Số tiền chênh lệch do dùng thực phẩm không có nguồn gốc đã đi vào "túi" ai?

“Thực phẩm bẩn” đã và đang là vấn nạn chưa thể xử lý triệt để. Vì lợi nhuận, vì ham rẻ, một số tiểu thương đã bất chấp luật pháp để đưa những thực phẩm không rõ nguồn gốc đem về thị trường thiêu thụ. Bằng cách nào đó, thực phẩm không rõ nguồn gốc lại đang được “tuồn” trót lọt vào các bữa ăn của Trung tâm Giáo Dục Quốc phòng và An ninh – đại học Thái Nguyên - nơi hàng năm đón nhận hàng nghìn học viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tiểu thương thay nhau vận chuyển nông sản vào Trung tâm Giáo Dục Quốc phòng và An ninh - đại học Thái Nguyên. (Ảnh: Bình An).

Qua tìm hiểu, theo dõi, PV đã tìm ra “đường đi” cũng như những chiêu trò để những tiểu thương đưa được thực phẩm không rõ nguồn gốc vào những bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, học viên tại đây. Và từ đây một đường dây cung ứng thực phẩm bẩn dần được hé lộ.

Có mặt tại đây từ 3h sáng, theo ghi nhận của PV, những chuyến xe thực phẩm (chủ yếu là rau, củ, quả...) được vận chuyển liên tục từ khoảng 5h hàng ngày. Việc luân chuyển những mặt hàng nông sản này được “đặc cách” chở thẳng đến khu nhà ăn mà không vướng phải bất cứ sự kiểm tra nào từ phía Trung tâm Giáo Dục Quốc phòng và An ninh.

Theo dấu một tiểu thương chuyên cung ứng thực phẩm cho Trung tâm, PV phát hiện số thực phẩm trên được lấy từ một sạp rau thuộc khu chợ gần Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, cách đó không xa.

Trò chuyện với PV, tiểu thương này thừa nhận là người chuyên cung ứng thực phẩm cho Trung tâm Giáo Dục Quốc phòng và An ninh Thái Nguyên nhiều năm nay. Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc, tiểu thương này liền lúng túng và trả lời có phần gượng gạo: “Đây là rau người dân trồng đem bán”.

Nhưng một tiểu thương cạnh đó lại đưa ra thông tin trái ngược. Một tiểu thương cho biết, rau, quả tại chợ nguồn gốc ở đâu chính tiểu thương này cũng không dám chắc, tất cả đều được nhập từ chợ đầu mối thuộc khu vực thành Phố Thái Nguyên.

 Chủ cơ sở căng tin trong Trung tâm bày bán công khai thực phẩm không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Bình An).

Để có thể tiêu thụ được số lượng nông sản mà đến người mua cũng “không dám chắc” là đến từ đâu, tiểu thương này “bật mí” chiêu trò để qua mắt người tiêu dùng. Theo đó, khi lấy rau, củ, quả ở chợ đầu mối về thì công đoạn đầu tiên phải đặt cho “nó” một cái tên, tên lấy được cảm tình của người tiêu dùng nhiều nhất là “nông sản dân trồng”, “rau nhà dân”... Bởi lẽ không làm vậy thì người tiêu dùng sẽ không mua vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trước đó, PV đã có buổi gặp mặt với một chủ thầu trong Trung tâm Giáo Dục Quốc phòng và An ninh để tìm hiểu nguồn gốc thực sự của số thực phẩm hàng ngày được "tuồn" vào. Vị chủ thầu cho hay: “Nguồn gốc ở đâu anh không biết, chỉ biết đến nay không ai ăn vào bị làm sao là được, chứ nói thật, loại thực phẩm em nói có khi cũng là hàng trôi nổi, ông lấy ở đâu về rồi gắn mác để nâng giá trị lên, ai dám khẳng định là hàng chuẩn”.

Hình ảnh những bã đậu “kết tủa” lâu ngày bốc mùi hôi, chua nồng tại một xưởng đậu chuyên cung ứng cho Trung tâm Giáo Dục Quốc phòng và An ninh. (Ảnh: Bình An).

Trao đổi với cán bộ Trung tâm Giáo Dục Quốc phòng và An ninh, vị này phủ nhận thông tin và cho rằng, không có chuyện thực phẩm không rõ nguồn gốc như PV đã phản ánh. Để minh chứng cho lý luận của mình, vị cán bộ này cho hay đã cam kết đối với nhà cung ứng bắt buộc phải là thực phẩm có nguồn gốc.

