Hồng có bị ngâm, ủ hóa chất hay không? 

Hồng ngâm quả tròn, nhỏ, khi ngâm nước chín sẽ có vị giòn, ngọt và thơm mát. Hồng ngâm mỗi năm chỉ rộ đúng vào vụ tết trung thu nên quả hồng ngâm, bánh nướng, bánh dẻo và bưởi đào đã trở thành những món ăn truyền thống cho ngày tết thiếu nhi này.

Hiện nay. hồng ngâm đang bước vào giai đoạn đầu vụ cùng với thời tiết mùa thu của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Tại chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), 1kg hồng ngâm đang được bán với gián 30.000 đồng/kg - 35.000 đồng/kg. Chị Linh, người bán cho hay, hồng ngâm đang ở giai đoạn đầu vụ nên giá vẫn cao hơn chút ít so với giai đoạn giữa vụ. Khi đúng thời vụ, giá chỉ dao động trong khoảng 20.000 đồng/kg – 25.000 đồng/kg tùy từng chợ.

Hồng ngâm chưa ngâm nước thì còn xanh và chát.

Hồng ngâm chưa ngâm nước thì còn xanh và chát.

Tuy nhiên, do đặc thù của loại quả này là phải ngâm trong nước để loại bỏ chất chát trong quả và quả hồng ngâm đủ nước mới chín vàng. Vì thế nên nhiều người bộc lộ sự lo lắng khi nước ngâm hồng là loại gì, có đủ đảm bảo an toàn hay không? 

Ngoài ra gần đây người tiêu dùng lại càng lo lắng bởi những tin đồn như hồng ngâm ủ hóa chất, hồng ngâm toàn là hàng Trung Quốc…

Hồng ngâm là loại quả an toàn 

Trao đổi với chuyên gia công nghệ, thực phẩm về phương cách phổ biến dùng để ngâm hồng hiện nay, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, riêng về cách ngâm hồng thì người tiêu dùng không đáng lo ngại.

Theo lý giải của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hồng có đặc điểm là chát, nên phải ngâm nhằm mục đích loại bỏ chất gây chát trong quả hồng.

Thông thường, người ta dùng kim châm trên bề mặt của quả rồi ngâm với nước để hàm lượng chất chát hòa tan ra nước. Mục đích vừa để quả hồng đỡ chát và chín. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, đây là cách làm rất phổ biến ở Việt Nam. 

Còn trên thế giới, người ta không ngâm hồng. Lý do là do công nghệ lai, tạo, chọn giống tiên tiến hơn. Họ chọn được loại giống hồng không có hạt và chín vẫn cứng và không bị chát nên không cần ngâm. Chẳng hạn, hồng ngâm của Nga, quả to bằng quả lê, chín trên cây, ăn được cả vỏ, rất ngon và cũng không có hạt.

Cách ngâm hồng thông thường là châm kim bề mặt rồi ngâm trong nước sạch để loại bỏ chất chat và làm chín hồng.

Cách ngâm hồng thông thường là châm kim bề mặt rồi ngâm trong nước sạch để loại bỏ chất chat và làm chín hồng.

Còn các loại hồng ngâm đang bán trên thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc mùa này thực tế là hồng không hạt, chín vẫn cứng, ăn rất ngọt. Quả chỉ ngâm trong nước để loại bỏ chất chát, sau đó chín tự nhiên, không dùng hóa chất. Vị ngọt cũng là vị vốn có của quả hồng ngâm chứ không phải do hóa chất, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.  

Hồng ngâm của Việt Nam là hồng không hạt ngâm có những vết thâm đen trên bề mặt, nhìn cảm quan rất xấu nhưng không có hóa chất độc hại. Có thể làm sạch các vết thâm đen này bằng cách rất đơn giản là cho thêm ít muối vào trong quá trình ngâm.

Cũng theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hiện tại, hồng ngâm được bán phổ biến hiện nay phổ biến là hồng của cả Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, dù là hồng ngâm của Trung Quốc thì họ cũng ngâm theo phương pháp trên, không đáng lo ngại về hóa chất.

Với lời khẳng định về độ an toàn cũng như mức giá phải chăng của loại quả này thì đây chắc chắn là một sự lựa chọn ăn uống hợp lý cho các gia đình trong mùa thu này. 

Bùi Nguyễn (tổng hợp)/ Theo Ngay Nay Online