Khi ấy, một số người cho rằng có hiện tượng các nhà kinh doanh (bán lẻ) xăng dầu "găm hàng" để chờ tăng giá. Nghi ngờ này không phải không có căn cứ khi trước đó có một số chủ và nhân viên cây xăng cho biết với mỗi lít xăng bán ra, họ phải chịu lỗ từ mấy trăm tới cả nghìn đồng. Lý do là đã 20 ngày giá xăng dầu chưa được điều chỉnh. Theo lịch trình, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay là 10 ngày nhưng do trùng với Tết Nguyên đán nên lần điều chỉnh giá trước đó đã bị hoãn lại. Nhưng khi cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra thì lại hầu như không phát hiện ra những dấu hiệu "găm hàng" (?).
Một số người thì cho rằng, thực tế đang xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu. Quan điểm này có vẻ ngày càng được minh chứng rõ ràng hơn. Trả lời báo chí gần đây, đại diện của Bộ Công thương đã thừa nhận "có xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cục bộ…”. Một trong những lý do được viện dẫn là do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải cắt giảm 50% sản lượng - trong khi nhà máy này hiện chiếm 35% thị phần trong nước. Bên cạnh đó là tình hình chính trị thế giới căng thẳng, nhất là cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraina, đã khiến giá dầu tăng vọt gần đây. Vì thế, Bộ Công thương cho biết "có những tàu hàng vừa ký, về là lỗ".
Lý do để biện minh cho thực trạng thiếu hụt nguồn cung có thể không sai nhưng rõ ràng là vai trò dự báo và điều hành thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương thời gian qua là "có vấn đề". Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từng nhấn mạnh, Bộ Công thương chịu trách nhiệm khi để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, sống còn đối với nền kinh tế cũng như sinh hoạt của người dân. Việc thiếu xăng dầu có thể dẫn tới rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Cách đây khoảng 30 năm, khi chiến tranh Iraq bùng nổ, giá xăng trên thị trường đột ngột tăng "dựng đứng", trong khi nguồn cung nhiều nơi bị đứt gãy bất ngờ. Suốt thời gian sau đó, cả doanh nghiệp và người dân đều... "choáng váng", nền kinh tế đối diện nhiều nguy cơ. May khi ấy, Chính phủ đã kịp thời ổn định tình hình. Hơn nữa, vào thời điểm đó, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của nền sản xuất và hoạt động dịch vụ cũng chưa quá lớn nên mọi hậu quả sớm được khắc phục.
Còn hiện giờ, nếu nguồn nhiên liệu không được đảm bảo thì cái giá phải trả sẽ rất lớn. Không chỉ ảnh hưởng tới nền sản xuất mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới việc làm và đời sống của hàng chục triệu người.
Hiện giá xăng đã tăng lên mức kỷ lục nhưng đối với nhiều doanh nghiệp và người dân, điều đó không đáng lo bằng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo rất kiên quyết: "Bộ Công thương cần chủ động hơn trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân".
Nguồn: https://baodansinh.vn/khong-the-de-thieu-xang-dau-20220216223822.htm