Tất cả những cửu vạn ở đây khi được hỏi "cõng" trên lưng hàng gì đều không trả lời được. Họ chỉ biết chờ hàng, nhận lệnh và "cõng" về để lấy tiền công.

Cửu vạn “cõng” hàng lên xuống tấp nập ở đường mòn phía sau cánh gà Cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Cao Tuân

Đêm trắng vùng biên giới

Sau nhiều ngày "nằm vùng" ở khu vực Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), PV Báo Gia đình & Xã hội đã tiếp xúc với đủ các thành thần trong "cỗ máy buôn lậu", từ đầu nậu, đến cai cửu hay cửu vạn… Theo tiết lộ của Hùng "ma" - một cai cửu khét tiếng vùng biên, để "cỗ máy buôn lậu" được hoạt động trơn tru, ông chủ sẽ thuê đội ngũ "chim lợn" ngồi rải rác quanh các đường mòn và hễ thấy người lạ lảng vảng thì ngay lập tức thông báo qua bộ đàm. Còn khi hàng hóa được mang xuống điểm tập kết và chuyển lên xe tải đưa đi các tỉnh tiêu thụ sẽ có "chim mồi" đi theo. Mục đích của nhóm người này nhằm cung cấp thông tin nhanh nhất cho "ông chủ" khi gặp phải lực lượng chức năng để có cách xử lý.

Như ở bài viết trước đã phản ánh (số 130, ra ngày 29/10), trong vai cửu vạn, PV Báo Gia đình & Xã hội đã tận mắt chứng kiến dòng người công khai "cõng" hàng từ khu vực cột mốc biên giới Việt - Trung vào nội địa, dù nơi đây cách Chi cục Hải quan và Đồn Biên phòng Tân Thanh chỉ khoảng 1km. Khi chúng tôi nói rằng có nhu cầu lấy hàng số lượng lớn ở Quảng Tây (Trung Quốc) nhưng lo ngại bị bắt giữ, Hùng "ma" khẳng định: "Cứ an tâm, đường dây đánh hàng của chúng tôi là quy trình khép kín và hoàn hảo từ A đến Z. Hàng hóa sẽ được vận chuyển bất kể khung giờ nào, kể cả lúc nửa đêm"(?).

Hàng lậu được tập kết trên đỉnh đồi, sát khu vực biên giới.

Nhằm xác thực lời cai cửu này, chúng tôi lại tiếp tục theo chân nhóm cửu vạn men theo những cung đường mòn, lối mở phía sau chùa Tân Thanh lên điểm tập kết hàng. Mỗi tối, cánh cửu vạn mang theo đồ nghề gồm một miếng bọt biển và đoạn dây thừng đi nhận việc từ cai cửu. Một mẩu giấy được phát ra. Việc của cửu vạn là vác đúng và đủ số hàng ghi trên mẩu giấy từ bên kia biên giới về địa chỉ tập kết rồi nhân với cân nặng để lấy tiền công.

Nỗi e ngại trong đêm tối ở một nơi xa lạ của chúng tôi nhanh chóng bay đi, bởi trên cung đường ngoằn nghèo, trơn trượt có rất đông người vác hàng xuống và chuyển hàng lên. Thỉnh thoảng ở những đoạn dốc cao, tiếng cửu vạn lại vang lên: "Phía dưới có hàng nặng, trên xuống có hàng thì hô to".

Trên cung đường vận chuyển hàng lậu qua khu vực Đồi keo từ Trung Quốc về Việt Nam dài chừng 1km, chúng tôi bắt gặp rất nhiều quán nước. Một cửu vạn đang uống sữa cho lại sức nói với chúng tôi: "Hàng về trên kia rồi nhưng chủ chưa cho bốc ngay vì còn chờ "chim lợn" báo tình hình".

Chỉ tay vào những người đang "cõng" nhưng bao hàng lớn nhưng không bật đèn pin mà mò mẫm từng bước, bà chủ quán giải thích: "Đấy là những bao hàng quan trọng được ưu tiên đưa về trước để "giữ khách". Số lượng lớn còn lại phải khi nào khớp lệnh mới được chuyển về. Có ngày cửu vạn phải chờ từ tối đến gần sáng mới thông đường".

Thân phận cửu vạn

Giữa đêm tối, từng bao hàng lậu được cửu vạn “tuồn” qua hàng rào biên giới ở cột mốc 1089 về Việt Nam.

Đêm khuya giữa rừng, Minh "trâu" - một cửu vạn thâm niên kể: "Những người đi làm cửu vạn ở đây đều xuất thân từ gia đình nghèo khó, từ những người trung niên lất phất hai màu tóc, hay những đứa trẻ 16 - 17 tuổi, ăn học chưa xong nhưng cũng theo bố mẹ lên vùng biên giới này để mưu sinh. Người yếu thì vác hàng 50- 60kg, còn người khỏe có thể vác đến 140kg. Mỗi cửu vạn một đêm trung bình đi được 4 chuyến, trừ tiền đường và tiền thuốc nước thì cũng để ra được 500.000 - 700.000 đồng". Cũng theo lời Minh, dù biết vất vả, nguy hiểm, nhưng ai cũng mong muốn "đổi đời" nhờ cõng hàng lậu nơi biên giới(?).

Trò chuyện hơn 1 tiếng thì chúng tôi nghe thấy tiếng chân của nhóm cửu vạn đang leo lên đỉnh đồi, lúc này đám cửu ngồi ở lán nước cũng lục đục rời đi. Vậy là đường đã thông.

Đứng ở cột mốc biên giới 1089 - nơi hàng lậu đang được nhóm cửu vạn hối hả "cõng" từ Trung Quốc về địa phận Việt Nam, chúng tôi choáng ngợp bởi cả khu vực Đồi keo bạt ngàn ánh đèn pin. Dòng người ngày một đông, từng bao hàng lớn liên tiếp được chuyển qua cánh cửa sắt rộng chừng 1m của hàng rào sắt biên giới, trông xa xa như một "dòng chảy thác đổ". Chúng tôi không thể tin rằng, những hành động này lại diễn ra công khai đến vậy…

Minh "trâu" bảo, đá núi gập ghềnh, lại mang vác hàng nặng vào ban đêm nên rất khó di chuyển nhanh. Sau gần 1 tiếng mò mẫm vác hàng men theo những đường mòn trơn trượt, nhóm cửu vạn đã mang hàng xuống điểm tập kết phía sau chùa Tân Thanh. "Phi đội bay" với mấy chục người đàn ông đi xe máy đã chờ sẵn và nhanh chóng nhận hàng chở đến bãi đỗ của xe tải. Khi hàng đầy, các "mắt xích" thông báo mọi việc đã "êm", những chiếc xe tải lăn bánh vòng ra quốc lộ 1 rồi đi các tỉnh để giao hàng…

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Cần phải truy tận gốc để dẹp nạn buôn lậu

Sau khi đọc bài viết "Xâm nhập đường dây "đánh" hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn" được đăng tải trên Báo Gia đình & Xã hội, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã nêu quan điểm của mình về vấn đề này.

Là đại biểu từng nhiều lần bày tỏ ý kiến về thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang xuất hiện ngày một nhiều ở thị trường Việt Nam, ông Dương Trung Quốc cho rằng: "Cần phải truy tận gốc từ những "đầu nậu" cho đến làm rõ dấu hiệu bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. Chúng ta phải tìm ra đường dây mới triệt phá được".

"Bản thân tôi cũng rất chia sẻ với lực lượng Biên phòng, lực lượng Hải quan bởi khối lượng công việc nhiều, địa hình phức tạp. Nhưng điều đó cũng phản ánh rằng, hoặc lực lượng chức năng của chúng ta không đủ để chống buôn lậu, hoặc có tiêu cực trong công cuộc đấu tranh phòng chống, buôn lậu", ông Dương Trung Quốc chia sẻ thêm.

Ông Dương Trung Quốc đưa ra giải pháp: "Việt Nam cần phải có lộ trình buộc mọi thứ đi vào quy chuẩn, tức là người ta vẫn buôn bán giao thương được, vẫn kiếm lợi được nhưng không phải là kiếm siêu lợi nhuận từ buôn lậu. Quan trọng nhất sau khi báo chí đã phản ánh sự việc, lực lượng chức năng có đủ sự trong sáng để xử lý sai phạm".

Theo Gia đình & Xã hội