Sống hòa hợp với thiên nhiên

Hai năm trước, khi rất nhiều gia đình xung quanh phá cây, đua nhau bắn ngói tôn lợp kín từ sân ra ngõ theo phong trào “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” bố tôi kiên quyết phản đối. Bố bảo làm thế chẳng khác nào tự tay vít chặt mình lại, rồi chết dần chết mòn trong cái hộp kín bưng. Còn cây cối, không có ánh sáng, có nắng làm sao chúng sống nổi. Nhiều người bảo bố cả nghĩ, nhưng tôi hiểu với một người yêu thiên nhiên như bố, mất đi cái thú được tắm nắng, ngắm mây trời, chăm sóc cây cối chẳng khác nào bảo người ta sống mà rút cạn không khí.

Các cụ ta từ xưa đã có câu “trước trồng cau, sau trồng chuối” để đề cao vai trò của cây cối trong kiến trúc nhà ở. Bởi thế từ nhỏ bố tôi đã dạy: Trong nhà phải có cây xanh. Không có đất trồng cây thì mình trồng cây thủy sinh trong bồn, trong chậu; không có chỗ đặt, để thì treo cao cho gọn gàng. Khu vườn nhỏ của bố thì giản dị lắm, có tới chục giò phong lan quanh năm không chịu… nở hoa. Có ai đó trêu, bố cười khà khà bảo "cứ xanh tốt là được”. Mỗi lần về thăm nhà, dù đường dài có mệt tới đâu, chỉ cần hít một hơi thật sâu để cảm nhận trọn vẹn không gian xanh mát quanh mình là mọi mệt nhọc dường như tan biến.

Những vò rượu cần được bố giữ lại để trồng cây.

Những vò rượu cần được bố giữ lại để trồng cây. (Ảnh tác giả bài viết cung cấp)

Tự tạo không gian xanh cho chính mình

Ngày tôi lên Hà Nội học, biết nhà trọ chật chội, bố gửi cho mấy cây xương rồng nhỏ đặt trên bệ cửa sổ, “có thể không đơm hoa, kết trái, chỉ cần lấy màu xanh mát mắt thôi là đủ con ạ”. Cũng nhờ phương châm “hãy mang cây vào nhà” của bố, chúng tôi luôn cố gắng để không gian quanh mình luôn có sự tươi mát của cây cỏ bằng cách đặt những chậu cây nhỏ trên bệ cửa sổ, trên mặt bàn học, mặt tủ lạnh và mang tới bàn làm việc ở công ty. Với quỹ đất hạn chế và tốc độ tăng trưởng dân số chóng mặt ở các đô thị lớn như hiện tại, việc xây dựng một không gian xanh rộng rãi, thoáng mát cho cả cộng đồng thực sự là bài toán nan giải nhưng một không gian xanh nhỏ nhắn, vừa vặn với mỗi người thì không hề khó.

Thiết nghĩ, thay vì chờ đợi một không gian xanh lớn, trước tiên mỗi người chúng ta nên học cách phủ xanh những không gian nhỏ. Nhiều không gian xanh nhỏ sẽ tạo thành một không gian xanh lớn. Mười bàn làm việc xanh sẽ tạo nên một môi trường công sở trong lành. Một góc bếp xanh, ban công xanh, phòng khách xanh sẽ cùng tạo nên một ngôi nhà xanh đúng nghĩa.

Ảnh minh họa do tác giả bài viết cung cấp.

Ảnh minh họa do tác giả bài viết cung cấp.

Xanh còn có nghĩa là an cư lạc nghiệp, là bền vững và hạnh phúc

Biết anh chị tôi có ý định mua chung cư, bố bảo phải chọn khu vực nào có có nhiều cây xanh, hệ sinh thái trong lành mà mua bởi nơi ấy mới xứng là nơi an cư lạc nghiệp. Cách suy nghĩ của bố phần nào dựa trên triết lý về Mộc trong văn hóa phương Đông. Trong năm hệ ngũ hành Thổ - Kim - Thủy - Mộc - Hỏa, chỉ có Mộc (cây cối) là hàm chứa sự sống. Mộc tượng trưng cho mùa xuân, cho sự sinh sôi nảy nở. Trái đất được gọi là hành tinh xanh và cũng chính là hành tinh duy nhất có sự sống trong hệ mặt trời. Không phải lẽ ngẫu nhiên mà “green” hay là “xanh” đang trở thành xu hướng phát triển cho mọi mặt của kinh tế xã hội.

Chúng ta có kinh tế xanh, du lịch xanh, giao thông xanh, kiến trúc xanh… tất cả đều hướng tới những giá trị bền vững để đáp ứng nhu cầu cao nhất của con người là tận hưởng cuộc sống hạnh phúc. Khao khát được sống xanh giờ đây không chỉ còn là những câu hô hào mang tính khẩu hiệu, những đề án nằm trên giấy mà nó xuất phát từ mong muốn chính đáng của mỗi con người. Vậy thì nếu quy hoạch đô thị của chúng ta có thể đáp ứng được những khát khao ấy thì chẳng phải chúng ta cũng đã tiến tới rất gần tới ý niệm hạnh phúc trong mỗi người hay sao?

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

 

Theo Reatimes.vn