Lênh đênh phận chài
Mải miết lau chùi bộ bàn ghế mới tậu được của người quen, vợ chồng anh Ngô Minh (thôn Duệ Thôn, xã Định Tiến, Yên Định, Thanh Hóa) khá bất ngờ trước sự xuất hiện của các vị khách lạ. Khuôn mặt đen nhẻm của người đàn ông sống trong gia đình có truyền thống 7 đời mưu sinh bằng nghề chài lưới không giấu nổi cảm xúc vui sướng khi lần đầu tiên cả 5 thành viên trong gia đình được đón cái Tết đầu tiên trên bờ.
Tết năm nay, nhờ chịu khó làm ăn, tích góp, kinh tế gia đình cũng có phần dư giả hơn trước. Anh chia sẻ: “Vợ chồng làm lụng vất vả cả năm tích góp được ít tiền sắm sửa bộ bàn ghế để có chỗ tiếp khách cho đàng hoàng. Chỗ người quen họ vừa bán, vừa cho nợ một phần, khi nào có tiền thanh toán nốt cũng được. Ngồi thuyền mãi rồi bây giờ phải ngồi ghế chứ! Nói chung, sống dưới sông vất vả bao nhiêu thì lên bờ sướng bấy nhiêu”, anh vừa nói vừa nở nụ cười mãn nguyện rồi hì hục quét tước, lau chùi nhà cửa cho sạch sẽ.
Phía ngoài sân, tiếng trẻ con rộn vang khắp khoảng sân nhỏ. Mấy đứa nhỏ cũng tỏ ra phấn khích với bộ quần áo mới trên người vì đây là lần đầu tiên chúng được ăn Tết trên bờ cùng gia đình. Trông vào xa xăm, anh Minh bỗng khựng lại, ánh mắt đong đầy cảm xúc: "Lâu lắm rồi tôi mới thấy chúng vui như vậy", anh Minh xúc động nói.
Anh Minh khẽ nhắm mắt và hồi tưởng quãng thời gian chạy vất vả ngược xuôi với nghề chài lưới, lấy mặt sông làm nhà để mưu sinh. Người đàn ông trạc tuổi 30 ngậm ngùi: “Dân vạn chài chúng tôi cũng lênh đênh như con nước, nay đây, mai đó, bữa có, bữa không. Thanh niên có sức khỏe chỉ có lựa chọn là theo nghề chài lưới của cha ông hoặc đi làm cát thuê cho các chủ tàu. Cuộc sống vì thế mà vất vả hết ngày này qua tháng nọ. Giờ được như thế này là hạnh phúc lắm rồi”.
Cũng chính vì lẽ đó hầu hết các hộ dân vạn chài thuộc các xã Định Tiến, Định Hải, Định Tiến, Quý Lộc, Định Công... đều thuộc diện hộ nghèo, gia cảnh khó khăn, nghề nghiệp bấp bênh. Tài sản của người dân chài lưới không có gì đáng giá ngoài chiếc thuyền, vài tấm lưới đánh bắt cá, và một ít nồi niu xoong, chảo.
Với những người dân thuyền chài quanh năm đầu tắt mặt tối trên sông nước, ít khi họ dám nghĩ tới ngày Tết, thậm chí có người coi đó là ý nghĩ xa xỉ: “Trước đây, Tết cũng giống như ngày thường thôi. Cái bụng có no thì khi đó là Tết. Còn không thì... Tất cả đều tất bật với nỗi lo cơm áo gạo tiền chứ thời gian đâu mà nghĩ ngợi cho mệt”, Chị Nguyễn Hương (thôn Duệ Thôn) chia sẻ.
Cứ thế, họ - những người người dân thuyền chài đã sống lay lắt như vậy hết đời này qua đời khác. Rồi ở “thế giới” của những người cùng cảnh ngộ trưởng thành, lấy vợ, chồng rồi sinh con đẻ cái, chung sống trên những chiếc thuyền vỏn vẹn hơn 10m2 tối tăm, nhỏ hẹp hết ngày này sang tháng nọ trôi nổi trên dòng nước như một định mệnh khó thay đổi.
Ngày cưới, hai vợ chồng anh Minh, chị Hương mượn tạm được một chòi canh cát trên bờ làm lễ thành hôn. Lễ cưới khi ấy không trang hoàng phông rạp, loa đài, không ăn uống linh đình... Họ đến với nhau, thành vợ thành chồng từ những số phận đồng cảm, cộng khổ, rồi lại dắt díu nhau xuống thuyền sinh sống như cái cách ông cha họ từng làm.
