Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước qua năm thứ 9, có thể nói, đến nay cuộc vận động đã được triển khai đến tận các khu dân cư, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, hiệu ứng làm thay đổi nhận thức và hành vi đối với người tiêu dùng. Qua đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn và sử dụng các hàng hóa có xuất xứ, nhãn hiệu, thương hiệu Việt Nam.

Chị Đặng Thị Chinh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, trước đây khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa ra đời, tôi hầu như không để ý đến các thương hiệu trong nước. Bởi lẽ, không chỉ chất lượng mà mẫu mã sản phẩm cũng không thu hút người tiêu dùng, trong khi đó, giá thành lại đắt đỏ hơn rất nhiều so với mặt hàng từ Thái Lan, Trung Quốc…Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều mặt hàng, thương hiệu của Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường như: Việt Tiến, An Phước, cà phê Trung Nguyên, các mặt hàng nông sản... “Gia đình tôi thường xuyên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc của Việt Nam, nó không chỉ khẳng định việc mình là người Việt, mình ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Mà thực chất, hiện nay các sản phẩm trong nước đã tốt hơn và cạnh tranh hơn rất nhiều”, chị Chinh nói.

hang viet can doi moi de phat trien ben vung
Nhiều thương hiệu thời trang quốc tế đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Ảnh: V. Khuê

Có thể nói, rất nhiều người tiêu dùng Việt khi được hỏi đều cho rằng, họ biết và sử dụng rất nhiều các sản phẩm có nguồn gốc của Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác động rất lớn và tích cực đến tư duy của người tiêu dùng trong nước. Không chỉ vậy, cuộc vận động còn có tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi của các DN trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm hàng… Theo thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, qua 9 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiện hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường, trong đó có trên 90% hàng hóa được sản xuất trong nước. Tại các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn, tỷ lệ hàng hóa thương hiệu Việt luôn đảm bảo đạt trên 70%.

Theo nhận định của các chuyên gia, dù hàng Việt đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng nhưng thời gian tới khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu giảm xuống còn 0 - 5%, hàng hóa nhập ngoại sẽ tràn vào Việt Nam, thị trường trong nước sẽ không còn là của riêng DN Việt. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia, cũng là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà DN trong nước phải đối mặt. Nếu không có sản phẩm tốt, DN Việt dễ mất vị thế ngay tại “sân nhà”.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, thế mạnh của các mặt hàng nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam đó chính là chất lượng, mẫu mã và giá thành rất cạnh tranh. Trong khi đó, dù là trên “sân nhà” nhưng nhiều DN Việt lại tỏ ra yếu thế hơn so với DN nước ngoài. Không phải sản phẩm chúng ta không tốt, chất lượng không tốt, mà điểm yếu chính là con người. Tới đây, chúng ta sẽ còn vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ sau khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, khi đó nhờ những ưu đãi và cam kết, sản phẩm, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam, áp lực với các DN trong nước sẽ nhiều hơn nữa nếu chúng ta không có sự chuẩn bị.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam chỉ ra một thực tế: Hiện sự liên kết của các DNNVV còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ với các DN lớn. Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tự có, ít được Nhà nước hỗ trợ… Chính vì vậy, hiện DN tư nhân Việt Nam thiếu vắng một lực lượng DN “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” DN Việt tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Để chiếm lĩnh thị trường nước ta, các nhà bán lẻ nước ngoài, ngoài lợi thế về quản trị, thương hiệu, đã có những bước chuẩn bị bài bản, như tổ chức hệ thống phân phối và đặt hàng gia công sản xuất ngay tại Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nội lại chưa chú trọng liên kết, đầu tư vào hệ thống chuỗi siêu thị. Hệ thống cửa hàng tuy có nhiều cải tiến nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp, từ quản trị, trưng bày hàng hóa đến giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng... Thực trạng trên cho thấy, nếu các DN sản xuất và bán lẻ trong nước không hợp tác tốt với nhau, không chịu thay đổi mẫu mã; tập trung sản xuất nhưng quá trình phân phối rời rạc, thiếu liên kết… thì việc “thua ngay trên sân nhà” hiện hữu trong tương lai gần.

Để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ các nước trong khu vực, trước hết các DN trong nước cần tập trung tận dụng tốt cơ hội, đặc biệt là từ các cam kết FTA mang lại để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ. Ngay từ bây giờ, các DN cần tổ chức lại các khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá... mang tính chuyên nghiệp hơn. Đồng thời tiếp tục đầu tư sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh, không chỉ về giá cả mà cả chất lượng, để tận dụng ưu thế của chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và hấp dẫn nhất trong khu vực châu Á và trên thế giới. Với việc mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập, cùng sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới, sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng tăng đối với DN trong nước. Vì thế, việc giành lại thị phần, lấy niềm tin nơi người tiêu dùng trong nước là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài đối với các DN nếu muốn phát triển bền vững, và để không bị “thua trên sân nhà”.

Việt Khuê

Theo phapluatxahoi.vn