Bên cạnh đó, phía Trung tâm Giáo Dục Quốc phòng và An ninh này còn có một đội chuyên trách việc kiểm tra. Thậm chí, phía chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã vào lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, khi PV cung cấp thông tin và đặt câu hỏi về trách nhiệm khi để xảy ra sự việc trên, vị cán bộ này cho biết, trách nhiệm thuộc về... người cung cấp nông sản.

Vậy là chỉ với một thủ thuật "đổi tên", thực phẩm từ xuất xứ không rõ nguồn gốc sẽ trở thành thực phẩm được người tiêu dùng ưa thích và được sử dụng ngay trên bàn ăn các gia đình.

Việc học viên đóng tiền để được ăn thực phẩm sạch là thật nhưng chỉ có thực phẩm đến "dạ dày" học viên là không thật. Dư luận lại một lần nữa đặt ra câu hỏi, vậy số tiền chênh lệch do dùng thực phẩm không có nguồn gốc đã đi vào "túi" ai? Những tiểu thương kia đã tự ý chuyên chở thực phẩm mà cán bộ Trung tâm Giáo Dục Quốc phòng và An ninh không biết hay có sự không minh bạch nào trong câu chuyện này?

"Thịt gì anh cũng không rõ, có ăn bao giờ đâu"

Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng và An ninh - đại học Thái Nguyên hiện nay có 2 nhà ăn, 2 nhà căng tin. Khác với nhà ăn, tại nhà căng tin được bày bán những mặt hàng tạp hóa, nước uống, đồ ăn vặt... để phục vụ nhu cầu của học viên.

Điều đáng nói, tại 2 nhà căng tin này lại ngang nhiên bày bán những túi thực phẩm (đồ ăn vặt - PV) không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là những thực phẩm đã được báo chí nhiều lần cảnh báo về nguy cơ độc hại, có nguy cơ gây ung thư khi sử dụng. Tuy nhiên, không hiểu sao những mặt hàng tại đây vẫn đang được bày bán công khai, không gặp bất cứ sự kiểm tra, xử lý nào.

Những gói thịt hổ, thịt vịt không nhãn mác, tem phụ được đưa vào trót lọt và được bày bán phục vụ học viên. (Ảnh: Bình An).

Cầm trên tay một túi đồ ăn vặt phía ngoài chằng chịt chữ nước ngoài, không nhãn mác, phụ đề tiếng Việt (đối với hàng nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam tiêu thụ) có in hình vịt quay trông rất bắt mắt, hấp dẫn. Khi hỏi chủ căng tin bên trong túi là "cái gì", chủ căng tin hồn nhiên trả lời: "Anh cũng không biết là cái gì? Thịt gì anh cũng không rõ, chắc là bột chứ lấy đâu ra thịt".

Theo chủ căng tin này, đây là những thức ăn vặt được nhiều học viên ưa thích, giá cả siêu "mềm" chỉ với 2.500 đồng/túi. Vậy là vì lợi nhuận, Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng và An ninh đã để cho những chủ cơ sở này bất chấp luật định, sức khỏe học viên để kinh doanh kiếm lời?

Trao đổi về việc này, cán bộ Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng và An ninh - đại học Thái Nguyên thừa nhận đã biết sự việc và cho rằng, trách nhiệm phải thuộc về chủ cơ sở bởi khi làm đã có bản cam kết.

Không chỉ thực phẩm có vấn đề, mà quy trình chế biến thực phẩm tại đây cũng ... bẩn không kém.

Quy trình chế biến thực phẩm tại đây không đảm bảo vệ sinh. (Ảnh: Bình An).

Theo ghi nhận của PV, những thực phẩm sau khi đưa vào nhà bếp sẽ trải qua quy trình thái, gọt bằng tay trần ngay trên nền nhà còn nhơ nhớp dầu mỡ, dấu chân người ra, kẻ vào. Những quả bí sau khi được "cắt, gọt" trên nền sẽ được đem đi chế biến thành những món ăn phục vụ học viên.

Vậy là thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn đang được đưa vào để phục vụ cho học viên đã và đang tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, an toàn sức khỏe. Chưa bao giờ, con đường đi từ "dạ dày" đến "nghĩa địa" lại gần đến thế.

Mời quý độc giả đón đọc bài 2: "Tiếp chuyện thực phẩm không rõ nguồn gốc tại Trung tâm GDQP&AN – ĐH Thái Nguyên: Sinh viên không có quyền lựa chọn”.

Theo Bình An/Đô thị mới/Reatimes