Mở cửa phiên đầu tiên của tháng 7, giá vàng SJC trong nước giao dịch quanh ngưỡng 34,36 - 34,44 triệu đồng/lượng. Sau đó 1 tuần, mỗi lượng vàng giảm nhẹ 90 nghìn đồng.

Sang tuần thứ hai, giá vàng bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm mạnh hơn, tiến sát về mốc 34 triệu đồng/lượng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/7, giá vàng đang ở mức 34,07 triệu đồng/lượng, giảm 270 nghìn đồng/lượng so với đầu tuần.

Đáng chú ý khi phiên giao dịch ngày 14/7 đánh dấu cột mốc đáng nhớ khi kim loại quý bắt đầu "lao dốc không phanh". Nếu như ngày 14, giá vàng SJC còn giao dịch ở mức 33,93 - 34,02 triệu đồng/lượng thì mở cửa phiên giao dịch hôm 15, kim loại quý đã chính thức mất mốc 34 triệu đồng và lùi dần về mức 33,84 - 33,94 triệu đồng/lượng.

Cũng trong ngày 15, giá vàng trong nước liên tục chịu áp lực bán cắt lỗ trong khi các nhà đầu tư và người dân có vốn lại "thờ ơ" đứng ngoài thị trường do lo ngại kim loại quý sẽ tiếp tục giảm.

Sang tới ngày 16/7, đà giảm đã manh nha ngay từ lúc các công ty mở cửa giao dịch. Giá rơi từng phút, trong đó mua vào giảm nhanh và sâu hơn so với bán ra khiến khoảng cách giao dịch nới rộng từ 40.000 đồng vào đầu ngày có lúc lên hơn 110.000 đồng một lượng.

Đến chiều ngày 16, kim loại quý tiếp tục mất đà và để mất mốc 33 triệu đồng/lượng, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 cho đến nay.

Tính chung phiên giao dịch ngày 16/7, bảng điện tử của DOJI đã nhảy giá hơn 50 lần. Các đơn vị khác cũng liên tục điều chỉnh. Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng đã giảm tới gần 1 triệu đồng so với đầu ngày.

Trước đó, dự báo về giá vàng trong tháng 7, hầu hết các chuyên gia cũng nhận định rằng giá vàng có xu hướng giảm, tuy nhiên, sự giảm mạnh đột ngột là không ngờ tới.

Theo một số chuyên gia trong ngành, giá vàng giảm mạnh như diễn biến trên bởi một phần ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, nguyên nhân chính được cho là ở thời điểm hiện nay, vai trò của vàng đã không còn được như trước, đồng USD đang mạnh dần lên khiến cho vàng rớt giá.

Trong khi đó, trong nước, tình trạng vàng hóa đã bị đẩy lùi và Ngân hàng Nhà nước đã giảm hiện tượng vàng hóa trong nền kinh tế. Dân chúng không còn găm vàng để kinh doanh nữa mà chỉ giữ với một tỷ trọng nhỏ.

Mặc dù dần về cuối tháng, vàng đã có 1 vài dấu hiệu khởi sắc hơn nhưng sức hút của vàng và kim loại quý đã không còn mạnh. Bằng chứng là người dân vẫn không mấy mặn mà với kênh đầu tư này.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, 31/7, giá vàng SJC được mua vào bán ra ở mức 32.94 - 33.04.

Như vậy, chốt cả tháng, mỗi lượng vàng đã "hao" đi tới 1,4 triệu đồng/lượng.

 

Minh Anh (Tổng hợp)/Theo Ngày nay Online