Các ngành nào được hưởng lợi?
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 20/5/2022.
Có thể nói, đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM).
Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung, và thời gian tới sẽ song hành cùng với các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội - NHCSXH) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.
Hiện tại, NHNN yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương triển khai các nhiệm vụ nhằm đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách.
Cùng với đó, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành, tăng cường thanh tra, giám sát, phối hợp các bộ ngành, chính quyền địa phương để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đạt hiệu quả.
Đối tượng được hỗ trợ lãi suất: Là các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L) theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg; để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.
Điều kiện được hỗ trợ lãi suất: Khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ 1/1/2022 đến 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định nêu trên, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác; quy định 2 trường hợp khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất (tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 31).
Thời hạn và mức lãi suất hỗ trợ: Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31 tháng 12 năm 2023; (ii) Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định tại Nghị định.
Phương thức hỗ trợ lãi suất: Đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, ngân hàng thương mại thực hiện giảm cho khách hàng số lãi tiền vay phải trả bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong kỳ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ kết quả hỗ trợ lãi suất của ngân hàng đối với khách hàng, NSNN sẽ thanh toán số tiền hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng.
Để tổ chức triển khai chính sách nhanh chóng, thuận lợi cho cả khách hàng và ngân hàng, đúng mục tiêu, đối tượng theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, tại Nghị định còn quy định một số nội dung về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất; hồ sơ, quy trình, thủ tục lập dự toán, thực hiện dự toán và quyết toán hỗ trợ lãi suất (giữa ngân sách nhà nước với ngân hàng); trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND tỉnh thành phố, ngân hàng, khách hàng.
Sẽ giám sát chặt gói hỗ trợ lãi suất
Hỗ trợ ngay trên khoản lãi phải trả
Theo thông tư hướng dẫn vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, đến kỳ trả nợ lãi từ ngày 20/5/2022 đến hết 31/12/2023 hoặc khi số dư gói 40.000 tỷ đồng của chương trình này vẫn còn, ngân hàng thương mại sẽ giảm trừ 2% lãi suất cho khách hàng.
Chẳng hạn, khoản vay được giải ngân từ đầu năm 2022, đến cuối tháng 6 này phải trả 15 triệu đồng tiền lãi. Với chính sách này, khách vay sẽ được hỗ trợ 2% lãi suất, tương ứng với 5 triệu đồng, chỉ phải trả ngân hàng 10 triệu đồng tiền lãi.
Có nhiều ngân hàng muốn nới "room" tín dụng
Ở hội nghị triển khai nghị định 31 hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã do Ngân hàng (NH) Nhà nước tổ chức vào hôm 27/5, các NH thương mại đồng loạt đề nghị NH Nhà nước nới hạn mức (room) tín dụng.
Đại diện BIDV cho biết, dự báo 7 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng là rất lớn. Kết quả khảo sát hồi quý IV-2021 của BIDV cho thấy nhu cầu tăng tín dụng, nhất là của khách hàng tốt, tăng hơn 17% nhưng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NH này năm nay chỉ dừng ở 10%.
Phó tổng giám đốc MB Bank bà Phạm Thị Trung Hà cũng chia sẻ, từ sau khi mở cửa phục hồi kinh tế nhu cầu vốn tăng lên rất lớn. "Do đó, NH Nhà nước nên mở room để các NH thực hiện tốt chương trình này", bà Hà kiến nghị.
Đại diện Vietcombank cũng cho rằng doanh nghiệp đang rất "khát" vốn để phục vụ cho phục hồi tăng trưởng. Trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đã trên 9%.
Thống kê của Agribank cho biết, dự kiến có khoảng gần 100.000 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng tại NH này đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ. BIDV cũng có hơn 10.000 khách hàng đáp ứng điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất với gần 200.000 khoản vay.
Cùng với đó, VietinBank đã lên danh sách sơ bộ, ước tính số lượng khách đủ các điều kiện được hỗ trợ lãi suất chiếm 30% tổng quy mô tín dụng của NH này. Còn tại Vietcombank, với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, các đối tượng hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ lãi suất lần này chiếm gần 30% tổng dư nợ với số lượng khoảng hơn 30.000 khách hàng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết chương trình hỗ trợ lãi suất 2% này là giải pháp hỗ trợ thêm cho tăng trưởng tín dụng nhưng không có nghĩa là tín dụng đi không đúng trọng tâm, trọng điểm mà phải đạt được yêu cầu của Chính phủ.
Với đề xuất nới room tín dụng, ông Tú thừa nhận ngay từ khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng kỳ đầu tiên năm nay, NH Nhà nước cũng thấy tín dụng tăng nhanh hơn. "Nhưng tín dụng tăng đến mức độ nào để phải kiểm soát lạm phát. Tăng tín dụng cao, áp lực với kiểm soát lạm phát tăng. Còn tăng ít thì không tăng trưởng kinh tế. Nên ở đây phải giải quyết thỏa đáng", ông Tú chia sẻ.
Tín dụng tăng mạnh ở lĩnh vực vận tải, dịch vụ...
Theo NH Nhà nước, tính đến ngày 27/5, ước tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,75%, tăng cao hơn gấp hai lần cùng thời điểm năm 2021. Theo đó, tín dụng tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế chứ không phải dồn vào một vài lĩnh vực.
Thậm chí một số lĩnh vực gặp khó khăn thời gian qua lại có mức tăng trưởng tín dụng cao như vận tải, du lịch, dịch vụ, vận tải tăng 8,25%; tín dụng công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%...
Việc hỗ trợ 2% lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khắc phục được khó khăn, giảm bớt chi phí vốn và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí liên quan việc triển khai nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã.
Ước tính có hàng trăm nghìn khoản vay của doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Chính sách hỗ trợ này cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn hơn khi vay vốn.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chuong-trinh-ho-tro-lai-suat-2nam-nhung-doi-tuong-nao-duoc-huong-67559.html