Hành trình của sự đọc (2): Tuổi đọc từ 6-18 (phần 1)

4. Không gian cho việc đọc 

Tuổi này không thể như tuổi mẫu giáo, nên các bậc phụ huynh cần nghĩ đến một không gian cho việc đọc một cách nghiêm túc.

Nhà chật mấy thì chật, cũng nên có 1 không gian cho chúng TỰ DO ĐỌC – tôi nhấn mạnh. Đó không thể là 1 cái bàn học trong góc học tập nhé, bởi danh từ “bàn học, góc học tập” tự nó đã khuôn bó vào một thứ định kiến mà bọn trẻ cực ghét, đó là trách nhiệm phải học. 

Một không gian tuyệt vời dành cho việc đọc không cần thiết phải quá lớn nhưng tốt nhất nêncó ánh sángmặt trời. Ảnh

Một không gian tuyệt vời dành cho việc đọc không cần thiết phải quá lớn nhưng tốt nhất nên có ánh sáng mặt trời. Ảnh Getty images.

Ta nên tạo một chỗ cho chúng thoải mái, tự do với cuốn sách, đúng nghĩa ĐỌC SÁCH LÀ TỰ NGUYỆN, LÀ VUI VẺ (nhưng có thật thế không, thì phần sau tôi sẽ nói). Có một chỗ riêng, đẹp đẽ theo ý chúng để đọc sách, thì chúng tự nhiên sẽ có tâm lí muốn đọc thôi.

Tôi sẽ nói kĩ dưới đây việc sắp xếp không gian đọc cho trẻ cấp 1 và cấp 2 - độ tuổi có sức đọc tốt nhất:

Nhà rộng thì khỏi phải nói, các bố mẹ dành một chỗ cho trẻ đọc trong phòng ngủ của chúng. Có thể thiết kế một cái nhà lều giữa phòng, kích cỡ ít nhất đủ 2 đứa trẻ nằm ngồi trong đó. Hoặc thiết kế lều gắn liền bệ cửa sổ, rất tiện lấy ánh sáng và lại đẹp nữa, trông cứ như cổ tích vậy, bọn trẻ sẽ rất thích lăn lê trong đó.

Giá sách nên để gần với khu đọc sách luôn, dùng loại bám tường và trang trí kiểu cách nữa. Tôi đặc biệt lưu ý cần tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để đọc sách, bởi nguyên nhân quan trọng nhất của chứng cận thị là không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đấy, các cụ đừng đổ riệt cho việc đọc nhiều, đọc sát mắt mà tội đám sách và đám trẻ.

Nhà chật, các bố mẹ tận dụng ô cửa sổ các phòng giúp tôi, nhất là phòng khách và phòng ngủ của trẻ. Chỉ cần 1 mặt phản gỗ rộng tầm 50cm bắt từ bệ cửa sổ ra, là trẻ có thể nằm ngồi đọc sách trên đó được rồi. Thêm một lớp rèm nhẹ để trẻ có thể làm chỗ che phủ riêng tư nữa, chúng sẽ rất thích đấy.

Nếu nhà chật hơn nữa, thì các bố mẹ sắm 1 cái ghế nửa nằm nửa ngồi, bập bênh được càng tốt. Đó sẽ là chỗ đọc của bạn bé (đôi lúc còn là chỗ ngả ngốn xem tivi của các bố mẹ), những hôm đẹp giời, ta mang ghế ra hiên, sân, dưới tán cây chẳng hạn, đọc truyện rất ổn. Tất nhiên những lúc đọc “lộ thiên” như thế, thì chỉ nên đọc những cuốn vui vẻ thôi, hoặc là phải lớn lớn tí thì mới tập trung đọc được. 

Trong nhà, cố gắng thiết kế ít nhất 2 chỗ để sách. Các bố mẹ có thể tập trung giá sách vào 1 chỗ cho ngăn nắp, còn thì chỗ nào có thể đọc sách được, hãy cho phép bọn trẻ để tạm cuốn sách đang đọc dở ở đó, những lúc chúng chưa muốn/chưa thể cất đi.

