Phạt đến 500.000 đồng
Theo đó, Thông tư 57 hướng dẫn cụ thể các danh mục, định mức bắt buộc về các trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy trên xe ôtô. Theo đó, đáng quan tâm là các loại xe du lịch từ 4 - 9 chỗ bắt buộc phải có một bình cứu hỏa, thuộc một trong những chủng loại sau: bình bột dưới 4kg, bình bọt dưới 5L, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5L hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4kg.
Các dòng xe khác với số người lớn hơn sẽ có những yêu cầu cao hơn, cụ thể như sau:
Ngoài ra, Thông tư cũng khuyến khích chủ sở hữu xe, tùy từng đặc điểm của mỗi loại xe mà có thể bổ sung thêm các loại phương tiện, vật dụng phòng/chữa cháy như quần áo/mũ chống cháy, hộp sơ cứu, các dụng cụ cứu thương.
Thông tư 57 cũng khuyến cáo, các phương tiện phòng/chữa cháy trên xe ôtô cần để ở những chỗ dễ thấy, dễ lấy sử dụng nhưng không ảnh hưởng đến thao tác của người lái xe. Ngoài ra việc để các bình cứu hoả nên tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào, đặc biệt là vào mùa hè.
Trong khi đó, nếu trong trường hợp các phương tiện cơ giới, cụ thể là các loại xe du lịch từ 4 chỗ trở lên nếu thiếu các phương tiện phòng/chữa cháy theo danh mục quy định tại Thông tư 57 sẽ phải chịu mức phạt từ 300.000 đến 500.000đ (quy định tại Điều 41, khoản 2, Nghị định 167/2013 của Chính Phủ về quy định xử phạt hành chính).
"Ôtô chưa lắp bình cứu hỏa không được đăng kiểm"
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), cảnh sát PCCC được phép phối hợp với cảnh sát giao thông dừng ôtô để kiểm tra, xử lý nếu phương tiện không lắp bình cứu hỏa.
Cảnh sát PCCC và giao thông có thể phối hợp kiểm tra theo chuyên đề về trang bị phương tiện phòng cháy trên xe ôtô, khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, cảnh sát giao thông có thể kiểm tra độc lập, làm chuyên đề riêng biệt về xử lý xe ôtô không trang bị bình chữa cháy theo quy định.
Nếu phương tiện giao thông cơ giới khi đăng kiểm lại không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định, cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận.
Trong Thông tư quy định rõ, các phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe.
Với những ôtô mà nhà sản xuất không bố trí nơi để treo, đặt bình cứu hỏa thì chủ phương tiện nên để ở hốc cánh cửa trước, hoặc cửa sau, gầm ghế. Hoặc tốt nhất nên mua loại bình có đai ngang hông bên trong xe để dễ thấy, dễ lấy và dễ dàng cho việc sử dụng.
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Cục Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn chi tiết về các cách lắp đặt, sử dụng phương tiện PCCC trên xe ôtô và sẽ đăng trên cổng thông tin của Cục và tuyên truyền rộng rãi để các chủ phương tiện, cơ quan, xí nghiệp tham khảo./.
Để tránh xảy ra cháy nổ, chủ phương tiện không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện, tránh quá tải; thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe; tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng... Khi gặp sự cố cháy xe ôtô, cần bình tĩnh, dừng xe ở lề đường, tránh xa nơi đông người, nơi có nhiều chất dễ cháy. Thông báo cho mọi người trên xe thoát ra ngoài. Nếu cửa xe bị kẹt thì sử dụng các dụng cụ, phương tiện phá dỡ được trang bị hoặc dùng vật cứng để phá cửa. Tùy thuộc vào tình huống cháy cụ thể mà sử dụng những giải pháp thích hợp để chữa cháy, như tắt khóa điện; hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy, gọi Cảnh sát PCCC (điện thoại 114); Nếu phát hiện khói, lửa trong nắp capô cần tắt ngay khóa điện để ngừng việc bơm xăng cho động cơ. Trong trường hợp đã phát hiện có ngọn lửa, phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy trước khi mở nắp capô để xử lý. Nếu thấy cháy ở các chỗ khác trong xe cần phải sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa. Trong trường hợp thấy không có khả năng dập tắt đám cháy thì nên tránh xa để tránh nổ bình xăng gây tai nạn... |