Theo thông tin từ An ninh Thủ đô, thực hiện cao điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, sáng 16/12, lực lượng kiểm tra liên ngành gồm tổ kiểm tra tuyến CATP Hà Nội, Đội QLTT số 6 - Chi cục QLTT Hà Nội, Phòng 7 - Cục Cảnh sát môi trường (CSMT)- Bộ Công an và CAH Thanh Trì đã kiểm tra cơ sở kinh doanh da trâu, bò Hưng Phú, ở thôn Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội do ông Kim Văn Tuyên (SN 1968) làm chủ. 

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số lượng lớn da trâu, bò, mỡ động vật vứt la liệt dưới nền xi măng lẫn vào đất, mùn cưa dùng để đun nấu. Khi phát hiện có đoàn kiểm tra, hàng chục thanh niên đang bốc mỡ vào chảo rán, trong đó có cả những khối mỡ đã biến màu đã ngừng sản xuất.

Mỡ động vật bày la liệt dưới sàn, sau đó được chế biến thành mỡ nước

 

Mỡ động vật ở sân xưởng chế biến

Theo những người làm việc ở cơ sở này, mỡ sau khi rán, nước mỡ được đổ vào thùng phuy để nguội rồi múc vào các bao tải để đông lạnh. Còn tóp mỡ được cho vào máy ép thành khuôn. Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy số mỡ này sau khi rán đều chuyển sang màu đen. 

Mỡ động vật trong các thùng chứa

Ông Kim Văn Tuyên, chủ cơ sở khai nhận nuôi đàn trâu, bò và giết mổ gia súc, nên mỡ thừa từ da trâu, bò được chế biến để làm thức ăn cho cá.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 12/2015 trở lại đây, do hồ nuôi cá của cơ sở tạm ngừng hoạt động, không có cá nên đã mở lò quay, rán mỡ đông lạnh để tích trữ làm thức ăn. Nhưng theo lực lượng chức năng, số mỡ này rất có thể sẽ được chia nhỏ vào những chai 5 lít và bán cho các cơ sở làm quẩy rán hay các cửa hàng ăn. 

Mỡ nước đựng trong các túi nylon

Tiếp tục kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 xe tải đang giao da trâu, bò cho cơ sở Hưng Phú. Trên xe ôtô BKS: 75C - 046.08 do ông Trần Hải Cường (SN 1974), trú tại đường Thánh Gióng, phường Tân Lập, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế điều khiển chở 300 tấm da trâu, bò. Lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ số hàng hóa trên.

Bên cạnh đó, số hàng trên không được kẹp chì niêm phong đúng yêu cầu của cơ quan chức năng, không có mã vạch tên thành phố cấp. Ông Cường cho biết, số hàng trên do bà Bùi Thị Lợi, ở 21 đường Thánh Gióng, phường Tân Lập, TP Huế thuê vận chuyển ra Hà Nội với giá 6,5 triệu đồng.

Chiếc xe ôtô thứ hai có BKS: 31F - 9362, vận chuyển mỡ động vật và da trâu, bò bán cho cơ sở Hưng Phú, lái xe xuất trình giấy tờ kiểm dịch đã hết hạn từ tháng 10-2015. Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy hơn 3,5 tấn mỡ, trong đó có 5 tạ mỡ đã được sơ chế, đồng thời lập biên bản xử phạt.

Ông Kim Văn Tuyên cho biết, hiện trong kho hàng có khoảng 60 - 70 tấn da trâu, bò. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập hồ sơ, tiếp tục điều tra xác minh nguồn gốc số hàng trên.

Cũng trong sáng 16/12, theo VietnamPlus, Phòng CSMT - CATP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 6 kiểm tra kho đông lạnh của Công ty TNHH thực phẩm Hoàng Dương, ở 423 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho lạnh có 270kg xương ức lợn đông lạnh và 30kg xương gà do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm dịch.

Chủ hàng số thực phẩm trên là bà Đào Thị Thúy Hoa, chuyên kinh doanh các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đông lạnh… và đưa đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP Hà Nội. 

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý số da lợn không rõ nguồn gốc

Liên quan tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, như đã đưa tin, thời gian qua hàng loạt các sự việc liên quan tới thực phẩm bẩn bị lực lượng chức năng phát hiện. 

Cũng trong ngày 16/12, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Hoàn Kiếm và Công an phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phát hiện và thu giữ số lượng lớn hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trọng lượng khoảng 6 tấn.

Bước đầu kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn ngó sen được sản xuất ngày 15/6/2015 của cơ sở sản xuất Nguyễn Thị Sáu có địa chỉ tại 219/105B đường Mai Xuân Thưởng (phường 3, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) đã hết hạn sử dụng. 

Tiếp tục kiểm tra các lô hàng nghi vấn, các trinh sát phát hiện thêm sản phẩm me chua dùng để nấu canh, có đề địa chỉ tại 101 Bình Phú (phường 11, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) không có hạn sử dụng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, thu giữ toàn bố số hàng trên để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 14/12, cơ sở do bà Mai Thị Kim Anh (ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) làm chủ bị cơ quan điều tra phát hiện sản xuất mỡ bẩn.

Tại hiện trường, có hơn 170 kg mỡ bẩn đã được chế biến thành phẩm, chờ đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngoài ra còn có 170 kg mỡ chưa thành phẩm để dưới sàn, 60 bao mỡ đã chế thành mỡ nước (40 kg/bao) với tổng trọng lượng khoảng 2,4 tấn. 

Theo quan sát, cơ sở này chế biến thô sơ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nước thải trong quá trình sản xuất được xả trực tiếp ra môi trường, bốc mùi hôi thối nồng nặc. 

Bước đầu cơ quan chức năng xác định chủ cơ sở có các vi phạm: Không có giấy phép kinh doanh hoạt động chế biến mỡ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y./.

Theo Ngân Chi (Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam