Thưa ông, từ đầu năm đến nay, cộng đồng doanh nghiệp chịu nhiều khăn hơn do tác động của đợt dịch COVID-19 tái xuất hiện tại một số địa phương và ảnh hưởng chung đến nền kinh tế. Ông thấy có những điều gì đáng lo ngại?
-Nhìn vào thực tế trong 2 tháng đầu năm, sản xuất vẫn tiếp diễn, vẫn xuất siêu nhưng đó là do khối doanh nghiệp FDI đem lại và nhập siêu chủ yếu là doanh nghiệp trong nước. Tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 76%, đây là hai mặt của FDI vừa giúp sản xuất ổn định đồng thời cũng nói lên một điều, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị quá chậm, quá kém.
Còn một điểm cần nhìn lại từ năm 2020 qua đợt dịch, các lĩnh vực kinh tế ngân hàng ứng phó tương đối tốt, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, hay như Samsung... đã vừa có biện pháp phòng chống dịch và bảo vệ sức khỏe cho người lao động lại hỗ trợ và giữ việc làm cho người lao động rất tốt. Nhưng số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hội kinh doanh cá thể lại cho người lao động nghỉ việc rất nhiều.
Cho đến nay sau một năm vật lộn trong khó khăn và dịch bệnh và thêm đợt dịch vừa qua có thể nói sự khó khăn đến doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh đã ở mức đỉnh điểm. Nhưng khi tiếp xúc với doanh nghiệp tôi thấy phần đông doanh nghiệp tự tin sẽ vượt qua được sóng gió với điều kiện là nếu Chính phủ không hỗ trợ được nhiều thì đừng làm cho họ thêm khó khăn bằng những cơ chế, chính sách không phù hợp. Bên cạnh đó là nhiều người vẫn hỏi trạng thái bình thường mới như thế nào?
Người ta đang nói tới “trạng thái bình thường mới”. Có thể hiểu trạng thái này với nền kinh tế như thế nào?
-Điều băn khoăn là cả thế giới không ai hình dung được trạng thái bình thường mới nó như thế nào. Thế giới và cả Việt Nam chưa hình dùng được trạng thái bình thường mới là như thế nào. Bình thường mới có phải như ở Hải Dương, Quảng Ninh hay Tp. Hồ Chí Minh vừa qua?
Qua đợt chống dịch ở Hải Dương thấy tổn thất về kinh tế do dịch lớn đến thế nào và nó còn tác động dài nữa đến đời sống người dân nông dân và người yếu thế. Ta đã hình dung được tác động của chính sách nhưng hình dung không hình dung đầy đủ và không thể biết nó khốc liệt như thế nào.
Thời điểm này đã cần một gói kích thích kinh tế lần 2 sau các gói hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020 chưa, thưa ông?
-Sau 1 năm vật lộn vừa chống dịch, vừa giữ người lao động, vừa duy trì sản xuất và giữ thị trường… cho thấy sức chịu đựng và cố gắng rất lớn của doanh nghiệp cũng cho thấy khó khăn rất lớn của doanh nghiệp.
Đề vừa chống dịch vừa phải phát triển kinh tế, nhiệm vụ của Chính phủ trong 6 tháng tới đây là vừa xây dựng các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác phát triển, không chỉ tập trung vào đầu tư công nhà nước như mấy tháng đầu năm 2021 mà phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình khôi phục kinh tế.
Dịch bệnh đã và đang diễn biến rất phức tạp với sự xuất hiện chủng virus mới lây lan nhanh. Nhưng thế giới và cả Việt Nam cũng bắt đầu tiêm vắc xin cho người dân. Chúng ta phải thấy các nước trên thế giới đang dần thay đổi nhận thức về dịch bệnh và họ dự báo với sự phát triển nhanh của vắc xin thì hết quý II nhiều nước sẽ miễn dịch cộng đồng và quý III này có thể mở cửa trở lại.
Tình hình mới đòi hỏi cách chống dịch của ta cũng phải khác trước. Phục hồi kinh tế cũng cần những chính sách phù hợp.
Vậy vấn đề đặt ra là ta sẽ phải hỗ trợ thế nào trong khi tiền có hạn, quản lý doanh nghiệp và quản lý công dân còn yếu. Có ý kiến cho rằng khó có thể hỗ trợ thẳng tới doanh nghiệp như Mỹ và EU đã làm. Và bên cạnh đó còn lực cản cho những người thực thi chính sách đó là tư tưởng tuyệt đối hóa mọi vấn đề không chấp nhận có xác xuất sai sót trong khi đã làm là có sai. Nếu lỡ có sai là bị lên án… Như ở Mỹ, hỗ trợ sai địa chỉ vẫn có, hàng nghìn người Mỹ chết rồi vẫn có hỗ trợ… Bên cạnh đó xác suất hỗ trợ với ta thế nào là vừa, cũng là một câu hỏi.