Có thể sẽ hơi bừa bộn một chút, nhưng tôi lại muốn mắt trẻ va đập vào sách thường xuyên hơn, trẻ sẽ có điều kiện coi việc đọc sách là việc thường ngày. Đừng cho sách vào ghế hộp, khuất mắt là trẻ sẽ dễ để cuốn sách ngủ yên trong hộp luôn đấy.

Trẻ làm việc riêng trong góc đọc sách? Được thôi, không sao cả, chỉ cần các bố mẹ quản sát sao Ipad, smartphone, ti vi ngoài tầm với của trẻ là được. Còn thì chơi đồ hàng, làm bài tập, hát hò nhảy múa, tán chuyện với bạn… được hết. Hãy để góc đọc sách là nơi tự do nhất của trẻ, trẻ sẽ thấy yêu mến và muốn được ở trong đó nhiều hơn.

Với các bạn cấp 3 thì đơn giản hơn, chỉ cần 1 cái ghế bố xinh xinh, 1 ngọn đèn rọi vào ghế cũng là đủ rồi.

Nếu không thể bố trí một chỗ trong nhà cho không gian đọc sách, thì thôi, các bố mẹ dành tiền mua sách cho con đi. Lúc ấy, trẻ sẽ đọc trên giường hoặc ở góc học tập, bàn tiếp khách, bàn ăn… và các bố mẹ cần gia công động viên trẻ nhiều hơn nhé.

Cá nhân tôi vẫn muốn các bậc phụ huynh nuông chiều con em mình thêm một chút nữa, trong việc tạo dựng không gian đọc riêng tư cho chúng.

5. Thời gian cho việc đọc

Cần tách bạch thời gian học bài ở nhà và thời gian đọc truyện. Học bài xong rồi mới đọc truyện. Lí tưởng nhất là đọc từ 30 phút trở lên, trước khi đi ngủ.

Thời gian đầu làm quen với đọc nằm, trẻ sẽ dễ bị ngủ quên, chỉ 5-10 phút là rơi sách. Không sao cả nhé, 5-10 phút cũng được rồi, khi tạo được thói quen, các bạn ấy sẽ đọc dài hơi hơn.

Không nên bỏ đọc truyện ngày nào, trừ khi trẻ ốm hoặc trẻ không muốn đọc. Nếu ngày nào nhiều bài tập quá, các bậc phụ huynh có thể cắt thời gian đọc truyện trước khi đi ngủ, nhưng cố gắng bù cho trẻ lướt qua trang truyện trong những khoảng thời gian tôi nói ở mục sau đây.

Tôi còn biết vài người bạn làm giáo dục, họ có thể cắt vài bài toán trong đống bài tập về nhà, chứ không cắt 30p đọc sách mỗi ngày của các bạn nhỏ đâu.

Việc đọc sách thường xuyên sẽ giúp trẻ hình thành thói quen đọc từ sớm. Ảnh: Kim Bách.

Việc đọc sách thường xuyên sẽ giúp trẻ hình thành thói quen đọc từ sớm. Ảnh: Kim Bách.

Tận dụng tối đa thời gian rảnh để đọc sách, ví dụ này: đi khám bệnh, sân bay, ga tàu, xe bus, café, toilet, du lịch, về quê, đi chơi với bố mẹ … Tóm lại đi đâu đó mà phải chờ đợi hoặc đi lâu trên 1 ngày thì mang sách đi, đọc những lúc rảnh, 5 phút cũng đọc được.

Cho mang sách đi học để đọc giờ ra chơi. Các trường tư thục thì thoải mái hơn, nhưng các trường công lập thì bố mẹ nên cân nhắc, ta đừng để con mình phải chịu va đập bởi các quan điểm trái chiều.

Nếu trẻ mang sách đi mà không đọc thì sao? Chả sao cả, cứ để trẻ mang đi, việc này sẽ TẠO THÓI QUEN CẦM THEO SÁCH cho trẻ.

6. Ứng xử của bố mẹ với việc đọc của con

Đầu tiên và quan trọng nhất là các bâc phụ huynh cần xác định thái độ ỦNG HỘ CON ĐỌC SÁCH.

Đừng so sánh đọc sách với bất kì thứ gì, kể cả học bài.

Hãy để đọc sách trở thành niềm vui chứ không phải trách nhiệm như chuyện học hành. Ảnh minh họa: Kim Bách.

