Tuy nhiên, số bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn mới phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2018 giảm 2.468 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 4,76%.
Số bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn giảm 940 bệnh nhân, bệnh nhân lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn giảm 841 bệnh nhân.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Giao ban sơ kết 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2018 Chương trình Chống lao Quốc gia do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức ngày 10/8 tại Hà Nội.
Phát hiện hơn 49 nghìn bệnh nhân lao các thể trong 6 tháng đầu năm 2018
Theo PSG.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Tổ chức Y tế thế giới ước tính năm 2016 trên toàn cầu có khoảng 10,4 triệu người hiện mắc lao, 10% trong số mắc có đồng nhiễm HIV.
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao. Trong đó có khoảng 374.000 người chết do lao trong số những người nhiễm HIV.
Số tử vong này làm cho lao là một trong các bệnh gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Xu hướng dịch tễ bệnh học lao trên toàn cầu nói chung đang có chiều hướng giảm với tỷ lệ mắc mới giảm khoảng 1,5%/năm.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Đồng thời, đứng thứ 13 trong tổng số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
PSG.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương
Trong năm 2018, trên toàn quốc đã có nhiều tỉnh triển khai sát nhập và thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong đó có 16 tỉnh trong hệ thống Chương trình Chống lao Quốc gia chưa được thành lập bệnh viện lao phổi tuyến tỉnh nên đơn vị chống lao tuyến tỉnh đang được dần sát nhập vào mô hình này, dẫn đến nhiều biến động về cơ cấu tổ chức, nhân sự và mô hình hoạt động, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như hiệu quả hoạt động của các tỉnh.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh.
Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.