7 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh cả nước đối mặt với tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra với mức độ diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam luôn chủ động thực hiện nhiều giải pháp để kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp.
Đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia
Với quyết tâm kiên quyết vừa chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao, BHXH Việt Nam luôn chủ động thực hiện nhiều giải pháp để kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, ngành BHXH cũng có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, trong những tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã kịp thời bám sát các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Cùng với đó, ngành BHXH đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phát huy hiệu quả; Tổ chức bộ máy BHXH các cấp tiếp tục được kiện toàn, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý của ngành.
Báo cáo của ngành BHXH cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh… dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn tiếp tục diễn ra trên cả nước. Ước tính đến hết tháng 7/2020, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu.
Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, tính đến hết ngày 30/6/2020, số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.519 đơn vị, tương ứng với 130.794 lao động và với số tiền khoảng 475 tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 của Chính phủ, được sự nhất trí của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với dự thảo văn bản hướng dẫn tiếp tục tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất của BHXH Việt Nam, ngày 10/8 vừa qua, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn BHXH các địa phương tiếp tục thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đến hết tháng 12/2020.
Không chỉ thực hiện công tác chống dịch hiệu quả, ngành BHXH còn nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công tác phát triển đối tượng tham gia của ngành bị ảnh hưởng khá lớn.
Ước tính đến ngày 31/7/2020, số người tham gia BHXH đạt khoảng 15,271 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,534 triệu người (giảm 655 nghìn người so với năm 2019, đạt 90,6% kế hoạch). Số người tham gia BHXH tự nguyện là 737.000 (tăng 163.000 người so với năm 2019, đạt 61,4% kế hoạch). Số người tham gia BHTN là 12,725 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 25,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 88,5% kế hoạch của ngành. Số người tham gia BHYT là 85,915 triệu người, đạt 97,6% kế hoạch, đạt tỷ lệ bao phủ 88,8% dân số.
Có thể thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đều sụt giảm so với cuối năm 2019 bởi tác động của dịch bệnh nhưng nhờ vận dụng những giải pháp truyền thông sáng tạo, phù hợp, số người tham gia BHXH tự nguyện trong toàn ngành tiếp tục gia tăng. Đây là “điểm sáng” trong công tác phát triển đối tượng của ngành BHXH trong thời gian qua.
Công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN được đẩy mạnh
Trong lúc tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, ngành BHXH cũng thực hiện thanh toán chi khám chữa bệnh BHYT và sử dụng kinh phí từ quỹ khám chữa bệnh BHYT hỗ trợ chống dịch Covid-19; Cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch Covid-19 để đảm bảo giãn cách xã hội…
Đặc biệt, BHXH Việt Nam còn phối hợp với cơ quan Bưu điện triển khai thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4, 5/2020 trong cùng một kỳ chi trả tháng 4 trên toàn quốc, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vừa bùng phát trở lại, BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương có nguy cơ cao thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 8, 9/2020 vào cùng một kỳ chi trả nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho người hưởng.
Ước tính đến ngày 31/7/2020, toàn ngành đã giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần (trong đó 475.577 người nghỉ việc hưởng BHXH 1 lần); 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 580.634 người hưởng chế độ BHTN (trong đó: 572.813 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 7.821 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề); Thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 92,490 triệu lượt người khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú.
Với quyết tâm vừa chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao, BHXH Việt Nam luôn chủ động thực hiện nhiều giải pháp để kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.