Hà Minh Đức - người sáng lập thương hiệu Clever Food chia sẻ, để có hệ thống cửa hàng như hiện nay, anh đã mất khoảng 1 năm rưỡi đầu tiên “đổ máu”, đóng cửa nhiều cửa hàng, di chuyển hết địa điểm này đến địa điểm khác. Có 8 cửa hàng thì khai trương tới 14 lần và hiện nay số lượng của Clever Food giảm còn 5 cửa hàng.
Để hiểu hơn lý do vì sao mà một người lính lại bất ngờ yêu và lựa chọn thực phẩm làm hướng đi cho tương lai, chúng tôi đã có buổi trò chuyện ngắn với Hà Minh Đức.
Vốn là lính, nguyên nhân nào đã khiến anh “bẻ lái” sang kinh doanh thực phẩm sạch?
Tôi theo học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, ra trường năm 2010, sau đó làm 4 năm trong ngành thông tin vệ tinh. Công việc của tôi trong thời gian đó là lắp đặt các trạm viễn thông ở đồn biên phòng, biển đảo, hầu hết là những nơi hẻo lánh.
Điều bất ngờ là khi đến những nơi như vậy, tôi mới nhận thấy đất nước mình có nguồn thực phẩm tươi sống không chỉ rất đa dạng từ rau củ đến tôm, cá, gà lợn mà lại rất tự nhiên. Tuy nhiên, những loại thực phẩm này hoặc ít được khai thác, hoặc lại chủ yếu tập trung cho xuất khẩu trong khi người tiêu dùng trong nước không được thưởng thức chúng. Trong khi đó, nạn "thực phẩm bẩn" lan tràn khắp mọi nơi khiến người dân vừa ăn vừa sợ vì "không ăn thì chết ngay mà ăn thì chết từ từ".
Trong hoàn cảnh đấy, tôi quyết định từ bỏ áo lính, chuyển sang lĩnh vực kinh doanh thực phẩm. Nói thì đơn giản vậy nhưng bắt tay vào làm mới thấy cái khó là làm sao biến các sản phẩm tự nhiên thành thương phẩm mà vẫn giữ nguyên được chất lượng rồi đưa chúng tới tay người tiêu dùng với giá thành hợp lý và dịch vụ tương xứng.
Cho đến tận thời điểm này, khi Clever Food đạt được những thành công bước đầu thì đây vẫn luôn là câu hỏi mà chúng tôi phải đối mặt hàng ngày.
Để Clever Food được như ngày hôm nay, anh đã phải đương đầu với những khó khăn gì?
Vốn quen cuộc sống trong doanh trại, chưa bao giờ kinh doanh nên khi bắt tay vào gây dựng Clever Food, tôi gặp khó khăn ở rất nhiều góc độ, từ thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm đến thiếu nguồn lực.
Ngay cả việc xin giấy phép hoạt động cũng gặp không ít khó khăn vì kinh doanh thực phẩm có rất nhiều quy định khắt khe. Ban đầu mới triển khai, mọi thứ đều rất bỡ ngỡ. Lúc bấy giờ, cửa hàng loanh quanh vỏn vẹn 18-20m2, giá rau 2 cái, rổ nhựa lẫn lộn, bàn sơ chế thì là bàn inox, cũng chỉ nhỏ hơn bếp nhà 1 tí, 1 tủ đông 1 tủ mát nhưng lại để dồn đủ các loại mặt hàng trong đó nên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên xin cấp phép mãi không xong.
Sau này, khi được nhắc nhở, Clever Food mới nâng cấp dần lên, hoàn thiện từ cơ sở vận chất tới quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm. Hiện các cửa hàng của Clever Food hầu hết diện tích đều trên 40m2, thậm chí 100m2. Quan trọng nữa là đã tách biệt được phần hàng sống - hàng chín, thịt và hoa quả, rau ra những khu vực khác nhau, đặc biệt là bàn sơ chế được bố trí riêng một khu vực và luôn phải sạch sẽ.
Mới đây nhất, Clever Food đã khai trương cửa hàng tại số 1 Phùng Chí Kiên, nâng tổng số cửa hàng cơ sở của Clever Food lên 5 cửa hàng.
Đến thời điểm này, nhắc tới Clever Food, nhiều người sẽ nhớ tới châm ngôn "chống thực phẩm bẩn theo cách của người lính" mà anh đã xây dựng. Vậy thế nào là "chống thực phẩm bẩn theo cách của người lính"?
Tôi xuất thân là lính, giờ chuyển sang kinh doanh thực phẩm cũng theo phong cách của người lính: Chính trực, quyết liệt, mạnh mẽ. Chỉ có làm như thế thì mới bền vững được.
Những năm gần đây, trước hồi chuông báo động về tình trạng thực phẩm bẩn, không ít doanh nghiệp lớn cũng tham gia thị trường thực phẩm sạch với tiềm lực rất mạnh. Điều này có tạo áp lực cạnh tranh với Clever Food?
