Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, NHNN ra quyết định điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi hỗ trợ người tiêu dùng và để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Do vậy các ngân hàng vẫn đang trong quá trình thực hiện quyết định đó.
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước vào chiều 30/9, trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.
Trong tháng 11/2020, SCB, BacABank là những ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất cao. Các ngân hàng cổ phần thương mại có quy mô nhỏ giữ mặt bằng lãi suất huy động ở mức cao nhằm thu hút tiền gửi. 4 ngân hàng có vốn nhà nước: Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank có mức lãi suất thấp nhất hệ thống.
Đầu tháng 11/2020, một số ngân hàng TMCP có vốn nhà nước gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank, lãi suất huy động các kỳ hạn: 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng, đều có mức giảm 0,2%/năm so với cùng kỳ tháng 9.
Ở khối Ngân hàng TMCP: MB, HDBank, SHB, VPBank… ghi nhận mức giảm không đồng nhất. Trong đó, HDBank có mức giảm từ 0,15 – 0,45%/năm, tùy kỳ hạn; SHB có mức giảm từ 0,2 – 1%/năm.
Đặc biệt, MB có mức điều chỉnh giảm mạnh nhất, với mức giảm từ 0,15 – 1,9%/năm, trong đó: kỳ hạn 12 tháng giảm từ mức 7,2% trong tháng 10/2020 xuống còn 5,3%/năm trong tháng 11/2020 (giảm 1,9%/năm); hay kỳ hạn 24 tháng cũng giảm từ 7,4%/năm trong tháng 10/2020 xuống còn 5,67%/năm trong tháng 11/2020 (giảm 1,73%/năm).
Động thái điều chỉnh lãi suất của NHNN được giới chuyên môn đánh giá hoàn toàn phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh sẽ giảm chi phí vốn cho DN, đồng thời kích thích nhu cầu vay vốn để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch.
Một số ngân hàng TMCP tăng nhẹ lãi suất. Techcombank tăng từ 0,1 – 0,7%/năm/tùy kỳ hạn; Sacombank tăng từ 0,2 - 0,7%/năm/tùy kỳ hạn. TPBank cũng tăng nhẹ ở kỳ hạn 12 tháng thêm 0,1%.