Hãy để đọc sách trở thành niềm vui chứ không phải trách nhiệm như chuyện học hành. Ảnh minh họa: Kim Bách.

Các bố mẹ biết đấy, mục đích của việc luyện đọc thực chất là để trẻ tự tìm hiểu tri thức trong cuộc sống, từ đó tự rèn giũa bản thân và định hình nhân cách. Vậy đừng nên lo sợ đọc sách sẽ làm giảm thời gian và đầu óc để học tập. Lĩnh hội tri thức một cách tự nhiên bao giờ cũng dễ dàng hơn là bị ép buộc.

Đừng kì vọng vào việc đọc sách sẽ học giỏi văn ngay lập tức, nhất là trong môi trường văn chương khuôn sáo ở ta hiện nay. Tri thức từ sách truyện không mang ngay ra để làm bài thi được, nhưng tác dụng lâu dài thế nào thì thôi tôi không cần phải nói nữa.

Mong các bố mẹ nhớ lại câu thần chú ở phần 1 về sự đọc ở lứa tuổi Mẫu giáo: HÃY KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI. Chỉ cần các bố mẹ chọn đúng sách thôi, thành quả của sách mang đến không chỉ là giỏi văn đâu, mà còn là những tri thức trong thế giới tự nhiên, hiểu biết trong cuộc sống thường nhật, và cả việc ứng xử nhân văn trong các mối quan hệ nữa.

Nhất thiết không nên tạo áp lực phải đọc cuốn này, phải đọc cuốn kia cho trẻ. Đây là kế Bắt đọc mà không phải là Bắt đọc đấy.

Danh sách ở dưới đây tôi đã sắp xếp phù hợp với độ tuổi cao dần lên rồi, bắt đầu từ những cuốn nhẹ nhàng trước đã, rồi sau trẻ sẽ thích đọc mà tự đọc tiếp những cuốn nặng hơn thôi. Nhưng các bố mẹ vẫn nhớ bảo bối ở phần trước đấy chứ?

ĐƯA TỪNG CUỐN MỘT thôi nhé, trẻ sẽ không có cơ hội kén cá chọn canh.

KHÔNG TRUY BÀI về cuốn truyện trẻ đã đọc, kiểu như ý nghĩa truyện là gì? Con rút ra bài học kinh nghiệm gì từ truyện?

Trẻ cấp 1-2 chưa thể đủ bao quát để nhận xét truyện được, vả lại, đọc sách tự nguyện đâu nhất nhất cần phải tìm hiểu ý nghĩa của truyện? Trẻ thấy hay, thích đọc là được rồi. Tuổi này không hiểu ý nghĩa, thì thêm vài tuổi chúng sẽ hiểu được, tri thức lĩnh hội theo vòng xoáy hình nón mà, các bố mẹ cứ việc kiên nhẫn thôi.

Nếu có hỏi, các bố mẹ chỉ cần hỏi: truyện có hay không, con có thích không? Nếu trẻ có hứng thú muốn kể lại truyện. Các bố mẹ hãy giữ thái độ như là chúng đang “khai sáng” cho mình nhé. Đảm bảo lần sau cứ đọc xong là chúng tìm các bố mẹ để “khai sáng”...hehe.

Nhắc trẻ đọc sách mọi lúc. Trẻ cứ ra khỏi nhà thì các cụ nhắc ngay câu này: Con mang truyện đi chưa? Truyện gì cũng được, đọc rồi cũng được, chỉ cần trẻ cầm 1 cuốn truyện trong tay, lâu ngày sẽ nảy sinh ra một NHU CẦU CẦM TRUYỆN TRONG TAY, mà từ CẦM TRUYỆN đến ĐỌC TRUYỆN nó gần lắm các bố mẹ ợ.

Điều quan trọng nhất tôi luôn để tâm trong việc rèn luyện đọc sách cho trẻ, đó là TẠO RA THÓI QUEN ĐỌC SÁCH, bắt đầu càng sớm càng tốt.

Có nên khen thưởng khi trẻ đọc xong sách không? Tôi nghĩ cứ nên khen thưởng, nhất là giai đoạn đầu luyện đọc, và luyện đọc cho trẻ lớn. Cần tạo động lực kích thích các bạn ở giai đoạn có tính ì này, thôi mà, có gì là chiều chuộng lắm đâu.

