Tập trung người lang thang xin tiền, bán hàng rong, người cao tuổi và trẻ em bị lạc gia đình… vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để chăm sóc, hỗ trợ không chỉ thể hiện quan điểm nhân văn của thành phố Hà Nội với đối tượng yếu thế trong xã hội, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô thân thiện, văn minh. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương...
Bảo đảm sức khỏe, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19
Mẹ con bà Bùi Thị Thái H. (sinh năm 1944; hộ khẩu thường trú tại phường Văn Chương, quận Đống Đa) mưu sinh bằng công việc buôn bán lặt vặt ở khu vực Ga Hà Nội. Do nhà đã bán từ lâu, không còn nơi trú ngụ nên tối đến hai mẹ con “ngã đâu cũng là giường”. Nhằm hỗ trợ mẹ con bà H, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19, bảo đảm sức khỏe, UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa) đã đưa hai mẹ con vào Trung tâm Bảo trợ xã hội I (xã Dục Tú, huyện Đông Anh) chăm sóc.
Mẹ con bà H. chỉ là hai trong số rất nhiều người lang thang được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội để bảo đảm sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn Thủ đô vẫn có một số người, vì nhiều lý do, sống lang thang trên đường phố hoặc ở những nơi công cộng... Trước tình hình này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, qua đó phát hiện những người lang thang đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc.
Thông tin về tình hình tiếp nhận các đối tượng này, ông Nguyễn Đức Vân, Trưởng phòng Tiếp nhận, quản lý, giáo dục, dạy nghề (Trung tâm Bảo trợ xã hội I) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận gần 100 người, ở nhiều độ tuổi và đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Còn đại diện của Trung tâm Bảo trợ xã hội II (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) cho biết, trung tâm vừa mới tiếp nhận, chăm sóc 6 người lang thang.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận hơn 100 người lang thang. Còn trung bình giai đoạn 2016-2019 mỗi năm tiếp nhận, nuôi dưỡng tạm thời hoặc lâu dài khoảng 700 người lang thang... Được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội, những người lang thang được ở trong những căn phòng sạch sẽ, đầy đủ đồ dùng sinh hoạt thiết yếu; ăn uống đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh và được khám sức khỏe hằng ngày. “Do sống lang thang nhiều năm, nên sức khỏe của tôi không tốt. Ngày đầu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội I, hôm 11-4-2020, tôi được bác sĩ cho biết có tiền sử huyết áp cao, tiểu đường… Nhờ nhận được sự quan tâm, chăm sóc, hiện sức khỏe của tôi đã được cải thiện đáng kể”, bà Lê Thị Phương H. cho biết.
Cần các giải pháp bền vững
Không chỉ tận tình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người lang thang, các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố còn tư vấn tâm lý; tìm hiểu, phân tích thông tin từ đối tượng, làm căn cứ để tìm người thân cho họ. Bằng cách này, Trung tâm Bảo trợ xã hội II đã tìm được người thân cho cháu Phan Trí H. (sinh năm 2006), đến từ ấp 2, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Gặp con sau nhiều ngày tìm kiếm, chị Nguyễn Thị V. xúc động nói: “Gia đình tôi vô cùng bất ngờ, vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi thấy con khỏe mạnh, bình an. Tôi xin cảm ơn sự quan tâm của chính quyền và nhân dân Thủ đô đến những người yếu thế, những đứa trẻ lang thang”.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trước khi bàn giao về trung tâm bảo trợ xã hội, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, sàng lọc đối với những người lang thang có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Covid-19, liên quan đến các ổ dịch. Sau khi nhận bàn giao, Trung tâm Bảo trợ xã hội I, II và IV thực hiện cách ly theo quy định với những trường hợp mới tiếp nhận; đồng thời, có phương án phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả cho đối tượng đang sống tại trung tâm. "Để vừa tập trung người lang thang, vừa bảo đảm an toàn cho những người đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trong tháng 4-2020, 100% cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội đã bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, cùng ăn, ở, sinh hoạt với đối tượng", bà Dương Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết.
Có thể thấy, thời gian qua thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đến người yếu thế, trong đó có đối tượng người lang thang. Tuy nhiên, quá trình tập trung, hỗ trợ người lang thang đang bộc lộ một số bất cập. Đặc biệt, căn cứ pháp lý để xử lý những người lợi dụng đối tượng lang thang để trục lợi còn hết sức lỏng lẻo. Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội IV (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) mong muốn các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp bền vững, trong đó có giải pháp xử lý những người có hành vi lợi dụng người yếu thế để trục lợi; các địa phương tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, có giải pháp trợ giúp những đối tượng yếu thế ngay tại gia đình, cộng đồng. Đối với những người lang thang, có khả năng lao động, các ngành, địa phương cần giúp họ học nghề, tìm kiếm việc làm…
Về vấn đề này, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở vừa có văn bản đề nghị Công an thành phố Hà Nội tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em đi xin tiền; đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành phố lân cận phối hợp quản lý dân cư, chăm lo đời sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn…