Đền Parthenon, đứng sừng sững trên thành cổ Acropolis ở Athens, đã được nhiều nhà sử học và khảo cổ học nhìn nhận là biểu tượng của nền dân chủ Athen và cái nôi của nền văn minh phương Tây.
Công trình này cũng được đánh giá là một trong những tòa nhà tốt nhất mọi thời đại bởi một số lượng lớn các kiến trúc sư trên toàn cầu, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Phidias, nhà điêu khắc nổi tiếng nhất thời cổ đại, là người thiết kế công trình này, trong khi đó hai trong số các kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng lớn nhất, Ictinus và Callicrates, là người trực tiếp giám sát quá trình thi công.
1. Các bí ẩn xoay quanh ngôi đền cổ đại Parthenon
Các nhà khoa học hiện đại đã thừa nhận rằng – bất chấp việc Parthenon là tòa nhà được sao chép nhiều nhất trong lịch sử – ngay cả với công nghệ hiện đại và các kỹ thuật kiến trúc đương thời, thì ngày nay chúng ta vẫn gần như không thể tái lập công trình này một cách hoàn toàn chính xác.
Nhưng tại sao đền thờ Parthenon lại đặc biệt đến vậy? Điều gì khiến nó khác biệt đến vậy so với tất cả những cái khác? Những chi tiết và bí mật nào con người thời cổ đại biết nhưng đã bị thất lạc theo dòng lịch sử?
Tại sao chúng ta không thể kiến thiết một tòa nhà tương tự bản gốc ngay cả khi trình độ công nghệ, máy móc, và kỹ thuật kiến trúc đã phát triển rất xa so với thời đó?
Có rất nhiều ẩn đố đằng sau việc xây dựng đền thờ Parthenon, và chỉ một vài trong số đó hiện mới bắt đầu được làm sáng tỏ.
Đền Parthenon có thể phải cần nhiều thập kỷ để khôi phục lại trong thời hiện đại, nhưng bằng cách nào đó người dân Athens cổ đại đã hoàn thiện công trình này trong chưa tới một thập kỷ, trong giai đoạn 447-438 TCN.
Công trình biểu tượng này là một đền thờ theo kiểu kiến trúc Doric, có 8 cột ở phía mặt tiền, với 4 mặt tạo thành hình chữ nhật, mỗi mặt đều có một hàng cột, với một vài đặc điểm của kiến trúc Ionic, bao xung quanh bởi các dãy gồm 8 cột theo chiều ngang và 17 cột theo chiều dọc (4 cột ở góc được đếm hai lần).
Cổng chính dẫn vào đền thờ hướng về phía Đông, trong khi chiều dài phía trong là 30,8 m. Tuy rằng những con số này trông có vẻ ngẫu nhiên, nhưng trên thực tế nhiều nhà sử học tin rằng có nhiều thông số đo lường kích thước tương đối được biểu diễn dựa trên những con số này.
2. Các thông điệp trong kích thước đền thờ
Một feet Athens là khoảng 0.30803 m, hay 1/2 φ, trong đó φ = 1.61803, cũng được biết đến là Tỷ lệ Vàng. Con số vàng F, hay con số 1,618, thường được tìm thấy trong tự nhiên, trong các đặc điểm trên khuôn mặt (người), trong các số đo kích thước cơ thể người, trong các bông hoa và các loài thực vật khác, trong nghệ thuật, trong hầu hết các sinh vật sống trên Trái Đất, trong vỏ ốc, trong tổ ong, v.v.. nhưng quan trọng nhất là, nó thường được liên hệ với cấu trúc vũ trụ và quỹ đạo chuyển động của các hành tinh trong Hệ Ngân hà.
Ngoài ra, trong môn khoa học đòi hỏi tính thẩm mỹ, Tỷ lệ Vàng thường được nhìn nhận là tiêu chuẩn chính xác nhất cho sự hoàn hảo. Vậy nên, liệu tất cả những điều này có thể chỉ đơn thuần là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Không nhất định, vì bên trong đền thờ Parthenon chúng ta còn tìm thấy một thứ ấn tượng hơn nữa – Dãy số Fibonacci, một dãy số trong đó một số bất kỳ là tổng của hai số đằng trước: 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, v.v…
Thậm chí còn kỳ lạ hơn, tỷ số giữa hai số liên tiếp bất kỳ trong dãy số này có giá trị xấp xỉ với Tỷ lệ Vàng, hay số φ. Hai số này càng lớn bao nhiêu, thì giá trị tỷ số giữa chúng càng gần với số φ bấy nhiêu.
Ngoài ra, bên trong đền thờ chúng ta cũng có thể tìm thấy con số Pi (π), 3.1416, xuất hiện dưới dạng thức toán học 2F2/10, nhưng điều ấn tượng hơn là, chúng ta cũng bắt gặp con số e = 2,72, vốn là hằng số toán học quan trọng nhất và cơ số của Lôgarit tự nhiên.
