Mất cân bằng giới tính

Theo Phụ nữ gia đình, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Dân số, 55 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước có sự chênh lệch giới tính, trung bình tỷ lệ giới tính khi sinh với 112,8 nam/100 nữ. Đây là hệ quả của việc coi trọng con trai, lựa chọn giới tính thai nhi.

Dù đã có quy định cấm tiết lộ giới tính khi siêu âm nhưng bất chấp điều đó, nhiều cơ sở vẫn thông tin để tình trạng này diễn biến khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình cho biết, nếu thực trạng mất cân bằng giới tính, còn tiếp diễn như hiện nay thì khoảng 30 năm sau, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự chênh lệch giới tính nam hơn nữ khoảng trên 10%. Dự kiến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4,3 triệu nữ giới. Việc mất cân bằng này đồng nghĩa với chuyện 4,3 triệu nam giới có thể sẽ không lấy được vợ.

Nhu cầu có con trai được lý giải trong văn hóa nho giáo từ xưa là để nối dõi tông đường. Con trai mang tên dòng họ, có trách nhiệm kế thừa và xây đắp truyền thống và danh dự của gia đình. Con trai sẽ trông nom chăm sóc mồ mả tổ tiên. Không có con trai được xem như là một điều bất kính với tổ tiên. Con trai là nguồn lao động chính trong mỗi gia đình, nhất là các vùng nông thôn. Con trai kế thừa tài sản của gia đình và có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già.

Tỷ số giới tính khi sinh cao trong 30 năm qua đã để lại những hậu quả xã hội ở Ấn Độ và Trung Quốc, điển hình là sự thiếu trầm trọng số phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Ví dụ, những dự báo năm 2001 cho thấy Ấn Độ thiếu khoảng 36 triệu phụ nữ. Điều này đã tạo ra những căng thẳng trong xã hội tại các quốc gia này, với một số lượng lớn nam giới trẻ tuổi không có khả năng lấy vợ hoặc không có bạn tình.


Dự kiến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4,3 triệu nữ giới. Việc mất cân bằng này đồng nghĩa với chuyện 4,3 triệu nam giới có thể sẽ không lấy được vợ.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Đài Loan, Hàn Quốc đã khiến nhiều nam giới ở đây buộc phải tìm cô dâu ở các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Hiện tượng "xuất khẩu" cô dâu ở Việt Nam gần đây đến một số quốc gia Châu Á là một trong những hệ lụy trực tiếp của hiện tượng thiếu phụ nữ, mà nguyên nhân của nó là do tăng tỷ số giới tính khi sinh ở các quốc gia này trong các thập kỷ trước.

Chính sự mất cân bằng về giới tính này sẽ kéo theo những hậu họa khó lường về các vấn nạn xã hội. "Cánh mày râu" sẽ khó có thể lấy được vợ, rơi vào tình trạng "ế vợ cục bộ". Tình trạng thiếu phụ nữ sẽ nảy sinh ra vấn nạn mua bán trẻ em gái, phụ nữ, mại dâm…

Ngoài ra, để lấy được vợ, các chàng trai phải cạnh tranh nhau khốc liệt từ rất sớm thông qua việc trau dồi cho mình nhiều kiến thức, chăm chút vẻ bề ngoài, kỹ năng cưa bạn tình, tập rất nhiều môn thể thao và năng khiếu. Cuối cùng phải kiếm được thật nhiều tiền có sự nghiệp vững chắc thì may ra mới lấy được vợ. Sẽ tạo thành áp lực lớn ngay từ rất sớm cho các cậu bé khi còn nhỏ tuổi.

Đề nghị xử lý hình sự việc lựa chọn giới tính

Thông tin trên báo Người lao động, GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một trong những thách thức lớn nhất của công tác dân số nước ta hiện nay. Tỉ lệ mất cân bằng giới tính càng trầm trọng ở cả những cặp vợ chồng có trình độ học thức cao, điều kiện kinh tế tốt.

