Dù đã chuyển về ở nhiều năm, nhưng các hộ dân tại khu dịch vụ Vạn Phúc Hà Đông vẫn phải sống trong cảnh không điện, không nước ngay giữa lòng Thủ đô.

“Chúng tôi về đây đã 4 năm rồi nhưng vẫn chưa có điện, nước để dùng. Điện phải xin đấu nhờ bên công trình hoặc mấy khu lân cận với giá cao gấp đôi. Còn nước thì mỗi nhà ở đây đều phải tự đào giếng khoan rồi xây bể lọc nước để thợ xây lấy nước xây nhà sau đó chủ nhà sử dụng luôn. Từ người già đến trẻ nhỏ đều phải sinh hoạt bằng nguồn nước này. Biết là nguy hiểm cho sức khỏe nhưng chúng tôi không còn cách nào khác”, ông Tạ Văn Đình, người dân khu dịch vụ Vạn Phúc kể.

Cùng nỗi bức xúc này, bà Thương, một hộ dân khác cho biêt thêm: “Vì khu đất dịch vụ nằm cạnh nghĩa trang nên nguồn nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh, thậm chí nước có mùi tanh. Lọc đến ba lần nhưng chỉ sau một buổi đã đầy váng. Điện đi đấu nhờ nên lúc được lúc không. Có ngày còn mất điện đến 4 - 5 lần”.

Các hộ dân đều phải đi

Các hộ dân đều phải đi "vay" điện với giá cao, từ 3.500 - 4000đ/số.

Nhiều đường điện do người dân đấu nối tạm bợ đang tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Những đường điện chằng chịt do người dân đấu nối tạm bợ đang tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

 

Mỗi hộ gia đình đều phải tự khoan giếng và lọc nước để sử dụng.

Mỗi hộ gia đình đều phải tự khoan giếng và lọc nước để sử dụng.

Nguồn nước không đảm bảo gây ố vàng cả bình chứa.

Nguồn nước không đảm bảo gây ố vàng cả bình chứa.

Hạ tầng khu dịch vụ còn nhếch nhác, chưa hoàn thiện.

Hạ tầng khu dịch vụ còn nhếch nhác, chưa hoàn thiện.

Hiện tại, khu dịch vụ Vạn Phúc có khoảng 100 hộ dân sinh sống, nhiều hộ đã chuyển về từ năm 2011. Nhưng tất cả đều phải chịu chung cảnh tự túc điện, nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đó là chưa kể hạ tầng vẫn còn nhếch nhác, chưa hoàn thiện, hệ thống cống ngầm dang dở, nắp cống mở nguy hiểm ngay giữa đường; những đường dây điện tạm bợ đấu nối chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Bức xúc và lo lắng khi phải sống trong cảnh không điện nước giữa Thủ đô, các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay nhu cầu sử dụng hạ tầng thiết yếu của họ vẫn chưa được đáp ứng.

“Chúng tôi kiến nghị nhiều lần lắm rồi nhưng chỉ toàn nhận được lời “hứa mồm” hết lần này đến lần khác. Đến 3 - 4 năm nay, chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh chật vật như thế này”, ông Tạ Văn Đình bức xúc nói.

Các hộ dân cho biết, ngày 26/11/2018, Ban Quản lý Dự án Đầu Tư và Xây dựng Hà Đông trả lời bằng văn bản rằng sẽ sớm hoàn thành các hạng mục của dự án, trong đó có hạng mục cấp điện, cấp nước, dự kiến xong trước ngày 15/1/2019.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau 4 tháng kể từ thời điểm hứa hẹn, phía cơ quan vẫn chưa có bất kỳ một động thái nào của việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng và cấp điện, nước cho dân.

v

Cam kết cấp điện, cấp nước, dự kiến xong trước ngày 15/1/2019. Ảnh: Lao động.

Từ những bể nước tự túc đã mọc rêu, hoen rỉ đến những đường dây điện phải xin đấu nối nhờ với giá cao gấp nhiều lần, có lẽ điềumà các hộ dân chờ đợi không phải là những lời hứa suông, nhất là khi sự thiếu thốn, bất an lại ngày càng thường trực.

Trao đổi với phóng viên, bà Thương cho biết, nếu tình trạng này còn tiếp diễn, gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác ở đây đang nghĩ đến việc bán nhà và chuyển đi nơi khác: “Ở trung tâm một thành phố như thế này mà bao nhiêu năm trời không có điện có nước cho dân sinh hoạt, còn không bằng vùng miền núi xa xôi. Phải làm dân thì mới biết khổ là như thế nào”.

Việc người dân vào ở đã lâu nhưng không được đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng tại khu dân cư đất dịch vụ Vạn Phúc đang kéo theo rất nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân. Do vậy, các hộ dân mong muốn các đơn vị có liên quan sớm vào cuộc, cung cấp điện nước, hoàn thiện hạ tầng để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Được biết, dự án này được UBND quận Hà Đông phê duyệt giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất Quận là đơn vị thu hồi mặt bằng, sau đó chuyển cho ban Quản lý dự án quận Hà Đông (BQLDA) làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu bàn giao đất cho các hộ dân từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015 thì hoàn thành. Tuy nhiên, suốt từ thời điểm bàn giao đất cho dân tới nay, phía chủ đầu tư dự án liên tục chậm trễ trong quá trình thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cụ thể là điện và nước sạch sinh hoạt.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Vạn Phúc cũng cho biết, về kế hoạch cấp điện nước cho người dân ở khu đất dịch vụ Vạn Phúc, phường không chỉ đạo trực tiếp mà phối hợp với Ban Quản lý dự án, vấn đề này còn phụ thuộc vào phía chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án. Ban Quản lý dự án có yêu cầu phối hợp thì phường sẽ tham gia phối hợp ngay để giải quyết các vướng mắc cho người dân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trần Minh Anh, Phó Giám đốc BQLDA quận Hà Đông trả lời báo chí: Việc chậm tiến độ dự án là do đơn vị thi công mặt bằng chưa giải phóng hết mặt bằng yêu cầu nên phía dự án cũng không thể hoàn thiện đúng các hạng mục.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin!

Thảo Liên - Hồng Hạnh

Theo Reatimes.vn