Khi đã bập vào mê sách rồi, thì cho đọc lại là một sự ban ơn, không chừng.

Và một điều cuối cùng: muốn con đọc sách, thì các bố mẹ bơn bớt smartphone đi chút nhe’. Ta cố gắng đọc cái gì đó trong lúc trẻ đọc sách, truyện ngôn tình đam mĩ cũng được, tài liệu làm việc, báo cáo, sổ sách hàng ngày cũng được.

Không cần phải ngày nào cũng đọc, miễn là các bố mẹ ngồi đọc bên cạnh chúng, hoặc để chúng nhìn thấy bố mẹ cũng có hoạt động ĐỌC GIỐNG CON. Trẻ sẽ cảm thấy được công bằng trong chuyện Đọc, và tự thân chúng sẽ coi chuyện ĐỌC NHƯ MỘT NẾP NHÀ.


* DANH SÁCH SÁCH ĐỌC PHỔ THÔNG:

A. SÁCH ĐỌC TUỔI NHI ĐỒNG – THIẾU NIÊN (lớp 1-9)
1. Bộ truyện Mít Đặc – Nikolay Nosov (3 cuốn, Nga)
2. Chiếc chìa khoá vàng hay chuyện li kì của Buratino – A. Tonxtoi (Nga)
3. Bác sĩ Ai-bô-lít – Coocney Trucopxki (Nga)
4. Ngụ ngôn La Fontaine (Nga, đã có ở phần đọc Mẫu giáo)
5. Truyện cổ Grim (Đức, đã có ở phần đọc Mẫu giáo. Phần này lựa chọn những truyện dài hơi hơn để đọc)
6. Truyện cổ Andersen – H.C.Andersen (Thuỵ Điển)
7. Thần thoại Hy Lạp (tập truyện, nhiều tập)
8. Nghìn lẻ một đêm – Antoine Galland (Pháp, tập truyện)
9. Hoàng tử bé – Antoine de Saint Exupery (Pháp)
10. Peter Pan - James Matthew Barrie (Anh)
11. Alice ở xứ sở diệu kỳ - Lewis Carroll (Anh)
12. Bột mì vĩnh cửu – Alexander Romanovich Belyaev (Nga)
13. Cánh buồm đỏ thắm – Aleksandr Grin (Nga)
14. Những tấm lòng cao cả - Edmondo De Amicis (Ý)
15. Tixtu ngón tay cái xanh – Morix Đruyông (Pháp)
16. Không gia đình – Hector Malot (Pháp, 2 tập)
17. Robinson Cruxo – Daniel Defoe (Anh)
18. Thời thơ ấu - Maxim Gorki (Nga)
19. Người mẹ - Maxim Gorki (Nga)
20. Bông hồng vàng và bình minh mưa – K. Pautopxki (Nga)
21. Những vì sao – Alphonse Daudet (Pháp)
22. Giamilia – Tsinghiz Aitomatop (tập truyện ngắn, Nga)
23. Tot-to-chan cô bé bên cửa sổ - Kuroyanagi Tesuko (Nhật)
24. Tiếng gọi nơi hoang dã – Jack London (Anh)
25. Bộ truyện động vật của Kẹp Hạt Dẻ (24 cuốn gồm: Lad, Vua Gấu xám, Kazan, Baree, Chiri-con chó mặt nạ, Lassie trở về, Bruce, Sói, Bobby đi hoang, Sương Giá-con mèo đầm lầy, Joe Đẹp, Làn Khói-con ngựa chăn bò, Bọ Cạp-con ngựa định mệnh, Mèo mặt nhọ…)
26. Ông già và biển cả - E.Hemingway (Mĩ)
27. Chiếc lá cuối cùng – O.Henry (tập truyện ngắn, Mĩ)
28. Thằng Bé Hư – Thomas Bailey Aldrich (Mĩ)
29. Oliver Twist - Charles Dickens (Anh)
30. Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer – Mack Twain (Mĩ)
31. Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn – Mack Twain (Mĩ)
32. Hai vạn dặm dưới đáy biển – Jules Verne (Pháp)
33. Đảo giấu vàng - Robert Louis Stevenson (Anh)
34. Túp lều bác Tôm – Harrier Beecher Stowe (Mĩ)
35. Đôn Kihôtê – Miguel de Cervantes Saavedra (Tây Ban Nha)
36. Guliver du kí – Jonathan Swift (Anh)
37. Bá tước Monto Crixto – Alexandre Dumas cha (Pháp)
38. Mặt trăng và đồng xu – William Somerset Maugham (Anh)
39. Mi ken lan giê lô
40. Đời bí ẩn của Xan va đo Đê li (tự truyện của Salvado Deli)
41. Lê ô na đờ Vanh xi – A. Antaep (Nga)
42. I xa ắc Lê vi tan – X.Prorocova (Nga, sách Cầu vồng)
43. Mô Da – Bằng Việt phóng tác
44. Bêt thô ven – J.Ghiemo Maghito, (A. Nicoxop biên soạn lại)
45. Paganini – Anatoli Vinogradop (Nga)
46. Sô Panh – Ocghekovxkaia (Nga)
47. Harry Poter (sách mới)
48. Những người thích đùa – Azit Nexin (Thổ Nhĩ Kì)
49. Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán ba – Thomas Cathcart & Daniel Klein
50. Lời Chúa cho mọi người (Kinh Thánh)

