Khi bị ngộ độc rượu, từ 12 - 24 giờ sau khi uống, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng.
Trong tình huống này, người thân và mọi người xung quanh cần biết xử trí đúng cách khi nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Trước hết, khi phát hiện nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, cần kê gối thấp cho nạn nhân nằm để nôn hết rượu và chất độc ra.
Sau đó, để bệnh nhân ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo loãng.
Tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc cứ ăn vào là nôn thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Chú ý, lúc này nhất quyết không được cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu.
Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.
Thêm nữa, khi say rượu, không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.
Một số người còn cho người say uống mật ong pha loãng nhưng nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với mật ong sẽ dễ lên men, gây say hơn.
Nên uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh.
Một số loại nước giúp giải độc có thể uống lúc này là:
Nước chè xanh đậm giúp khử độc cồn cấp tính, hoặc uống sữa nóng, nước gừng tươi (thái lát đun sôi kỹ) để máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn.
Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ… uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.
Có thể dùng 3 lát gừng tươi giã nát, trộn với một ít giấm và đường, ép lấy nước để uống.
Chú ý, người ngộ độc rượu không tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch.
Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành để cung cấp vitamin và chất chống ôxy hóa, hạn chế tác hại của cồn trong rượu tới hoạt động của gan.