Chiều 3-8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với các quận, huyện, thị xã. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Hơn 70.000 trường hợp xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến cuối ngày 3-8, Việt Nam có 642 ca mắc Covid-19 tại 37 tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội, vẫn ghi nhận 143 ca mắc, trong đó có 121 trường hợp từ giai đoạn trước; 2 trường hợp mới ghi nhận ngoài cộng đồng đều có tiền sử đi về từ Đà Nẵng, là bệnh nhân 447 và 459; 20 trường hợp là những bệnh nhân trở về từ Guinea Xích đạo vào ngày 29-7.
Về việc điều tra trường hợp đi về từ Đà Nẵng, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến ngày 3-8, toàn thành phố ghi nhận 88.289 người đi về từ Đà Nẵng từ ngày 8-7 đến nay. Thành phố đã tổ chức xét nghiệm nhanh cho 70.689 trường hợp, tiến hành xét nghiệm PCR cho 508 trường hợp, tất cả đều cho kết quả âm tính.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Từ 0h ngày 31-7, đã ngừng các hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội, hạn chế hàng quán vỉa hè... Người dân cũng được tuyên truyền nắm tình hình dịch để không hoang mang, lo lắng, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tập trung đông người...
Đối với hai bệnh nhân được phát hiện gần đây, thành phố đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực ở của bệnh nhân, đồng thời rà soát được 130 trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh, đã xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
"Tình hình dịch tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, trong đó Hà Nội có lượng người đến Đà Nẵng rất đông, vì thế vẫn rất cần người dân tự giác cách ly, theo dõi sức khỏe để ngăn chặn mọi nguồn lây lan. Các cơ sở y tế cần thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc người nhà ra vào bệnh viện", ông Nguyễn Khắc Hiền nhận định.
80.000 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Liên quan đến công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố có 80.000 thí sinh đăng ký dự thi tại 143 điểm thi. Tại mỗi điểm thi đều bổ sung 2 phòng thi dự phòng và bổ sung cán bộ, giáo viên để thực hiện các nội dung khi các thí sinh có hiện tượng ho, sốt, khó thở trong quá trình dự thi. Ngoài ra, thành phố chỉ đạo thành lập 1 điểm thi tập trung tại điểm cách ly tập trung của thành phố là Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao.
"Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế đang hoàn thiện nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch tại các điểm thi. Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố đã thành lập 30 đoàn kiểm tra do phó chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã làm trưởng đoàn để kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các điểm thi trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo", ông Chử Xuân Dũng cho biết.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, đã tổ chức cách ly tại các khu cách ly tập trung đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện, toàn thành phố có 933 trường hợp đang cách ly tập trung, bảo đảm được chăm sóc đầy đủ. Bộ Tư lệnh Thủ đô dự kiến thời gian tới, số lượng công dân ở nước ngoài về qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ tăng.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trung ương và Hà Nội đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chủ trương phòng, chống dịch của trung ương và thành phố tới người dân. Từ ngày 30-7 đến nay đã có gần 2.000 lượt tin, bài thông tin về phòng, chống dịch.
Ngoài ra, thông qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo, nhiều thông tin về phòng, chống dịch cũng được cập nhật, đưa đến người dân. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền để người dân sử dụng hai phần mềm là Bluezone và Hà Nội Smartcity.
Báo cáo tại cuộc họp, các quận: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng... cho biết, đã tiến hành rà soát, khoanh vùng và tổ chức xét nghiệm nhanh cho các trường hợp liên quan đến hai ca bệnh 447, 459 và những người đi từ Đà Nẵng về. Các địa phương cũng dừng các hoạt động lễ hội, quán bar, karaoke, tuyên truyền người dân hạn chế tụ tập đông người và bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Người dân không được chủ quan, cần tập trung phòng dịch
Đánh giá về tình hình dịch Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trên thế giới dịch đang diễn biến vô cùng phức tạp. Tại Việt Nam, dịch tại Đà Nẵng đã lan ra 9 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, điều đó cho thấy mức độ nguy hiểm của dịch, chưa kể theo nghiên cứu, vi rút SARS-CoV-2 biến thể chủng mới có tính chất nguy hiểm hơn.
Thời gian qua, người Hà Nội đến Đà Nẵng từ ngày 8-7 là 88.289 người; thành phố đã tiến hành xét nghiệm nhanh cho hơn 70.000 trường hợp. Hiện nay, Hà Nội đã phát hiện 2 ca bệnh đi về từ Đà Nẵng và thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung vẫn không loại trừ những khả năng dịch sẽ có diễn biến khó lường. "Chúng ta không loại trừ khả năng có những người ủ bệnh chưa phát hiện được, hoặc có những người có vi rút nhưng không có biểu hiện sốt, ho. Thực tế từ giai đoạn chống dịch trước, có nhiều người xét nghiệm âm tính lần 1 nhưng sau 12-13 ngày, có người sau 22 ngày xét nghiệm lại vẫn cho kết quả dương tính. Điều này cho thấy, người dân không được chủ quan, cần phải nhận thức rõ mức độ nguy hiểm, lây lan nhanh của đợt dịch này", đồng chí Nguyễn Đức Chung phân tích.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, từ nay đến ngày 12-8, nếu Hà Nội không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng thì mới có thể coi là tạm yên tâm. Vì thế, lúc này đang là giai đoạn cao điểm trong công tác phòng, chống dịch, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xét nghiệm và cách ly kịp thời.
Từ những đánh giá, nhận định nguy cơ trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên tinh thần không chủ quan, không lơ là nhưng không lo lắng, đồng thời bảo đảm thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng dịch vừa thực hiện ổn định, phát triển kinh tế. Các đơn vị, địa phương cần thực hiện các biện pháp chống dịch đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài".
Đồng chí Nguyễn Đức Chung giao Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội kịp thời bổ sung kit xét nghiệm cho các quận, huyện, thị xã để tiếp tục xét nghiệm nhanh những trường hợp đi từ vùng dịch về. Các bệnh viện phải bảo đảm tuân thủ quy trình khám, chữa bệnh, như: Phân luồng khám bệnh, khai báo y tế, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, kiểm soát số lượng người vào thăm khám...
Sở Giáo dục và Đào tạo phải làm tốt công tác tuyển sinh đầu cấp qua hệ thống mạng, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến 10-8.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền người dân đi từ vùng có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam phải tự so sánh, đối chiếu lịch trình, khai báo y tế để được xét nghiệm; nếu có biểu hiện sốt, ho phải báo ngay cho cơ sở y tế. Những người đi từ vùng dịch về và có tiếp xúc gần với bệnh nhân thì được coi là F1, thực hiện xét nghiệm PCR và cách ly kịp thời.
"Lúc này, người dân cần bình tĩnh, nhưng không chủ quan, lơ là, cần chủ động trong phòng, chống dịch bằng cách tuân thủ các biện pháp: Đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn tay, hạn chế tập trung đông người. Nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe cần báo với cơ sở y tế ngay", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói.