Theo đó, phía Malaysia sẽ hỗ trợ 100 nghìn USD cho việc khởi đầu nuôi tái tạo san hô tại vịnh Nha Trang. Khu vực sẽ triển khai việc nghiên cứu tái tạo san hô nằm tại Bãi Tiên - một trong những nơi sở hữu những dải san hô đẹp nhất vịnh Nha Trang, vùng biển hoang sơ với bãi cát trắng trải dài, địa hình độc đáo nhưng những năm gần đây hệ sinh thái san hô đã bị suy giảm.

ho tro 100000 usd de phuc hoi tai tao san ho tai vinh nha trang
Hình ảnh san hô khu vực Bãi Tiên được khảo sát vào cuối tháng 6/2019. Ảnh: Theo Dân trí

Dự án này nằm trong chiến lược và nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường. Trong tháng 9 tới, chủ đầu tư sẽ liên kết với Viện Hải Dương học Nha Trang - đơn vị chuyên nghiên cứu ứng dụng triển khai về bảo tồn đa dạng sinh học, công nghệ nuôi trồng, nguồn lợi động vật và thực vật biển, vật lý hải dương, khí tượng - thủy văn và động lực biển.

Những năm gần đây, hệ sinh thái san hô tại Nha Trang cũng như nhiều vùng biển khác của Việt Nam đang bị suy giảm mạnh. Theo kế hoạch nghiên cứu, sẽ có gần 600 loại san hô được nhân giống để đánh giá sự thích nghi với môi trường khu vực biển Bãi Tiên trước khi mở rộng nuôi trồng. Đề án nghiên cứu kỳ vọng sẽ phục hồi dải san hô Bãi Tiên, góp phần trả lại tự nhiên hệ sinh thái độc đáo, đa dạng thu hút du lịch bền vững.

Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong 7 tháng đầu năm 2019, Khánh Hòa đã đón hơn 4,15 triệu lượt khách lưu trú du lịch, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế khoảng hơn 2 triệu lượt, tăng hơn 24,8%. Đề án hi vọng sẽ mang đến một điểm dừng chân mới cho du khách khi đến Khánh Hòa.

Rạn san hô có vai trò quan trọng đối với việc hình thành, bảo vệ cấu trúc nền đáy, duy trì các dòng chảy tự nhiên. Rạn san hô là nơi trú ẩn, sinh sản và phát triển của nhiều loài sinh vật biển. Theo các nghiên cứu và thống kê cho thấy, vịnh Nha Trang là nơi san hô sống phát triển tốt, có diện tích khoảng 252 ha với độ phủ rất cao và tập trung phân bố ở các khu vực Hòn Mun (22 ha), Hòn Tằm (20 ha), Hòn Rơm (3,2 ha), Hòn Vung (4,6 ha), Hòn Cau (3,2 ha)… Hiện nay, chỉ có Hòn Mun và Hòn Rơm là nơi có rạn san hô tương đối ổn định còn ở VinPearl - Hòn Tre, Bích Đầm, Hòn Một bị tàn phá bởi hoạt động đánh bắt và tác động của môi trường. Hiện Viện Hải dương học đã nghiên cứu trồng và phục hồi, tái tạo thành công san hô ngoài tự nhiên. Trong thời gian qua, Ban quản lý vịnh Nha Trang đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ nguyên vẹn rạn san hô tại Phân khu bảo vệ và duy trì san hô ở trạng thái tốt.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ho-tro-100-nghin-usd-de-phuc-hoi-tai-tao-san-ho-tai-vinh-nha-trang-9059.html
 

Theo Kinh Tế Môi Trường