Chuộng hàng Thái là tâm lý của người tiêu dùng Việt

Tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, các cửa hàng bán hàng Thái Lan đang có thế mạnh “áp đảo” khi được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn so với các mặt hàng cùng chủng loại nhưng được nhập về từ một số nước khác.

Không có những lùm xùm về chất lượng, giá thành vừa phải nên hàng Thái Lan đang ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Các loại bánh kẹo và hóa mỹ phẩm như sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng... của Thái Lan bán chạy hơn các sản phẩm khác nhiều, dù là cùng nhãn hiệu sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia.

Thực tế cho thấy, hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng bởi giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt từ 10 - 20%, rẻ hơn nhiều so với hàng hóa xuất xứ từ châu Âu, nhưng chất lượng lại không thua kém. Một điểm mạnh khác của hàng Thái đó là, mẫu mã đổi mới, đáp ứng được các đối tượng thu nhập từ thấp đến cao.

Hàng Thái Lan đang chiếm đa số trong các sản phẩm tiêu dùng như sữa tắm, dầu gội, bột giặt ....

Hàng Thái Lan đang chiếm đa số trong các sản phẩm tiêu dùng như sữa tắm, dầu gội, bột giặt ...

Thống kê của Bộ Công Thương tính đến đầu năm 2015, trong số các mặt hàng nhập khẩu (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc.

Cụ thể, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước. Đặc biệt, mặt hàng điện tử, điện lạnh đã chiếm đến 70% thị phần. Đáng chú ý, hoa quả Thái Lan cũng chiếm tới 40% thị phần nội địa Việt Nam.

Mới đây, khoảng 300 DN Thái Lan đã tham gia hội chợ hàng tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh, trong đó, gần 70% trong số đó là DN nhỏ và vừa trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng (thực phẩm, trái cây và đồ uống); mỹ phẩm, spa, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; linh phụ kiện ô tô; sản phẩm điện/điện tử...

Việc xâm nhập thị trường Việt Nam của các DN Thái Lan được tiến hành bài bản với sự hỗ trợ lớn từ chính phủ nước này.

Hàng Việt đang bị chiếm thị phần nghiêm trọng 

Trước đây, hàng Trung Quốc giá rẻ từng có thời gian chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng những cảnh báo về sự độc hại của hàng Trung Quốc, cùng với sự gia tăng thu nhập của người dân Việt Nam khiến xu hướng mua sắm có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng ưa thích những sản phẩm có chất lượng, an toàn dù giá có cao hơn.

Sự phủ sóng của hàng Thái Lan tạo thêm cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn, song lại đẩy DN Việt Nam trước nguy cơ mất phần lớn thị phần. Nếu hàng tiêu dùng Thái Lan có chất lượng cao và ổn định, thì ngược lại, điểm yếu nhất của hàng Việt Nam chính là chất lượng không ổn định, hay đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.

Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam đó là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thì hàng Thái vào Việt Nam nhiều là điều dễ hiểu. DN cần nhìn thực tế đó, không thể “bế quan tỏa cảng”, khư khư giữ thị trường cho riêng mình.

Các cửa hàng chuyên bán đồ Thái Lan mọc lên ngày một nhiều

Các cửa hàng chuyên bán đồ Thái Lan mọc lên ngày một nhiều. 

Để cạnh tranh được, DN Việt cần tập trung vào ba yếu tố. “Thứ nhất, phải đầu tư, mở rộng và nắm chắc hệ thống phân phối. Cần nhìn nhận việc Thái Lan mua lại các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của Việt Nam như một bài học. Thứ hai, tự khẳng định chất lượng sản phẩm của mình, thay đổi mẫu mã bao bì. Thứ ba, cần hướng đến các thị trường nước ngoài”.

Bên cạnh đó, việc Bộ Thương mại Thái Lan liên tục tổ chức Hội chợ hàng Thái Lan trong 12 năm qua tại Việt Nam là minh chứng rõ nét về hoạt động hỗ trợ DN của nước này nhằm tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam. Để hàng Việt có sự cạnh tranh tương xứng, rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc giảm thuế, hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Bùi Nguyễn (tổng hợp)/ Theo Ngay Nay Online