B. SÁCH ĐỌC TUỔI THIẾU NIÊN – THANH NIÊN (lớp 7-12) 
51. Chó hoang Dingo hay là câu chuyện về mối tình đầu – Ruvim Ixaevich Phraerman (Nga)
52. Ba người lính ngự lâm – Alexandre Dumas cha (Pháp)
53. Hai mươi năm sau - Alexandre Dumas cha (Pháp)
54. Cái chết của ba người lính ngự lâm - Alexandre Dumas cha (Pháp)
55. Hoa tuylip đen – Alexandre Dumas cha (Pháp)
56. Trà hoa nữ - Alexandre Dumas con (Pháp)
57. Bức hoạ Maja khoả thân – Samuel Edwards (Mĩ)
58. Mối tình đầu của Naponeon – Annemarie Selinko (Áo)
59. Mối tình cuối cùng của Naponeon - Thomas B. Costain
60. Cuốn theo chiều gió - Margaret Mitchell (Mĩ)
61. Tiếng chim hót trong bụi mận gai - Colleen McCullough (Úc)
62. Người thứ 41 – Boris Lavrenyov (Nga)
63. Ai van hô – Walter Scott (Anh)
64. Bố già – Mario Puzo (Mĩ)
65. Thằng cười – Victo Hugo (Pháp)
66. Nhà thờ Đức bà Paris – Victo Hugo (Pháp)
67. Những người khốn khổ – Victo Hugo (Pháp, 3 tập)
68. Sê khốp - truyện chọn lọc – (tập truyện, Nga)
69. Anna Karenina - Leo Tolstoy (Nga)
70. Sông Đông êm đềm - Mikhail Aleksandrovich Sholokhov (Nga, 4 tập)
71. Đường phố người con út - Lep Catxin - Macxo Polianopxki (Nga)
72. Epghênhi Ônêghin – Puskin (Nga)
73. Tấn trò đời – Honoré de Balzac (Pháp)
74. Bà Bôvery – Gustave Flaubert (Pháp)
75. Kiêu hãnh và định kiến – Jane Austen (Anh)
76. Jane Eyre – Charlotte Bronte (Anh)
77. Đồi gió hú – Emeli Bronte (Anh)
78. Gatsby vĩ đại – F.Sott Fitzgerald (Mĩ)
79. Bác sĩ Zivago – Boris Pasternak (Nga)
80. Thầy lang – Tadeusz Dolega Mostowicz (Ba Lan)

Tôi nhớ từng đọc về Hoàng hậu Marie Antoinette khi sắp bị hành quyết, trên đoạn đầu đài, bà vô tình giẫm lên chân đao phủ, bà vội nói:

- Tôi xin lỗi, thưa ông.

Đó chính là một trong những sự thể hiện của người có chữ, của tinh thần quí tộc. Phải chăng, giới quí tộc phương tây có được những điều đó bắt đầu từ xây dựng một NẾP NHÀ – ĐỌC SÁCH?

Theo Dịch giả Vũ Danh Tuấn/Reatimes.vn