Theo ông, đâu là giải pháp mới để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế?
-Thế giới đã hình thành nền kinh tế vắc xin rồi, sức mua của thị trường thế giới bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại. Nếu Việt Nam không thay đổi sẽ rất gay go. Nhìn vào ngành du lịch hai tháng đầu năm 2021 đã giảm 99% so với hai tháng đầu năm 2020. Nếu không thay đổi quyết liệt đến tháng 5 tới sẽ mất tiếp một mùa du lịch. Trong khi đó, du lịch và các ngành theo đó đóng góp 10-15% GDP, năm nay mất thêm 15% nữa thì khả năng phục hồi lại sẽ rất lâu sau nữa.
Sắp tới chúng ta cần thay đổi nhận thức, không phải như suốt một năm qua nữa.
Chiến lược kép chống dịch suốt một năm qua đi bằng hai chân vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế nhưng chưa thuyết phục được. Vụ việc Hải Dương vừa qua càng khiến cho người dân thiệt hại rất lớn, khả năng phục hồi kinh tế đến cuối năm sẽ rất chậm, ngân sách nhà nước bị quá tải.
Hài hòa chính sách chống dịch hiện nay với phát triển kinh tế là việc làm khó nhất là với tư duy tuyệt đối hóa của Việt Nam, tư duy chỉ có đúng không được sai là một cản trở. Đến lúc này chúng ta hãy coi đại dịch SARS-CoV-2 chính là một dịch bệnh mà đã là dịch bệnh thì có lây lan như nhiều dịch bệnh khác nhưng cần hiểu đúng bản chất cơ chế truyền dịch lây nhiễm và không nên quá sợ hãi, phải tỉnh táo, bình tĩnh nhìn đúng vào bản chất vấn đề mới tạo ra được trạng thái bình thường mới, để đưa ra được giải pháp tốt và chính sách đúng.
Bên cạnh đó, nhiều nước, trong đó có Thái Lan đã có kế hoạch mở cửa từ tháng 6, từ quý III năm nay. Chúng ta có kế hoạch mở cửa không, và đã sẵn sàng để mở cửa chưa. Và làm thế nào để bắt kịp.
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị thực hiện ngay chính sách vắc xin visa, người có chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 sẽ được nhập cảnh – đây thuộc thẩm quyền của Chính phủ quyết nên có thể khởi động ngay từ tháng 5 này để bắt kịp mùa du lịch 2021, đón làn sóng du lịch tháng 6 tháng 7 và cố gắng hy vọng đến hết mùa noel 2021 thì ngành du lịch sẽ phục hồi được 80%. Du lịch vốn đóng góp vào GDP khoảng 10%, năm nay đóng góp được 5-6% đã là đóng góp lớn.
Ngành dịch vụ và du lịch nhà hàng – khách sạn và dịch vụ tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Khi ngành này phục hồi là, lao động có thu nhập sẽ hình thành một cầu mới. Có cầu mới thì sản xuất ổn định. Nếu ta không chủ động mở cầu nội địa và đón cầu nước ngoài thì kinh tế khó phục hồi nhanh.
Quốc hội sắp tới sẽ thông qua bộ máy nhân sự mới của Chính phủ. Theo ông, bao giờ sẽ có được kịch bản và chính sách mới để sớm phục hồi kinh tế?
-Chúng ta đã phải tìm được điểm trung hòa giữa chống dịch, phát triển xã hội và phát triển kinh tế. Ta xác định đúng là nhiệm vụ kiép nhưng chưa tìm được điểm trung hòa của 2 nhiệm vụ này.
Được biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất các kịch bản cập nhật. Tôi hy vọng Bộ Kế hoạch sẽ đề xuất kịp thời và hạn chót là mà tôi kỳ vọng là tại kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ quyết được kịch bản mới với các chính sách và giải pháp chống dịch, kích thích kinh tế mới. Các nước khác họ đã có kế hoạch cụ thể rồi. Ta chậm nhịp này là sẽ bỏ lỡ mất năm 2021.
Nguồn: https://congluan.vn/ts-nguyen-duc-kien-tim-diem-dung-hoa-chong-dich-de-phat-trien-kinh-te-post124059.html