Ở nơi được gọi là "nhà" (thuyền), thì khoang chính của thuyền làm nơi đặt bếp, kế bên là nơi ăn, chốn ngủ. Phía mạn thuyền là nơi dùng để chưa dụng cụ chài lưới. Tất cả bó hẹp trong diện tích mười mấy m2 nhưng có đến 3 – 4 người sinh sống.
Phần lớn dân vạn chài đều sống trên những con thuyền hoen gỉ, tập trung thành từng dải nối đuôi, bám chặt lấy nhau ở hai bờ sông bằng những sợi dây thừng, mỏ neo chắc chắn”. Họ sống ở “thế giới” mà ở đó người ta có cảm giác rằng, mọi sinh hoạt như có sự tách biệt tương đối với cuộc sống bên ngoài. Có lẽ vậy mà tỷ lệ thất học và mù chữ của người dân vạn chài cũng vì thế mà tỷ lệ thuận với số năm họ gắn bó với chiếc thuyền để mưu sinh.
Chị Hương tiếp tục hoài niệm trong cơn tủi phận: “Nhà có 3 đứa con, thì có hai đứa đang học dở dang nhưng vì gia đình không có điều kiện nên phải cho nghỉ. Đứa thứ 3 thì kiểu gì chúng tôi cũng phải cho cháu học bằng bạn. Bố mẹ đã không có chữ thì con cái phải được học hành đàng hoàng”.
Chị bảo, có lần đi họp phụ huynh cho con, cô giáo đề nghị phụ huynh ký vào biên bản sau khi kết thúc cuộc họp, nhưng mãi không ký được vì không được học chữ.
Tủi phận vì thua thiệt với thiên hạ cái chữ, hai hàng nước mắt cứ trào ra rồi chị khóc nức nở vì xấu hổ và cũng bởi bản thân chưa làm tròn trách nhiệm với con cái: “Mình thiếu cái chữ nên buồn lắm. Nhiều khi nhìn thiên hạ có chữ mình thèm lắm nên về “bắt đền” ông bà (chỉ bố mẹ đẻ) trước đây không cho ăn học tử tế. Giờ chỉ mong sao vợ chồng có sức khỏe để làm ăn tích góp của ăn của để, cho con cái học hành thật tốt để chúng không phải sống cảnh “tối tăm” vì mù chữ như bố mẹ, ông bà chúng đã từng chịu đựng”, chị Hương nói.
Cuộc sống vạn chài lênh đênh nay đây mai đó cũng khiến những người dân không tránh khỏi những rủi ro sông nước, đặc biệt đối với con cái họ. Đã có những đứa trẻ mãi mãi “không thể lớn” vì bị hà bá nuốt chửng: “Nếu trẻ nhỏ thiếu sự trông coi của người lớn, thì chỉ cần một chút bất cẩn là có thể rơi xuống dòng nước, mất mạng như chơi.
Chúng tôi từng chứng kiến những cảnh tượng đau lòng vì trẻ con rơi xuống sông đuối nước nhưng không phát hiện và cứu vớt kịp thời. Có lần đứa nhỏ nhà tôi nghịch nước ngã xuống sông, nhưng may mắn sống sót vì bố nó phát hiện và cứu vớt kịp thời. Từ đó, khi đi đâu, làm gì cũng phải buộc phao vào người con, đề phòng nếu rơi xuống nước thì còn biết mà cứu", chị Hương chia sẻ.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Ngô Văn Báo (85 tuổi, thôn Duệ Thôn) dường như thấu hiểu nhất nỗi vất vả của người dân chài lưới. Người đàn ông từng gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình với nghề chài lưới chia sẻ: “Dân chài lưới chúng tôi sợ nhất là những ngày mưa bão. Cuộc sống khó khăn, thuyền bè nhiều năm không được tu sửa, mục nát nên mùa mưa bão, trẻ nhỏ, người già phải chạy lên bờ, tránh trú.
Trên thuyền chỉ còn những người thanh niên kiên quyết bám trụ lại để giữ thuyền không bị chìm hoặc bị trôi. Khó khăn là vậy, nhưng chỉ có những người đồng cảnh ngộ mới thấu hiểu được hoàn cảnh và chia sẻ với nhau”.
Cuộc sống bắt đầu hồi sinh
Cả làng chài đa phần dựa vào chiếc cần câu cơm là con thuyền chỉ đánh bắt nhỏ lẻ trên sông. Đã vậy, nhiều gia đình lại đông miệng ăn, cho nên làm đến đâu, tiêu đến đó. Vì vậy, việc tích cóp, dành dụm mua đất đai, nhà cửa trở thành việc không hề đơn giản. Cũng bởi vì thế mà cái “vòng sinh mệnh” đói ăn, thất học, nghèo khó cứ bám lấy họ từ đời này sang đời khác.
