Cụ thể, ngày 12/12, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) đã thực hiện trưng cầu giám định lô hàng Trung Quốc nhập khẩu giả mạo xuất xứ.
Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP HCM và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03)- Công an TPHCM, Biên phòng cửa khẩu TPHCM kiểm tra lô hàng do Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Stewardesses nhập khẩu từ Trung Quốc, phát hiện toàn bộ hàng hóa giả mạo xuất xứ.
Lô hàng giả mạo xuất xứ |
Theo khai báo của doanh nghiệp trên tờ khai hải quan, hàng hóa nhập khẩu là gối cao su tổng hợp loại cố định, số lượng 1.800 cái, giá trị hàng hóa gần 230 triệu đồng.
Thực tế kiểm tra, cơ quan Hải quan phát hiện container chứa các mặt hàng gồm: gần 1.000 chiếc gối cao su, 2.600 bộ drap trải giường, 1.800 chăn bọc nệm và 2.100 cái túi có khóa. Toàn bộ hàng hóa không thể hiện nhãn hiệu. Tuy nhiên, trên sản phẩm có tem nhãn ghi thiết kế Pháp và sản xuất tại Việt Nam.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Stewardesses mới được cấp phép thành lập vào cuối tháng 7/2019, có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại đường Bình Quới, Phường 28, Quận Bình Thạnh, TPHCM.
Trước đó, ngày 11/12 Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh phớt và phụ tùng, bơm thủy lực máy công trình tại số 63 ngõ 258 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 25 bộ sản phẩm phớt, gioăng máy xúc, đã được đóng gói thành phẩm, nhãn giấy có chữ NOK MADE IN JAPAN GENUINEPARTS; 64.000 chiếc nhãn giấy có chữ: NOK MADE IN JAPAN GENUINEPARTS, và 01 máy hàn miệng túi nhãn có chữ tượng hình.
Đại diện cơ sở kinh doanh khai nhận, toàn bộ 25 bộ sản phẩm phớt, gioăng máy xúc được mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.
"Tôi biết rõ không phải là hàng hóa có xuất sứ từ Nhật Bản (JAPAN), nhưng do nhu cầu của thị trường và thị hiếu của khách hàng nên chúng tôi đã đóng gói thành phẩm như trên, bên ngoài có dán nhãn giấy có chữ NOK MADE IN JAPAN GENUINEPARTS" Chủ cơ sở nói.
Cũng theo khai nhận, toàn bộ số hàng hóa này đã được đóng gói thành phẩm và chưa bán được sản phẩm nào thì bị Đoàn kiểm tra phát hiện.
Đại diện cơ sở kinh doanh thừa nhận hành vi trên của mình là sai, không có ý kiến thắc mắc gì và cam kết chịu xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra phát hiện, cơ sở đang bày bán kinh doanh 26.211 chiếc gioăng phớt các cỡ dùng cho máy xúc công trình có nhãn SKF-A. Toàn bộ số hàng hóa này có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu SKF đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.