Cuốc taxi bình thường vào ngày đẹp trời

Câu chuyện dựa theo lời kể của ông Irving Stern, một cựu tài xế taxi ở thành phố New York, Mỹ.

Tôi đã lái taxi ở thành phố New York được 28 năm, 3 tháng và 12 ngày. Bây giờ, nếu bạn hỏi tôi đã ăn gì vào sáng hôm qua, có lẽ tôi không thể nhớ ra nhưng có một cuốc taxi trong đời mình đăc biệt đến độ tôi không bao giờ có thể quên được.  

Đó là một buổi sáng thứ hai đầy nắng vào mùa xuân năm 1966, tôi lái xe xuống Đại lộ York để tìm khách hàng. Tôi đã dừng lại ở một cột đèn đối diện Bệnh viện New York khi nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc bảnh bao bước xuống bậc cầu thang bệnh viện. Ông ấy vẫy tôi lại.

“Cho tôi đến sân bay LaGuardia nhé” – người đàn ông cất lời.

Tôi mừng thầm: “Đúng là tin tốt vào sáng đầu tuần, sân bay LaGuardia rất đông người, tôi sẽ dễ dàng nhận được cuốc quay về”.

Nhiều người cho rằng một cuốc taxi bình thường chẳng thể mang lại điều gì...(Ảnh minh họa)

Như mọi khi, tôi hay tự hỏi về các hành khách của mình. Liệu người này có phải một người thích nói, hay thích im lặng, thích đọc báo? Sau một lúc, bỗng người đàn ông mở lời hỏi tôi có thích việc lái taxi hay không?

Ôi dào, đó là một câu hỏi quá cũ rồi, tôi trả lời như thuộc lòng: “Tôi ổn, thưa ông. Công việc này giúp tôi đủ trang trải và có cơ hội gặp gỡ những người thú vị. Nhưng nếu có thể kiếm được một công việc nhiều hơn 100 đô la mỗi tuần, tôi sẽ bỏ nó ngay”.

Người đàn ông nói: “Câu trả lời của anh khiến tôi tò mò. Tôi sẽ không thay đổi công việc kể cả có kiếm thêm được 100 đô”.

Tôi ngạc nhiên: “Tôi chưa bao giờ nghe ai nói như vậy. Ông làm nghề gì?”.

“Tôi làm ở khoa thần kinh tại bệnh viện New York” – người đàn ông đáp.

Câu hỏi làm thay đổi cuộc đời con trai người tài xế taxi

Tôi luôn tò mò về mọi người, tôi cố gắng học những gì tôi có thể từ họ. Nhiều lần trong những chuyến đi dài, tôi tạo mối quan hệ với hành khách của mình và nhận được lời khuyên từ những người làm kế toán, luật sư và thợ ống nước.

Tôi nghĩ người đàn ông này rất yêu thích việc của mình, tôi quyết định nhờ ông giúp đỡ:

- Tôi có thể nhờ ông giúp một chuyện này được không?

Ngừng vài giây, tôi nói tiếp:

- Tôi có một đứa con trai, 15 tuổi, nó là một đứa trẻ ngoan. Thằng bé học rất giỏi. Tôi muốn thằng bé đi trại hè nhưng nó lại muốn có một công việc. Nhưng một đứa trẻ 15 tuổi làm sao có thể kiếm được việc chứ, trừ khi bố của nó quen biết một chủ đoanh nghiệp, tôi thì lại không. Liệu ông có thể cho nó một việc gì để làm không, không cần trả lương cũng được”.

Người đàn ông im lặng, tôi bỗng cảm thấy mình hơi vô duyên khi mở lời thế này. Sân bay ở trước mặt đây rồi, người đàn ông bỗng lên tiếng:

- Các sinh viên y khoa đang có một dự án nghiên cứu trong mùa hè. Có lẽ cậu bé sẽ phù hợp. Anh gửi cho tôi kết quả học tập của con trai nhé.

Vì không tìm thấy danh thiếp, ông ấy xin tôi một tờ giấy để viết thông tin của mình. Sau khi viết và trả tiền tôi, người đàn ông chào tôi rồi đi mất, đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp ông ấy.

Giao tiếp là một kỹ năng cũng như đi xe đạp hay đánh máy, bạn có thể học. Nếu bạn sẵn sàng nhọc công vì nó, bạn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mình (Ảnh minh họa)

Cơ hội một lần trong đời

Tối đó, khi ngồi quanh bàn ăn cùng gia đình, tôi lôi mẩu giấy đó ra khỏi túi áo: "Robbie, đây có thể là công việc vào mùa hè này cho con", tôi nói với con trai.

Thằng bé mở mẩu giấy và hét lên: “Fred Plum, bệnh viện New York”.

Vợ tôi: “Có phải ông ấy là bác sĩ không?”.

Con trai tôi: “Đây là trò đùa hả bố?”.

Sau khi tôi cằn nhằn và dọa cắt tiền tiêu vặt của Robbie, thằng bé mới chịu gửi bảng điểm vào sáng hôm sau.

2 tuần sau, khi tôi đi làm về thấy Robbie hào hứng khoe có một lá thư gửi cho nó. Bìa thư có ghi: "Bác sĩ Fred Plum, Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện New York". Thằng bé được thư ký của bác sĩ Plum gọi đến phỏng vấn.

Robbie đã được nhận công việc. Sau 2 tuần làm việc với tư cách là một tình nguyện viên, cậu bé được trả 40 đô la một tuần. Chiếc áo khoác phòng thí nghiệm màu trắng khiến Robbie cảm thấy mình quan trọng hơn rất nhiều khi đi theo bác sĩ Plum quanh bệnh viện, làm những công việc nhỏ cho ông.

Mùa hè tiếp theo, Robbie lại được làm việc tại đây nhưng lần này, cậu bé được giao nhiều trách nhiệm hơn. Ngày tốt nghiệp trung học, bác sĩ Plum đã tốt bụng viết thư giới thiệu, giúp Robbie được nhận vào Đại học Brown.

Mùa hè thứ 3, Robbie tiếp tục kiên trì làm việc tại bệnh viện, dần dần tình yêu với nghề y trong cậu trỗi dậy. Ngày tốt nghiệp đại học đã đến, cậu đã nộp đơn vào trường y và bác sĩ Plum một lần nữa lại viết thư giới thiệu chứng thực cho năng lực và nhân cách của cậu.

Cuối cùng, Robbie được nhận vào Đại học Y New York. Sau khi nhận được bằng y khoa, cậu đã thực tập 4 năm trong chuyên ngành Sản phụ khoa.

Bài học giao tiếp một đời không quên

Bác sĩ Robert Stern, con trai của một người lái xe taxi bình thường đã trở thành một bác sĩ sản phụ khoa nổi tiếng tại Trung tâm Y tế Columbia-Presbyterian.

Một số người có thể gọi đó là định mệnh, còn tôi thì lại thấy rằng có những cơ hội lớn có thể tới từ những cuộc gặp gỡ bình thường, thậm chí rất đỗi bình thường như một cuốc taxi.

Biết nắm bắt lấy cơ hội là điều rất quan trọng trong cuộc sống này. Tôi không giỏi giao tiếp, chỉ là thích giao tiếp mà thôi.

Với tôi, tất cả có lẽ đều nhờ bác sĩ  Fred Plum - một người mà tôi sẽ không bao giờ quên".

Brian Tracy từng nói: “Giao tiếp là một kỹ năng cũng như đi xe đạp hay đánh máy, bạn có thể học. Nếu bạn sẵn sàng nhọc công vì nó, bạn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mình”.

Theo Gia đình Việt Nam