Ở cái tuổi xế chiều, mong muốn lớn nhất của gia đình cụ Đỗ Thị Nhuận (82 tuổi, thôn Duệ Thôn) là có một mảnh đất để an cư lúc về già. “Cả làng chài quanh năm bán mặt cho nước, bán lưng cho trời chỉ mong có ngày lên bờ định cư”, cụ Nhuận thủ thỉ.
Điều ước của bà lão gần đất xa trời cũng là mong mỏi nhiều đời của hàng trăm hộ dân thuyền chài nhiều đời nay lênh đênh trên sông nước. Có lẽ, đó sẽ là tài sản lớn nhất mà cụ có thể để lại cho con cháu lúc nhắm mắt xuôi tay.
Để thực hiện tâm nguyện của hàng trăm hộ dân thuyền chài, huyện Yên Định rà soát, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ dân thuyền chài có điều kiện an cư bằng việc cấp đất ở, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà, sớm ổn định cuộc sống.
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện chủ trương, tại các xã Định Công, Định Tiến, Định Hải, đã có hàng chục hộ gia đình được cấp đất, xây dựng nhà cửa kiên cố, ổn định cuộc sống. Nhiều lao động thuyền chài trước đây được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Người dân được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở các hội, đoàn thể, trẻ em được đến trường học con chữ.
Trong căn nhà mới vừa được xây dựng khang trang cách đây không lâu từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, cụ Ngô Văn Báo không giấu được cảm xúc: “Sống dưới nước quen rồi, nên ban đầu định cư trên bờ thấy khác lắm! Cảm giác sung sướng lắm! Dạo trước khi được các cấp chính quyền tạo điều kiện cấp đất, hỗ trợ kinh tế cả làng chài ai nấy đều vui và phấn khởi. Giờ ở lâu dần trên bờ thành quen, không muốn trở lại mặt sông nữa.
Quan trọng nhất là mấy đứa nhỏ sẽ không còn cảnh thất học như bố mẹ, ông bà của chúng. Bây giờ hệ thống giao thông thuận tiện, điện, nước sinh hoạt đầy đủ thế là người dân chài lưới mừng lắm rồi".
Cũng như anh Minh, chị Hương, cụ Báo cùng nhiều người dân thôn Duệ Thôn khác mà chúng tôi có dịp gặp trò chuyện trong chuyến công tác trước, trong ánh mắt, của họ đều chan chứa niềm vui, phấn khởi về tương lai. Với họ, cuộc sống chính thức hồi sinh từ đây.
Ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định: "Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức, hội, đoàn, doanh nghiệp, đến nay, cuộc sống của người dân thuyền chài sau khi chuyển lên bờ sinh sống đã ổn định hơn trước. (Video: Văn Thiện).
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Vũ lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, sau khi có chủ trương tái định cư cho các hộ dân thuyền chài kết hợp với sự vận động của các cấp chính quyền, các hộ dân đều rất đồng tình, hưởng ứng.
"Khi người dân được bố trí đất để làm nhà, chúng tôi đã kêu gọi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân có điều kiện xây dựng hạ tầng. Đến nay, có khoảng 50% người dân thuyền chài được bố trí định cư trên bờ. Từ nay, người già có nơi nghỉ ngơi, trẻ em thì có nơi học hành, người lao động đã, đang có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Trong đó, một phần lớn lao động thuyền chài đã được các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc, tạo thu nhập ổn định.
Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng động viên, hỗ trợ, kêu gọi nhân dân, chung tay, giúp đỡ tất cả số hộ thuyền chài còn lại được lên bờ định cư", ông Lưu Vũ Lâm cho hay.
Yên Định là huyện có số lượng dân chài thuộc diện lớn của tỉnh Thanh Hóa với hơn 200 hộ. Các hộ dân này thường phân bố dọc sông Mã tại các xã: Định Hải, Định Tiến, Quý Lộc, Định Công, Yên Phong, Yên Trường, Yên Thọ, Yên Thái. Nhưng nhiều nhất là ở xã Định Hải, Định Tiến và Định Công với khoảng gần 50% dân cư sông nước. Họ sống bằng đủ nghề, từ chài lưới, làm thuê cho chủ tàu cá...
Năm 2017, huyện Yên Định đã khảo sát và lập quy hoạch cấp đất ở cho 94 hộ dân sông nước các xã Định Tiến, Định Công, Định Hải và huy động các nguồn hỗ trợ xây nhà. Hiện nay, xã Định Tiến đã có 15/30 hộ xây nhà, trong đó có 10 nhà được tổ chức hảo tâm hỗ trợ. Một số hộ ở các xã khác cũng đã nỗ lực xây mới để ổn định cuộc sống, như: Định Công 7/32 hộ xây nhà; Định Hải 8/32 hộ xây nhà.