Với hôn nhân "một vợ, một chồng" trong khi thừa nam, thiếu nữ, GS-TS Nguyễn Đình Cử cho rằng hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân; cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ. Do nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng. Nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ đã xảy ra và có thể sẽ tăng.

Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên không thể thành công trong "một sớm một chiều" bởi với chính sách dân số 2 con như hiện nay, Việt Nam cũng phải mất tới gần 40 năm để vận động, truyền thông nhưng cũng chưa thể thành công ở tất cả vùng miền. Trong khi đó, để thay đổi một tư tưởng đã ăn sâu vào ý nghĩ của không ít người dân từ hàng ngàn năm là chuyện không dễ dàng. Để làm được điều này, điều kiện kinh tế - xã hội cần phát triển hơn nữa. Phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi để những người già bớt phụ thuộc kinh tế con cái. "Làm thế nào để khẳng định giá trị của một người nằm ở sự cống hiến của người đó cho gia đình và xã hội chứ không phải giới tính nam hay nữ. Phải tăng cường khung pháp lý, thậm chí xử lý hình sự với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số như việc lựa chọn giới tính khi sinh" - GS-TS Nguyễn Đình Cử nói.

Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng trong thời gian ngắn, rất khó để giảm tỉ số giới tính khi sinh do tâm lý ưa thích con trai của người Việt vẫn còn rất nặng nề. Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái - nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh.

TP. Hồ Chí Minh: Phụ nữ "sợ đẻ", số hộ một người tăng

Ngày 11/10, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tổng kết cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn TP.

Tính đến 0h ngày 1/4/2019, toàn TP. Hồ Chí Minh có 8.993.082 người, tăng 1,8 triệu người so với năm 2009, trở thành TP đông dân nhất nước và có số hộ lớn nhất cả nước. Tỉ lệ tăng dân số bình quân 10 năm qua là 2,28%/năm. Số hộ dân ở TP là 2.558.914 hộ, tăng hơn 743.000 hộ, chiếm gần 1/2 số hộ tăng của cả vùng Đông Nam Bộ và chiếm gần 1/6 số hộ tăng của cả nước.

Cơ cấu hộ từ 1-3 người có xu hướng tăng và trong năm 2019 chiếm tỉ trọng cao nhất với gần 54%. Ngược lại, quy mô hộ gia đình có từ 7 người trở lên chỉ chiếm gần 5,4%. Trong 10 năm qua, quy mô hộ gia đình chỉ có 1 người tăng cao nhất, từ tỉ trọng 7,42% năm 2009 đã tăng lên đến 12,47% năm 2019.

Ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP, Hồ Chí Minh, nhìn nhận TP đang đối mặt với quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và mất cân bằng giới tính.

Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 16 tỉnh, thành phát triển về kinh tế - xã hội có mức sinh giảm nhanh, hiện xuống dưới 1,8 con. Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh có tỉ lệ sinh thấp nhất nước, xuống dưới 1,5 con.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, TP. Hồ Chí Minh có lối sống không khác nhiều so với các quốc gia phát triển, tỉ lệ dân số sống ở đô thị khoảng 80%, chi phí nuôi dạy con đắt đỏ, chưa kể các đặc thù như đường sá chật chội, không thể để con tự đi học. Đó là một trong những lý do khiến phụ nữ "sợ đẻ".

Về giải pháp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, cho hay trước đây, công tác dân số tại TP chỉ tập trung vào nội dung là kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh. Hiện nay, công tác dân số cùng lúc cần triển khai đồng bộ 6 nội dung sau: Duy trì hợp lý mức sinh thay thế; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; phân bố dân số hợp lý với quá trình phát triển.

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang khuyến khích sinh đủ 2 con ở những vùng có mức sinh thấp, bao gồm TP. Hồ Chí Minh và cả vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL.

Theo Báo Dân Sinh