1. Cổng trời Quản Bạ Hà Giang
Cổng trời Quản Bạ, nằm ở độ cao 1500m so với mặt biển, đây là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Năm 1939, người ta dựng một cánh cửa khổng lỗ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay Cổng trời.
Một thời, sau cánh cửa gỗ này là một "thế giới" khác - còn gọi là "Vùng tự trị của người Mèo", gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh.
Đứng tại Cổng trời Quản Bạ, có thể quan sát được cánh đồng của Quản Bạ, Quyết Tiến, Thái An, Đông Hà, Cán Tỷ và Bát Đại Sơn.
Cổng trời tại Quản Bạ đã từng có một cánh cửa khổng lồ được xây dựng từ những năm 1939 bằng gỗ nghiến, dày tới 1,5m – một điểm riêng mà không nơi nào có được.
Tuy nhiên, ngày nay cánh cửa đó đã không còn nữa vì không thể vượt qua được nắng mưa khắc nghiệt tại vùng đất này. Hiện nó đã được đặt 1 tấm biển ghi to dòng chữ: Cổng trời Quản Bạ.
Tiếp tục đi bộ dọc qua các bậc thang được xây dựng bằng bê tông vững chắc, du khách sẽ đến được đỉnh núi và đây cũng chính là cổng trời huyền thoại.
Từ trên đỉnh núi, du khách được thỏa sức vươn tầm mắt ra phía xa nhất để ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ của mảnh đất Cao nguyên đá Đồng Văn này.
Phía trước là thung lũng Quản Bạ rộng lớn, mang một vẻ đẹp yên bình với màu vàng của lúa chín và thấp thoáng những ngôi nhà của đồng bào dân tộc thi thoảng tỏa ra làn khói bếp.
Xa xa là núi đôi Cô Tiên, tuyệt tác của tạo hóa với những đám mây giăng khắp lối tạo nên một khung cảnh thơ mộng. Phía sau là con đường Hạnh Phúc huyền thoại đã góp phần kết nối giao thông tại vùng đất nghèo khó này.
Chia tay với cổng trời Quản Bạ, bạn sẽ chính thức đến với cao nguyên Đồng Văn và khám phá thêm nhiều nét đẹp về tự nhiên, văn hóa và con người nơi đây.
2. Cổng trời Ô Quý Hồ Hoàng Liên Sơn Sa Pa
Ra khỏi thị trấn Sa Pa, đi theo hướng Bắc khoảng 18 km, đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp với những bóng nắng chạy dài thoắt ẩn thoắt hiện.
Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Và cổng trời của Sa Pa chính là đỉnh của con đèo này.
Đứng giữa cổng trời Sa Pa, có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ô tô xuôi ngược Phong Thổ (Lai Châu) – Sa Pa (Lào Cai), xa xa là Thác Bạc – một trong 10 thác nước đẹp nhất Lào Cai, luôn được giới trẻ tìm đến khám phá.
Cao khoảng 200m, Thác Bạc ngày đêm ào ào nước đổ như góp nên âm thanh của núi rừng heo hút. Hay đơn giản đứng chỉ để nhìn khoảng không vô tận và khoáng đạt phía trước.
Cũng ở cổng trời Sapa này mới cảm nhận được vẻ kiêu hùng của đỉnh Fansipan vời vợi lưng trời. Bên dưới là những vực sâu thăm thẳm, với thảm rừng nguyên sinh chứa đựng nhiều bí ẩn chưa được khám phá.
Đây cũng là nơi năm xưa có trạm khí tượng địa cầu xa xôi hẻo lánh, ít người qua lại đã được nhà văn Nguyễn Thành Long lấy làm nguyên mẫu trong truyện ngắn nổi tiếng của mình “Lặng lẽ Sa Pa”.
Từ ngày tái lập tỉnh tới nay, cổng trời trở nên hấp dẫn du khách trong các tour sapa 2 ngày 3 đêm, vì nhiều người tham quan Thác Bạc bao giờ cũng cố ngược lên cổng trời để ngắm cảnh sắc kỳ vĩ của núi rừng Hoàng Liên đã được vinh danh là “Vườn di sản Asian Sa Pa”.
Lên cổng trời mới biết Sapa không chỉ nổi tiếng vì cảnh đẹp, vì những thửa ruộng bậc thang đã được tạp chí Travel and Leisure của Mỹ bình chọn là một trong bảy thửa ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á và thế giới, mà bởi nó còn đậm nét hoang sơ, phảng phất vẻ yên bình lặng lẽ của vùng rẻo cao Tây Bắc.
Những nét đẹp này còn được vô tình tạo ra bởi sự tổng hòa bản sắc của các dân tộc anh em: Người H’Mong, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó… với bề dày của đặc trưng văn hóa tộc người đã góp phần tô điểm cho bức tranh Tây Bắc đã lạ nay càng lạ thêm.
3. Cổng trời trên chùa Linh Quy Pháp Ấn Lâm Đồng
Cách thành phố Bảo Lộc khoảng 21km về phía Nam, chùa Linh Quy Pháp Ấn tọa lạc tại Đồi 45, Thôn 4, Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng – được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh với những cánh “cổng trời”, nơi bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm cả một khoảng không gian rộng lớn và hòa mình vào đất trời, núi non.
Nơi thanh tịnh này nằm trên ngọn đồi cao, lọt thỏm giữa những rừng cây, vườn chè. Không gian xanh mướt xung quanh càng làm cho không khí thanh thoát, nhẹ nhàng. Chùa Linh Quy Pháp Ấn có cánh cổng Thần Đạo uy nghiêm được ví như “Cổng trời”.
Cánh cổng phảng phất nét kỳ bí nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ càng làm cảnh sắc nơi đây thêm phần lung linh. Đứng ở cổng, hãy phóng tầm mắt ra xa để thấy bốn phía đều huyền diệu, mờ ảo, đẹp như tranh vẽ.
Thời điểm bình minh và hoàng hôn tại chùa Linh Quy Pháp Ấn là những khoảnh khắc tuyệt diệu nhất. Vào tinh mơ, từng lớp sương mù lờ lững giăng phủ khắp đồi núi trập trùng.
Sương hòa quyện với mây tạo cảm giác như bạn đã lạc bước đến chốn bồng lai tiên cảnh. Và bạn không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng những vệt ráng chiều vắt ngang qua bầu trời lúc chạng vạng.
4. Cổng trời mũi Nghinh Phong ở Vũng Tàu
Trước mặt là biển sau lưng là núi, một cảnh tượng ngọt lịm mà bạn có thể cảm nhận được từ Mũi Nghinh Phong – điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến thành phố biển Vũng Tàu.