Tất nhiên là có, rất nhiều là đằng khác. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực thì áp lực cạnh tranh sẽ khiến Clever Food và các cửa hàng thực phẩm sạch khác phải sạch hơn, đảm bảo chất lượng tốt hơn.
Đáng lưu ý là khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn thì các doanh nghiệp như Clever Food và cả các đơn vị tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm, từ người nông dân trực tiếp chăn nuôi, trồng trọt đến người chế biến, vận chuyển đều buộc phải hoàn thiện mình, tuân thủ đúng các quy định của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương,... nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi trên thị trường thực phẩm sạch.
Tới thời điểm hiện nay, tôi thấy các cửa hàng thực phẩm sạch có trên 2-3 năm hoạt động đều đã tuân thủ tương đối nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ có một số cửa hàng mới còn vướng mắc sai sót mà thôi.
Đầu vào, tức là việc tìm kiếm và bảo quản thực phẩm chất lượng, hay đầu ra của thị trường là vấn đề khiến anh đau đầu nhất?
Các khâu – khâu nào cũng khó khăn và khiến không chỉ tôi mà tất cả anh em ở Clever Food đều đau đầu, thậm chí là bạc hết cả tóc. Tuy nhiên, đầu ra luôn là cái quyết định đến đầu vào. Mà đầu ra mình phải xác định là mình cấp sản phẩm cho đối tượng khách hàng nào/phân khúc khách hàng nào, thì sản phẩm phải đồng bộ như thế.
Như hồi Clever Food mới mở đầu 2013, 2014 hai vấn đề này không được hài hòa, thế là phải đóng cửa mấy cửa hàng. Thời điểm đấy, Clever Food phạm sai lầm khi chọn địa điểm ở gần các khu chợ. Đây là khu vực mà các khách hàng thường có thu nhập trung bình thôi trong khi sản phẩm của mình lại chọn dòng đặc sắc, ngon, đặc sản truyền thống hoặc sản phẩm hữu cơ giá cao nên rất ít khách hàng mua.
Theo anh thì bí quyết nào để các thương hiệu thực phẩm sạch, an toàn có thể sống và có vị trí nhất định trong lòng người tiêu dùng?
Gọi là bí quyết thì cũng không đúng vì "bí quyết" này thực ra ai cũng biết, chỉ khác nhau ở chỗ ai là người thực hiện và thực hiện có nghiêm túc hay không mà thôi. Nói ngắn gọn thì cách làm nhanh nhất, bền vững nhất và duy nhất để một thương hiệu thực phẩm sạch có thể sống được là "đảm bảo chất lượng".
Khách hàng hiện đại rất thông minh, đặc biệt là đồ ăn vào miệng là thứ không thể giấu diếm chất lượng được nên không bao giờ có thể lừa được khách hàng.
Không chỉ riêng thực phẩm sạch mà hoạt động kinh doanh nói chung đều phải đề cao chữ tín. Nếu kinh doanh chộp giật, không có uy tín thì chỉ lừa được nửa năm, một năm rồi người tiêu dùng cũng sớm phát hiện ra mà thôi.
2, 3 năm trước khi câu chuyện kinh doanh thực phẩm còn dễ dàng. Người bán có thể để trộn lẫn lộn các loại rau thịt, tôm, cá có chất lượng tốt với các sản phẩm không tem mác được. Còn bây giờ, yêu cầu của khách hàng cao hơn, kiến thức về thực phẩm của họ cũng rất tốt, quy định kinh doanh thì siết chặt hơn nên chính các cơ sở làm thực phẩm sạch cũng phải tự nâng cao mình, không sớm thì muộn cũng bị người tiêu dùng “bóc mẽ”.
Hơn nữa, thực phẩm đại trà có thể... làm đại được chứ thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ làm sao mà làm giả được khi thịt con gà nuôi 3-4 tháng ăn nó khác, nuôi 6 tháng ăn nó khác. Con lợn nuôi 6 tháng với con lợn 1, 2 năm ăn thịt sẽ thấy khác hẳn về chất lượng.
Đấy cũng chính là bản chất của kinh doanh thực phẩm sạch: Tem mác làm giả được nhưng khi đã ăn vào miệng thì chất lượng không làm giả được. Đấy là bản chất và cũng là bí quyết để các cửa hàng thực phẩm sạch có thể tồn tại và phát triển được.
Vậy nên theo tôi không có bí quyết nào là riêng tư hay bí mật cả, bí quyết chính là hãy làm đúng, làm theo cái tâm, làm như lời quảng cáo để mang đến những sản phẩm có chất lượng thực sự, có như vậy thì các thương hiệu mới tồn tại được.
Cảm ơn anh đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn rất cởi mở. Chúc anh và Clever Food luôn giữ vững được vị trí và thương hiệu trong lòng khách hàng.