Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2011, toàn TP có 1.124 trang trại, đến nay, con số này là 3.150 trang trại, tăng 2.026 trang trại. Trang trại chăn nuôi vẫn chiếm ưu thế với số lượng 2.700 trang trại, tiếp đến nuôi trồng thủy sản 218 trang trại, trồng trọt 38 trang trại, lâm nghiệp 1 trang trại và 193 trang trại tổng hợp.

Còn theo tiêu chí mới ban hành được quy định tại Thông tư số 02/2020/TT/BNNPTNT ngày 28-2-2020 của Bộ NN&PTNT quy định về tiêu chí kinh tế trang trại, Hà Nội hiện có 1.581 trang trại, trong đó: 1.173 trang trại chăn nuôi, 218 trang tại tổng hợp, 120 trang trại thủy sản, 69 trang trại trồng trọt và 1 trang trại lâm nghiệp.

Theo tính toán, doanh thu bình quân của một trang trại hiện nay đạt trên 2,2 tỷ đồng/năm. Các loại hình trang trại phát triển đã góp phần quan trọng tạo việc làm cho người lao động nông thôn. Cùng với việc giải quyết việc làm, kinh tế trang trại đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế Hà Nội...

Rau
Cùng với việc giải quyết việc làm, kinh tế trang trại đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cho biết, các trang trại trên địa bàn TP Hà Nội đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới.

Phát triển kinh tế trang trại còn góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn…

Để các loại hình kinh tế trang trại hình thành và phát triển, TP đã có nhiều chính sách về đất đai, khoa học kỹ thuật, vay vốn, xúc tiến thương mại… giúp các trang trại phát triển có hiệu quả. TP cũng hỗ trợ 70% kinh phí cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và quảng cáo các sản phẩm nông nghiệp trên các phương tiện đại chúng.

Hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng để tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ở trong nước và các quầy hàng, điểm bán hàng tại các chợ do ngành thương mại và UBND các quận, huyện, thị xã quản lý trên địa bàn Hà Nội đối với việc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Hỗ trợ 50% kinh phí thuê gian hàng ở nước ngoài, để tham gia các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp...

Ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh, việc ban hành những chính sách trên đã giúp cho các mô hình kinh tế trang trại tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Nhiều trang trại đã sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật, tiêu thụ sản xuất cho nông dân trong vùng, tạo nguồn cung ổn định cho các cơ sở chế biến, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao để phục vụ tiêu dùng trên địa bàn TP và xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhiều trang trại trên địa bàn TP phát triển mang tính tự phát, không mang tính chiến lược ổn định và lâu dài. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, khoa học, kỹ thuật của chủ trang trại còn thấp, do đó, việc tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên rủi ro tương đối lớn.

Các trang trại chủ yếu sử dụng lao động của gia đình; một số trang trại có thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, tiền công lao động chỉ được thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa hai bên, chưa thực sự tạo sự ổn định về giải quyết việc làm. Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có của chủ trang trại và vốn vay của cộng đồng. Vốn vay của các tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Nhiều địa phương có kinh tế trang trại chưa làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, hệ thống thuỷ lợi, điện, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm… làm cho không ít trang trại gặp khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều chủ trang trại vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất cũng như tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sản phẩm làm ra có lúc khó tiêu thụ…

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, tiếp tục xác định, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại theo hướng ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm, nhằm phát huy giá trị văn hóa và hiệu quả sử dụng đất.

Theo đó, để đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ bám sát các nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy để phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dồn đổi, tập trung đất đai, tạo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu phát triển trang trại. Cùng với đó, tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế hộ, trang trại bền vững trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Phối hợp đẩy mạnh việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tháo gỡ khó khăn về thời gian thuê đất sử dụng để các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất, tạo điều kiện về các nguồn vốn vay, ưu đãi. Định hướng phát triển kinh tế trang trại theo hướng xanh, bền vững với môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Sở NN&PTNT cũng sẽ quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn về khoa học kỹ thuật, kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh, kiến thức tiếp cận thị trường cho các chủ trang trại; phát triển nguồn nhân lực lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu làm việc trong các trang trại.

Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm; xây dựng một số mô hình kinh tế trang trại điểm về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để tổng kết, đánh giá, chỉ đạo nhân rộng.

Theo Khánh Phong/phapluatxahoi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/kinh-te-trang-trai-da-khang-dinh-duoc-nhung-uu-the-vuot-troi-trong-san-xuat-nong-nghiep-232220.html