Ngày 3/2, Chi cục thú y TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng "đột kích" vào cơ sở sản xuất hàng giả của Công ty TNHH Bính Hạnh tại 209/14 Lê Văn Sỹ, phường 13, Q.3, TP.HCM phát hiện ông Nguyễn Xuân Bính làm giám đốc đang tổ chức chế biến thịt heo thành thịt bò.

Thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện ngoài nhà, kho lạnh và các tủ đá chứa gần 2.044kg thịt heo nái.

Cơ sở làm giả thịt bò bị phát hiện - Ảnh: Mã Phong.

Cơ sở làm giả thịt bò bị phát hiện - Ảnh: Mã Phong.

Trong đó có 1.179kg thịt heo chưa ngâm, 110kg thịt đang ngâm và hơn 750kg thịt đã được "phù phép" chia thành từng túi nhỏ để bán ra thị trường. Số lượng thịt này đang được chia ra từng thau đựng nằm ngổn ngang giữa nền nhà. Ngoài ra, đoàn cũng thu được hai túi bột trắng được cho là hóa chất Metabisulfite.

Làm việc với đoàn, ông Bính không cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng. Ông Bính thừa nhận từ tháng 11-2015 đến nay đã mua thịt heo từ Đồng Nai về ngâm hóa chất “hô biến” thành thịt bò. Thịt heo mua về được sơ chế rồi ngâm vào dung dịch huyết bò pha với hóa chất Metabisulfite.

Hóa chất này được mua tại chợ Kim Biên (Q.5).

Huyết bò dùng để ngâm tẩm thịt heo nái. Ảnh: A.X

Huyết bò dùng để ngâm tẩm thịt heo nái. Ảnh: A.X

Với thủ đoạn này, mỗi ngày công ty bán ra thị trường khoảng 500 - 600kg, với giá tiền từ 135.000 đồng - 140.000 đồng. Khi bán ông Bính nói rõ cho các đầu mối biết đó là thịt heo nhưng họ vẫn đồng ý lấy hàng.

Theo một cán bộ Thú y, với việc biến thịt heo thành các loại thịt đặc sản, lừa dối khách hàng, ông Bính hưởng lợi trên 30% giá trị sản phẩm.

Ông Huỳnh Tấn Phát - phó chi cục trưởng Chi cục thú y TP.HCM, cho biết do số lượng thịt thu được không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên bắt buộc phải tiêu hủy.

Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu kiểm nghiệm. “Căn cứ trên kết quả kiểm nghiệm, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở làm hàng giả này”, ông Phát nói.

Theo TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP HCM, metabisulfite là phụ gia được dùng cho các loại rau củ quả chế biến. Mục đích là làm cho trắng, hạn chế ôxy hóa và hạn chế nấm mốc.

Tuy nhiên, metabisulfite cũng như các chất tương tự là natri bisulfite... không được dùng cho thịt vì sẽ phá hủy hết các vitamin trong thịt, nhất là vitamin B1. Ngoài ra, đối với người tiêu dùng, nếu dùng quá liều lượng cho phép sẽ có nguy cơ gây dị ứng và lên cơn khó thở ở những người bị bệnh hen suyễn. Đối với công nhân tiếp xúc trực tiếp sẽ có nguy cơ gây kích ứng và dị ứng.

Ông Tường Nguyên, một thương lái bò thịt tại TP HCM, cho biết giá bò tuột (bò rút xương, bỏ lòng và bỏ mỡ) bán sỉ tại lò đã từ 180.000-186.000 đồng/kg (tùy thuộc có bơm nước hay không).

Vì vậy, chuyện các quán thu mua bò với giá 135.000-140.000 đồng/kg thì chắc chắn là bò giả! Những hàng quán lấy thịt bò biết rõ điều này  nhưng vì lợi nhuận vẫn nhắm mắt làm ngơ.

Còn chuyên gia ẩm thực Võ Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Món Ngon Việt Nam), cho biết không chỉ thịt nạc heo nái mà thịt nạc heo bình thường cũng có thể “hô biến” thành thịt bò bằng cách trên để tạo màu và mùi như thịt bò.

Nguyên nhân chính là do thịt bò giả (từ thịt heo hoặc trâu đông lạnh) có giá rẻ hơn nhiều so với thịt bò thật nhưng lại cao hơn nhiều so với thịt heo nên cả bên bán lẫn chủ các hàng quán nhập về chế biến đều có lãi lớn.

Chùm ảnh: Phù phép thịt heo nái thành thịt bò, tẩm hóa chất Metabisulfite (Nguồn: Tuổi trẻ Online)

Thịt heo được ngâm dung dịch hóa chất và huyết bò - Ảnh: Tiến Long

Thịt heo được ngâm dung dịch hóa chất và huyết bò - Ảnh: Tiến Long

Cơ quan chức năng bắt quả tang lô hàng chuẩn bị “phù phép” từ thịt heo thành thịt bò - Ảnh: Tiến Long.

Cơ quan chức năng bắt quả tang lô hàng chuẩn bị “phù phép” từ thịt heo thành thịt bò - Ảnh: Tiến Long.

Từng miếng thịt heo đỏ nhạt sau một thời gian ngâm đã biến thành thịt bò với màu đỏ sậm - Ảnh: Tiến Long.

Từng miếng thịt heo đỏ nhạt sau một thời gian ngâm đã biến thành thịt bò với màu đỏ sậm - Ảnh: Tiến Long.

Thịt heo sau khi được “phù phép” còn xắt lát để làm bò viên - Ảnh: Tiến Long.

Thịt heo sau khi được “phù phép” còn xắt lát để làm bò viên - Ảnh: Tiến Long.

Hóa chất màu trắng được cho là để làm cho thớ thịt săn chắc - Ảnh: Tiến Long.

Hóa chất màu trắng được cho là để làm cho thớ thịt săn chắc - Ảnh: Tiến Long.

Thịt bò thật và giả lẫn lộn sẽ được các mối hàng đến nhận tuồn ra thị trường - Ảnh: Tiến Long.

Thịt bò thật và giả lẫn lộn sẽ được các mối hàng đến nhận tuồn ra thị trường - Ảnh: Tiến Long.

Thịt heo (bên phải) ngâm hóa chất thành thịt bò (bên trái) - Ảnh: Tiến Long.

Thịt heo (bên phải) ngâm hóa chất thành thịt bò (bên trái) - Ảnh: Tiến Long.

Cách nhận biết thịt bò giả

Theo chuyên gia ẩm thực Võ Quốc, thịt bò giả bị ngâm tẩm trong thời gian dài nên thịt bị ứ nước (nhiều hơn cả bò bơm nước), miếng thịt không chắc, để một thời gian sẽ bị chảy nước rất nhiều. Còn với thịt đã được xắt nhỏ, tẩm ướp thì “bó tay”, không thể phân biệt được.

“Tuy nhiên, có thể khẳng định gần 100% các quán bình dân bán bò kho, bò né, phở,… sử dụng bò giả vì bò thật giá thấp nhất cũng 180.000 đồng/kg, chủ hàng dùng bò thật chỉ có nước lỗ.

Những quán cao cấp hơn vẫn có tình trạng độn thịt bò giả, tùy vào lương tâm người bán. Vì vậy, để tránh bị lừa, người tiêu dùng chỉ có cách mua ở những nơi bán hàng uy tín vì mua nhầm chứ bán không nhầm” - ông Quốc nhận xét.

 

Theo Nhật Linh (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam