Đây là tác nhân chính khiến sức mua trên thị trường có chiều hướng suy giảm. Do đó, để kích cầu tiêu dùng hiệu quả trong bối cảnh này đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ cần đa dạng hóa các loại hình sản phẩm dịch vụ sát hơn với thị trường và nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần phải có những chính sách đúng và trúng hơn nữa.
Nhiều chương trình kích cầu, sức mua vẫn giảm
Tại Hội nghị giao thương mới đây, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, thực hiện chủ trương kích cầu thị trường nội địa, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, từ nay đến hết năm 2020, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức hơn 30 sự kiện, hoạt động như: Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với hơn 50 tỉnh, thành phố vào cuối tháng 11; Tháng khuyến mại tập trung vào tháng 11; Tuần lễ cam sành và sản phẩm OCOP Hà Giang dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới đây…
Đáng chú ý, Sở Công Thương đã bố trí 28 điểm (gấp đôi số điểm mà thành phố yêu cầu) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền về tiêu thụ tại Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Đây là những giải pháp thiết thực, một mặt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Mặt khác kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, góp phần thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bà Lan thông tin.
Tại đầu cầu phía Nam, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong các tháng cuối năm, việc đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó góp phần khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, trong tháng cận Tết, doanh nghiệp tham gia các chương trình bình ổn giá của thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết và cam kết duy trì giá cả hàng hóa không tăng hoặc tương đương với giá trị năm 2019. Các doanh nghiệp này cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu trong hai ngày cận Tết đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Tuy nhiên, song song với các chương trình kích cầu tiêu dùng từ các cơ quan xúc tiến thì thực tế ghi nhận trên thị trường lại cho thấy những gam màu u ám trong bức tranh tiêu dùng cuối năm. Khi doanh nghiệp sản xuất thì lo lắng vì mức tiêu thụ “tụt dốc” còn người tiêu dùng cũng không mấy mặn mà với các chương trình mà theo các chuyên gia là nguyên nhân khởi phát từ dịch Covid-19.
Là một trong những ngành hàng được nhiều người dân quan tâm, ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vissan lo lắng khi tình hình kinh doanh tại công ty đang gặp khó khăn do sức mua giảm mạnh cả ở ngành hàng tươi sống lẫn chế biến, nhất là trong những tháng gần đây.
Theo ông Dũng, dường như người tiêu dùng ngày càng cắt giảm mạnh các nhu cầu, kể cả mua sắm các loại thiết yếu tiêu dùng hằng ngày như thực phẩm tươi sống các loại để gia tăng tiết kiệm ngân sách gia đình. Chẳng hạn, ở nhóm thịt heo tươi sống, có thể do hệ lụy từ dịch Covid-19, cộng giá thịt heo tăng cao do chúng ta chưa chủ động nguồn cung, mỗi đêm Công ty Vissan chỉ giết mổ khoảng 600 con heo (bằng 50% sản lượng so với cùng kỳ) nhưng việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Tương tự, với nhóm thực phẩm chế biến, sức mua chỉ thực sự tăng lúc cao điểm chống dịch và từ tháng 6 đến nay thì lại giảm dần đều.
Không chỉ riêng doanh nghiệp chế biến mà ngay cả tại các chợ bán lẻ cũng gặp phải tình trạng tương tự. Bà Mơ (chủ bách hóa H.T ở Cầu Giấy) cho biết, điều khác lạ mọi năm là năm nay, khách đến cửa hàng mua ít đi và thiên về hàng khuyến mại nhiều hơn. Thậm chí đến thời điểm này, cửa hàng còn chưa nhận đơn hàng đặt giỏ quà tết, trong khi tầm này năm ngoái cửa hàng đã nhận hàng nghìn đơn hàng với giá bình quân từ 1 - 2 triệu đồng.
“Then chốt” là tăng thu nhập cho người lao động
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, tiêu dùng cá nhân của Việt Nam hiện nay tương đương khoảng 81% GDP về mặt quy mô. Nếu như quy mô của thị trường này tăng thêm 1% thì lập tức GDP sẽ tăng thêm 0,12 điểm %. Đây chính là động lực để khơi thông dòng chảy cung cầu trên thị trường, kích hoạt việc làm cho cả nền kinh tế.