Điều khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn là cả 3 con số được bao hàm trong cấu trúc đền thờ Parthenon cũng được tìm thấy trong tự nhiên và hiện diện trong tạo hóa, và không thứ gì có thể hoạt động nếu thiếu chúng.
3. Các bí ẩn toán học
Như một người có thể kỳ vọng, các câu hỏi có thể rút ra từ những thực tế nêu trên là rất nhiều. Liệu những người thiết kế đền Parthenon có biết những con số này và tầm quan trọng của chúng?
Và nếu vậy, họ đã làm cách nào để bao hàm chúng trong kiến trúc tòa nhà một cách chi tiết và chính xác đến vậy, đến mức ngay cả với tất cả công nghệ và vốn hiểu biết ngày nay, chúng ta vẫn không thể mô phỏng được nó thật chính xác?
Những người Hy Lạp cổ đại, hay chính xác hơn là Ictinus, Callicrates, và Phidias làm thế nào có thể biết được Tỷ lệ Vàng khi Midhat J. Gazalé và rất nhiều các học giả khác đã khẳng định rằng chỉ đến khi nhà toán học Ơ-clit (Euclid) xuất hiện thì các tính chất toán học của Tỷ lệ Vàng mới được nghiên cứu?
Họ làm sao biết được dãy số Fibonacci khi nó mới chỉ được chính thức ghi nhận vào năm 1202, gần 1.700 năm sau khi đền Parthenon được xây dựng?
Và điều quan trọng hơn là, làm thế nào mặt chính của đền Parthenon, cũng như rất nhiều các yếu tố cụ thể khác, lại có thể được bao bên trong các hình chữ nhật ngoại tiếp, khi mà công nghệ máy tính chúng ta đang có hiện nay chưa tồn tại vào thời điểm đó để thiết lập những hình dạng như vậy?
Bên cạnh những câu hỏi này, còn có rất nhiều các câu hỏi khác khi chúng ta xem xét các chi tiết cụ thể về chức năng và bí ẩn của đền thờ thần thánh;
Ví như, ngôi đền này đã được thắp sáng như thế nào khi không có cửa sổ, và thậm chí còn kỳ lạ hơn khi không tìm thấy dấu vết của bồ hóng bên trong, từ đó loại trừ khả năng thắp sáng bằng đuốc?
4. Các dấu hiệu dưới ánh sáng Mặt Trời
Một bí ẩn khác đã được rất nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau tìm kiếm câu trả lời, nhưng không thành, là tại sao vào ban ngày khi có ánh sáng Mặt Trời, liệu những cái bóng đền thờ đổ xuống có luôn chỉ đến những địa điểm nhất định khác ở Hy Lạp hay không?
Chúng chỉ chính xác đến địa điểm nào và cơ chế đằng sau là gì, hay liệu có bất kỳ ý nghĩa đặc biệt nào đằng sau hiện tượng này hay không.
Những điều này đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong nhiều năm, nhưng các luồng ý kiến có sự khác biệt rất lớn và không đồng nhất, từ đó ngăn cản chúng ta tiến đến một giải pháp chung.
Bất chấp tất cả các bí ẩn khoa học, siêu thường và thần thoại xoay quanh nó, đền Parthenon vẫn là cái nôi của nền văn minh phương Tây – và chắc chắn là một trong những công trình có ý nghĩa quan trọng nhất của nhân loại nói chung – khi tiếp tục thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm.
Một điều chắc chắn là, chúng ta chỉ có thể học tập và hưởng lợi từ công trình mang tính biểu tượng này, các mật mã chưa được mở khóa và các đặc điểm nghệ thuật, vốn hy vọng sẽ có thể được trả lời trong tương lai gần.
5. Các thông tin thêm:
- Đền Parthenon thường được coi là thần thánh bởi vì nó được dựng lên để thờ nữ thần Athena, vị thần bảo hộ thành Athens.
- Ngôi đền này được xây dựng theo đề xuất của Pericles, chính trị gia kiệt xuất nhất của Athens và cũng là người góp phần thiết lập nền dân chủ ở đây.
- Bộ phận huy hoàng và ấn tượng nhất của đền Parthenon hiện không còn tồn tại. Đó là bức tượng khổng lồ nữ thần Athena được thiết kế và điêu khắc bởi chính Phidias. Bức tượng này được điêu khắc bằng ngà voi và vàng, và tất nhiên được hiến dâng cho vị thần này.
- Phidias cũng chính là người tạc bức tượng thần Zeus (Dớt) tại Olympia, vốn là một trong Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại.
- Đền Parthenon là công trình được sao chép nhiều nhất trong lịch sử. Một trong số những công trình nổi tiếng được mô phỏng theo nó bao gồm Sở giao dịch chứng khoán New York ở Mỹ, tòa nhà Reichstag ở Berlin, Đức, và mặt tiền của Nhà Trắng.
Đọc Thêm: Những bài viết về những bí ẩn của vũ trụ
Theo http://www.ancient-origins.net/