Việc nuôi chó để làm cảnh hay giữ nhà đã là một thói quen của không ít người Việt. Tuy nhiên, việc nuôi chó theo đúng quy định nuôi nhốt thì không phải ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh.
Việc nuôi chó thả rông không chỉ gây mất vệ sinh môi trường do phóng uế bừa bãi, trên lề đường, vỉa hè, vệ cỏ ở những nơi công cộng, mà còn chưa kể việc nuôi chó nhưng không tiêm phòng dại đầy đủ, ra đường không rọ mõm, không có người dắt cũng khiến cho những chú chó trở thành mối đe dọa khôn lường.
Hình ảnh chó thả rông xuất hiện trên đường Xuân La, Hà Nội. |
Anh Nguyễn Minh Hoàng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng vô cùng bức xúc trước việc chó thả rông phóng uế bừa bãi. “Nơi tôi ở là một khu dân phố trong ngõ, gần đó một số nhà nuôi rất nhiều chó, nhưng điều làm tôi khó chịu ở đây là chó có chủ, nhưng không thấy ai quản lý, để chúng tự do phóng uế bừa bãi ngay trên đường vô cùng mất vệ sinh. Chưa kể mỗi lần tôi đi làm về đêm, đường tối, gặp thêm mấy chú chó nằm giữa đường, có một lần vì tránh nó tôi lạc tay lái ngã xe, rất may chỉ bị thương ngoài da. Nếu như mình góp ý với chủ nhân của những chú chó này cũng chỉ nhận lại cái cười trừ, rồi lần sau vẫn để thú cưng của mình tự do làm những gì chúng thích".
Nhiều bạn trẻ thường dắt chó nuôi của mình đi dạo phố, thế nhưng họ lại "quên" đeo rọ mõm cho chúng |
Ông Nguyễn Mạnh Kường, 72 tuổi người dân (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng ta đã có những quy định cụ thể của pháp luật về việc xử lý chó thả rông. Tuy nhiên, những cái chết của nhiều nạn nhân gần đây liên quan đến chó dữ tấn công ngày càng nhiều. Đó là vấn đề đáng báo động. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, xử lý, xử phạt các hành vi nuôi, thả rông chó trái quy định. Đồng thời mỗi cá nhân cũng cần nâng cao nhận thức trong việc nuôi thả chó cũng như những loại vật nuôi khác”.
Nhiều người nuôi cho rằng cho của họ nuôi là chó cảnh, rất hiền nên không tấn công người lạ |
Theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, chó là nguồn mang mầm bệnh dại chiếm tới 90%. Khi động vật mắc bệnh dại cào, cắn, liếm vào người, vi rút từ nước bọt sẽ lây truyền qua da và niêm mạc bị tổn thương. Vi-rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết.
Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tuỳ thuộc loài và vị trí vết cắn. Thời gian ủ bệnh ở con vật có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10-15 ngày phát bệnh thường thải vi rút qua nước bọt gây nhiễm cho người, gia súc khác qua vết cào, cắn, liếm.
Nhiều người cảm thấy sợ hãi khi bắt gặp hình ảnh những con chó to lớn không rọ mõm tại nơi công cộng |
Cũng theo Cục Thú y, ở nước ta bình quân hàng năm có khoảng nửa triệu người bị chó cắn phải đi chích ngừa, điều trị dự phòng; trong số đó có khoảng 80 - 100 người tử vong do lây bệnh dại. Theo Cục Thú y, hiện tổng đàn chó trên cả nước khoảng 5,4 triệu con nuôi ở 3,5 triệu hộ, tuy nhiên chỉ khoảng 2,1 triệu con (39%) có tiêm phòng.
Tại khu công viên Ngoại giao đoàn không khó bắt gặp hình ảnh những con chó được chạy thả rông |
Có rất nhiều giống chó được người dân nuôi, nhưng đa phần đều không có thiết bị bảo vệ cho loài vật nuôi này |
Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú ý đã quy định phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với các hành vi nuôi chó nhưng không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người chăn dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi thả rông chó trong khu đô thị, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường.
Thế nhưng mặc dù đã có văn bản quy định, nhưng trên thực tế, việc thả chó ra đường không đeo rọ mõm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Điều này hết sức nguy hiểm khi bất cứ lúc nào chó cũng có thể tấn công người xung quanh hoặc chạy ra đường làm cản trở giao thông, gây tai nạn. Mức phạt hiện nay không đủ sức răn đe. Cho dù là bao nhiêu tiền đi nữa cũng chẳng thể nào bù đắp nổi những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần cho những nạn nhân bị chó dữ tấn công.