điểm tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố. Nâng cao chất lượng công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; chủ động giám sát không để dịch xâm nhập vào Thành phố.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn tiêm chủng, nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt lưu ý công tác tiêm chủng đối với các bệnh có nguy cơ bùng phát cao như Sởi; Nâng cao năng lực hệ thống phòng xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm: tiếp tục triển khai dự án nâng cấp phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và nâng cao năng lực phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức. Tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông nguy cơ, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch của các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trong ngành Y tế.

Theo Pháp luật & Xã hội