Nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc – tỉnh Thanh Hoá, Vĩnh An đã trở thành điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài tỉnh. Xuất phát từ thành phố Thanh Hóa đến thị trấn Hà Trung, theo Quốc lộ 217 đi chừng hơn chục cây số nữa bạn sẽ tới Vĩnh An. Sức hấp dẫn ở Vĩnh An chính là vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên nơi đây. Hệ thống núi đá bao quanh khu vực đầm lầy và dòng suối Ấu thơ mộng đã níu chân du khách gần xa.
Suối Ấu thơ mộng như không có thực
Suối Ấu mang trong mình sức hấp dẫn với những ai ưa khám phá vẻ đẹp hoang sơ, chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Tùy vào thời điểm, suối Ấu lại khoác lên mình vẻ đẹp riêng. Ở đây luôn có sẵn thuyền của người dân để ở ven suối, những chiếc thuyền là phương tiện để người dân chăm sóc ấu, mỗi thuyền ở đây chỉ chở được 4 đến 5 người.
Ngoài suối Ấu, đến đây du khách còn có thể tham quan động Tiên Sơn, chùa Linh Ứng với 202 bậc đá uốn lượn dẫn lên cửa động. Động Tiên Sơn nằm ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc. Động ăn sâu vào trong lòng núi đá vôi, bên trong có cảnh quan đẹp, còn nguyên vẻ hoang sơ với nhiều nhũ đá vôi có hình thù khác nhau.
Di sản thế giới Thành nhà Hồ
Cách đó không xa là di sản thế giới Thành nhà Hồ. Thành được xây dựng bởi Hồ Quý Ly vào năm 1397, rộng 5.234 ha với rất nhiều khối kiến trúc chính. Bức tòa thành đá 600 năm tuổi này đã khiến bất kỳ ai một lần đến thăm cũng đều xuýt xoa khen ngợi bởi kiến trúc độc đáo và bền vững của nó. Mỗi mặt của bức tường thành dù đã qua 600 năm vẫn giữ được sự nguyên vẹn với bốn cổng thành đứng sừng sững. Một số phần đã mọc kín cỏ, cây bụi rậm. Xung quanh là cảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam với đồng lúa, ao hồ... càng khiến khung cảnh thêm nên thơ.
Vẻ đẹp của Thành nhà Hồ đã gây ấn tượng với rất nhiều tờ báo nước ngoài. CNN từng ca ngợi "Công trình được xây dựng trong 3 tháng, ghép các viên đá lại với nhau mà không hề dùng vữa này là một thành tích ấn tượng của kỹ thuật thế kỷ 15". Trước khi được vinh danh trên CNN, Thành nhà Hồ cũng từng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 6-2011.
Đây còn được xem là một công trình vô cùng kỳ lạ ở 2 điểm. Điểm đầu tiên, nhà Hồ chỉ tồn tại vỏn vẹn trong 7 năm (1400-1407) trong chiều dài lịch sử Việt Nam. Điều thứ hai, Thành nhà Hồ hoàn toàn trống rỗng, chỉ gồm 4 bức tường bao quanh một khu đất. Ngoài ra không hề có tòa lâu đài, ngôi miếu... nào bên trong.
Suối cá thần Cẩm Lương
Tiếp tục ngược phía Tây Bắc vài chục km, suối cá thần Cẩm Lương (còn gọi là mó Ngọc, suối Ngọc) nằm dưới chân núi Trường Sinh, thuộc bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy sẽ chào đón du khách. Giữa bốn bề núi đá vôi dựng đứng, dòng suối Ngọc dài chỉ hơn trăm mét, rộng 3-4 m. Tại đây có hàng chục nghìn con cá (nặng từ 2 đến 8 kg, cá chúa nặng tới 30 kg) hình thù rất lạ, đủ màu sắc.
Đến thăm Suối cá thần Cẩm Lương, ngoài việc được tận mắt chứng kiến dòng suối cá kỳ lạ, du khách còn được tham quan động Đăng, một hang động ăn sâu vào trong lòng núi Trường Sinh. Nguồn nước suối cá thần cũng bắt nguồn chính từ trong lòng động đá này. Đi xuyên qua động Đăng, du khách sẽ tham quan một khu rừng nguyên sinh vẫn còn giữ nguyên vẻ hoang sơ với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới.
Khi đôi chân đã mỏi, cái bụng rổng biểu tình, ngã mình vào thiên nhiên hoang sơ Pù Luông (huyện Bá Thước) là một lựa chọn hợp lý. Tại đây, bạn có thể chiêm ngưỡng tất cả nét đẹp dung dị hòa quyện với mây trời. Các homestay hay nhà của người dân nơi đây đều là nhà sàn và được xây cao trên triền núi, đồi, cạnh sát bên các ruộng bậc thang nên có view gần gũi với thiên nhiên. Sáng sớm, những làn mây như bay vào cửa đánh thức du khách. Cảm giác ưỡn mình nằm dài trên giường giữa thiên nhiên bao la là giây phút thảnh thơi hiếm có.
Nhà sàn tại Pù Luông gần gũi với thiên nhiên
Đến Pù Luông, bạn có rất nhiều sự lựa chọn: chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, hang động; khám phá khu rừng sinh thái với hệ động thực vật phong phú; đi chợ Phố Đoàn, tìm hiểu phong tục tập quán văn hóa bản địa nơi đây. Chiều buông xuống cùng nhau quây quần bên mâm cơm, thưởng thức các món ăn đặc trưng như cơm lam, xôi ngũ sắc, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, vịt Cổ Lũng… Tối đến đốt lửa trại múa hát, thưởng thức rượu cần say nồng đến quên lối về.
Giếng Ngọc trong khu di tích Lam Kinh
Khi đã chìm đắm trong khí trời tươi mát, gột đi hết sự bon chen, tất bật của thị thành, đó là lúc trở về với Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Nơi này rộng 200 ha (nằm trên địa phận huyện Thọ Xuân) là nơi người anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, chọn nơi đây làm kinh thành thứ 2 có tên gọi Lam Kinh, hay Tây Kinh. Đây là nơi phát tích của dòng họ đế vương đã có công bình Ngô giữ nước. Ít ở nơi nào lại có hai vua như Thọ Xuân, Thanh Hóa. Trước là vua Lê Hoàn (thời Tiền Lê) và sau đó là Lê Lợi (thời Hậu Lê).
Một lựa chọn thú vị khác khi du khách có thể tìm tới Hang Con Moong thuộc bản Mọ, xã Thành Yên huyện Thạch Thành (Nằm trong vùng đệm Rừng quốc gia Cúc Phương). Hang Con Moong chính là nơi quần cư liên tục của người Việt cổ với 3 nền văn hóa: Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn tiêu biểu cho Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Hang Con Moong là một điển hình nổi bật về việc định cư truyền thống của loài người từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi.
Hoặc rẽ sang một hướng khác tìm tới Bản Năng Cát xã Trí Nang (huyện Lang Chánh) không chỉ đa dạng về sinh cảnh mà còn lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa của đồng bào người Thái. Đến với Năng Cát, du khách còn được thăm quan thác Ma Hao, một cảnh quan thiên nhiên quyến rũ. Bắt nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh có độ cao hơn 1.000m. Thác Ma Hao không chỉ mang một vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ mà còn gắn với lịch sử hào hùng về chống giặc ngoại xâm của dân tộc, là nơi nghĩa quân Lam Sơn của anh hùng dân tộc Lê Lợi từng đóng quân.
Cánh đồng hoa tam giác mạch Như Xuân
Kết thúc chuyến hành trình, khu du lịch văn hoá cộng đồng tại xã Thanh Quân nằm cách trung tâm thị trấn huyện Như Xuân gần 40 km có quy mô gần 4 ha với điểm nhấn là thung lũng hoa tam giác mạch.
Tới đây, bạn còn có cơ hội khám phá những thác nước tuyệt đẹp, hay những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái khi nghỉ tại các nhà sàn, tham gia nhảy sạp, khua luống, đốt lửa trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thưởng thức các món ăn, đặc sản địa phương, thăm đền Chín gian, công trình tâm linh góp phần tạo nên không gian văn hóa đặc sắc của khu du lịch.