Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết về Hội An:

"Hội An chẳng là quê

Mà là Hương, khổ thế

Quên Quê, ai có thể

Hương ư? ôi dễ gì"

Hội An một thời trên bến dưới thuyền, là ô cửa nhìn ra thế giới của người Việt thế kỷ XVII luôn là một địa danh giản dị mà lôi cuốn, trầm tư mà đắm say trong hành trình di sản miền Trung. Ai đã đến một lần đều muốn quay lại bởi còn bao điều chưa khám phá hết.

Hội An trong sách của người nước ngoài từng được gọi là Faifo hay Hoài Phố. Nơi đây từng tồn tại các nền văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa. Thế kỷ XVI – XVII khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Quảng Nam, Hội An trở thành một đô thị quan trọng trong giao thương buôn bán, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Đến Hội An không chỉ để ngắm một sông Hoài thơ mộng, một chùa Cầu độc đáo, một phố đêm rực rỡ đèn lồng, một trầm mặc phố cổ xen lẫn hội quán mà còn được tìm về những nét văn hóa bình dị sâu lắng.

Bình yên trên sông Hoài

Bình yên trên sông Hoài

Hãy lắng nghe nhịp thở và cái hồn của phố cổ không chỉ với những dãy phố phủ đầy hoa giấy, những ngôi nhà cổ không có ban công, những hội quán Phúc Kiến, Trung Hoa cùng những ngôi chùa thờ cúng các bậc Tiền Hiền. Ấn tượng nhất là kiến trúc “thượng gia hạ kiều” chùa Cầu còn gọi là chùa Nhật Bản. Với dáng cong mềm mại, chùa Cầu trở thành biểu tượng của thành phố du lịch Hội An. Đằng sau những màu sắc tươi vui đó là một Hội An lặng lẽ và sâu sắc. Có niên đại hàng nghìn năm, giếng cổ Bá Lễ, di tích văn hóa Chăm Pa vẫn hàng ngày cung cấp nguồn nước ngọt ngào không vơi cạn. Dân Hội An tin rằng chỉ có nước giếng cổ Bá Lễ mới làm ra cao lầu, mì Quảng đặc sắc và ngon đến như vậy. Những ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương ẩn chứa cả một triết lý sống. Nhà được coi như một thực thể sống có “đôi mắt” cửa thể hiện khát vọng ấm no hạnh phúc, giữ bình yên cho gia chủ. “Mắt cửa” vừa là vật trang trí lại vừa là nét văn hóa tâm linh tạo ra nét riêng của phố Hội. Hội An còn thật thà dung dị bởi những gánh hàng rong. Đó là những món ăn xưa cũ đặc trưng cho không gian phố cổ như bánh đập, cao lầu, cơm gà, đậu hũ hay đơn giản chỉ là mẹt tò he của làng gốm Thanh Hà làm nên một nét riêng rất đỗi thanh bình.

Cách Hội An khoảng 3km, ta được trải nghiệm một sông nước miền Tây trong lòng phố Hội. Đó là rừng dừa Bảy Mẫu thuộc xã Nam Thanh. Những chiếc thuyền thúng sẽ đưa ta dọc bờ kênh rạch với mênh mông dừa nước. Vừa chèo thuyền, bác lái lại có thể đan cho du khách những đồ chơi làm từ dừa nước như chú cá vàng, nhẫn hoa hay cả một chiếc vương miện. Ta được thưởng lãm tiết mục xiếc thúng độc đáo trên sông. Chiếc thuyền quay tít còn chàng trai phấn khích nhảy theo tiếng nhạc vui nhộn. Khán giả hò reo cổ vũ nhộn nhịp cả một khúc sông.

Thưởng thức xiếc Thúng.

Thưởng thức xiếc Thúng.

Hội An còn chứa trong lòng nó sự biết ơn. Có một khu tưởng niệm nhà khảo cổ tài ba người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski trên phố Trần Phú. Nhà khoa học kiêm “giải phẫu kiến trúc cổ” đã sống và làm việc trong điều kiện khó khăn suốt 17 năm, cống hiến sức lực, nhiệt huyết để cứu các di sản, làm sống dậy không chỉ một Hội An mà hàng loạt di tích dọc dải miền Trung như hệ thống các Tháp Chăm hay cố đô Huế. Ông là người đem Hội An ra với thế giới, giúp cho thế giới hiểu Hội An là một đô thị cổ có vẻ đẹp không trùng lặp với bất kỳ đô thị cổ nào. Kazik – Thầy lang, người dân Hội An gọi ông như thế, đã thực sự trở thành công dân danh dự của đất Hội An.

Đêm trên phố cổ có cảm giác rất lạ. Ta như rơi vào một không gian khác, một thời gian khác cái thời ta đang sống. Ta như nhìn thấy vài chục ngôi nhà gỗ của thương nhân Nhật Bản, ta như cảm được người Hoa nhộn nhịp trên bến dưới thuyền vào thời kỳ buôn bán sầm uất thế kỷ XVII. Một không gian ảo như hiện ra trước mắt với những người yêu mến lịch sử đất Hội An để quên đi những bộn bề toan tính mệt mỏi, để quay lại với Hội An xưa, nơi buôn bán gặp gỡ của người châu Âu, người Nhật, người Trung Quốc. Muốn đi hết đêm trong sự thong dong phố cổ, để được giữ mãi cái cảm giác quay về quá khứ, thời Hội An là nơi mở ra cánh cửa giao lưu với thế giới bên ngoài.

Với hàng ngàn di tích dày đặc từ mộ cổ, chùa cổ, nhà cổ đến giếng cổ và các hội quán, Hội An ẩn chứa một nền văn hóa nhiều tầng, nhiều lớp và vô cùng phong phú. Muốn hiểu Hội An bạn sẽ còn phải đến nhiều lần, rất nhiều lần nữa mới khám phá hết những nét đẹp ẩn sâu trong lòng phố cổ. Cảm nhận vẻ đẹp của Hội An không chỉ bằng mắt thấy, tai nghe mà muốn hiểu Hội An phải bằng cả trái tim và khối óc với tất cả tình yêu dành cho thành phố độc đáo này.

Phan Anh Loan

 

Theo dulich.reatimes.vn