Để giải quyết được những khó khăn trước mắt do dịch bệnh Covid-19 đã phần nào tác động khiến tâm lý co cụm, e dè trong chi tiêu của người tiêu dùng, cần khơi thông các chính sách để tăng cho vay tiêu dùng, kích thích tiêu thụ, giảm tồn kho…
Với góc nhìn của nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - TS Ngô Trí Long cho rằng, để kích cầu tiêu dùng hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể và chính xác. Kích cầu du lịch đã không đạt hiệu quả, nhất là rủi ro như chúng ta đã chứng kiến trong thời gian vừa qua khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại một số địa phương. Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp đầu tiên phải làm để có thể kích cầu là phải miễn giảm thuế. Đây cũng là giải pháp nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Chẳng hạn, có thể nên xem xét đến việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập…
Sử dụng công cụ thuế có thể là sự lựa chọn hiệu quả lúc này, vì điều này đem lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng và người tiêu dùng, đồng thời gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng hóa, tránh tình trạng tồn kho và kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng các chương trình khuyến mại, cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, doanh nghiệp bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ hoặc xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Kích cầu tiêu dùng cũng là giải pháp phù hợp vì khi đẩy mạnh đầu ra, tăng doanh thu, doanh nghiệp mới có thể phát triển.
Tuy nhiên, “then chốt” vẫn là phải có cách tăng thu nhập cho người lao động. Bởi hiện nay kích cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào bán lẻ là chính. Nhưng ngay cả khi giá thành hàng hóa sản phẩm hạ, khuyến mại thường xuyên, song người dân không có việc làm, không có thu nhập nữa họ sẽ lấy gì để mua hàng? Do đó, điều này đòi hỏi chính sách tài khóa và các gói hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ phải phát huy được hiệu quả, tránh dàn trải và chưa trúng đích như thời gian qua.
Theo TS. Võ Đình Trí - Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global, đại dịch Covid-19 là một cú sốc lớn với rất nhiều nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Nhưng khả năng chống chịu, phục hồi và phát triển của Việt Nam cho thấy đây cũng là cơ hội để Việt Nam chú trọng hơn đến khu vực kinh tế tư nhân và thị trường trong nước. Tỷ lệ nợ công/GDP dự kiến trong năm 2021 là 46,1% trên cơ sở GDP được đánh giá lại nên hoàn toàn có thể tăng thêm tỷ lệ này, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất thực quanh mức 0% ở các nền kinh tế phát triển, cũng như tỷ lệ tiết kiệm ở trong nước cao.
Tuy vậy, các chính sách như tăng nợ công, kiểm soát lạm phát cần được nghiên cứu kỹ với số liệu của Việt Nam ở hai vấn đề sau:
Thứ nhất là hiệu số của lãi suất và tốc độ tăng trưởng. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu lãi suất và tốc độ tăng trưởng không âm thì tỷ lệ nợ công sẽ tiến đến ngưỡng ổn định. Trong trường hợp xuất phát điểm của tỷ lệ nợ công/GDP không quá cao thì việc tiếp tục tăng vay nợ sẽ hoàn toàn khả thi vì chi phí lãi vay thấp, được bù đắp bởi tăng trưởng.
Thứ hai là mối tương quan giữa lãi suất thực và tăng trưởng. Kết quả nghiên cứu về mối tương quan này cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, vì sự khác biệt giữa các nước trong mô hình nghiên cứu: có trường hợp là quan hệ cùng chiều, nhưng cũng có trường hợp không thể hiện rõ mối quan hệ. Nếu Việt Nam rơi vào trường hợp đầu thì việc điều chỉnh lãi suất thực sẽ quan trọng hơn là chỉ nhìn vào lạm phát.
Do đó, việc kích cầu với bối cảnh của kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cần thông qua hỗ trợ giá để người dân có thể tăng mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Trong dài hạn cần tạo thêm việc làm từ các doanh nghiệp trong nước, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất chế tạo, dịch vụ, ông Trí nhấn mạnh.