Cửa hàng Koka giảm giá sâu đến 70% bất chấp quy định. Ảnh: Bảo Loan
Loạn thời trang gắn cùng lúc nhiều mác
Vụ nghi vấn hãng thời trang Seven.AM (thuộc Công ty CP MHA) cắt mác có chữ Trung Quốc, gắn lại bằng mác Seven.AM và "made in Viet Nam" bị phơi bày đã khiến không ít người tiêu dùng bị tổn thương. Nhất là đối tượng khách hàng nữ từ 30- 55 tuổi.
Sở dĩ có cảm giác tổn thương cũng bởi nhiều năm qua, người tiêu dùng đã đồng hành, tin dùng một thương hiệu được "mặc định" là hàng thiết kế tại Việt Nam. Mà đã là hàng "made in Viet Nam" và được gắn mác thương hiệu Việt, do "doanh nhân" Việt khởi tạo thì lẽ dĩ nhiên, giá thành sản phẩm cũng không bình dân.
Tuy nhiên, ngược lại với những sản phẩm thiết kế tại Việt Nam, gắn thương hiệu do người Việt khởi tạo được bán với mức giá cao thì những sản phẩm thời trang có mức giá bình dân đến trung bình lại được "ưu ái" mang trên mình thương hiệu thời trang thế giới như Mango, Zaza… nhưng cũng "made in Viet Nam".
Chẳng hạn thời trang mang tên Koka có mặt ở hầu khắp các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như Cầu Giấy, Hội Vũ, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch… Sản phẩm của cửa hàng này bán ra giá bình dân, dưới 500.000 đồng/sản phẩm.
Tại cửa hàng Koka (số 344 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy), nhiều ngày nay cửa hàng treo biển giảm giá lên tới 70% đối với sản phẩm đã xuất hiện trên thị trường từ vài tháng trước. Với những sản phẩm mới "ra đời" cũng được giảm ít nhất 10%. Ghi nhận của PV cho thấy, hầu hết những sản phẩm giảm giá đều có mức giá bán từ khoảng 200.000 - 450.000 đồng/sản phẩm đều gắn thương hiệu "nổi danh" như Mago, Zaza, Louis Vuitton… nhưng cũng không quên gắn thêm mác "made in Viet Nam".
Một nữ nhân viên bán hàng tại đây cho biết: "Vì chuẩn bị ngày Black-Friday và cũng đang là thời điểm giao mùa nên cửa hàng giảm giá rất sâu. Hầu hết các sản phẩm mới cũng được giảm giá ít nhất là 10%, còn những sản phẩm giảm giá sâu lên đến 70% chủ yếu là váy, đầm mùa hè. Đơn cử như chiếc áo nữ màu cam (hoặc trắng) mang họa tiết màu đen có giá bán ra là hơn 300.000 đồng/chiếc, nhưng giá sau giảm 10% chỉ còn khoảng 280.000 đồng/chiếc".
Vừa cầm trên tay chiếc áo mang thương hiệu Mango Basics - "made in Viet Nam" có giá sau giảm chưa đến 300.000 đồng/chiếc, nữ nhân viên vừa giới thiệu: "Đây là hàng made in Việt Nam mới đặt lên kệ, nếu chị là khách đã từng mua hàng tại Koka thì bất cứ sản phẩm nào cũng đều được giảm giá ít nhất là 10%, kể cả những sản phẩm không nằm trong chương trình giảm giá".
Khi PV thắc mắc về hiện tượng sản phẩm thời trang vừa mang thương hiệu quốc tế, vừa "made in Viet Nam", nữ nhân viên thật thà: "Công ty sở hữu một thương hiệu thiết kế khác, có giá bán cũng xấp xỉ 1 triệu đồng/sản phẩm. Còn đây là hàng nhập thêm về bán. Vì nhập nhiều được giá ưu đãi nên giá bán ra cũng ưu đãi cho khách hàng, đặc biệt là những người thường xuyên tin dùng sản phẩm của Koka".
Vì lợi nhuận, thương nhân lừa người tiêu dùng?
Áo nữ thương hiệu thế giới nhưng “made in Viet Nam” có giá sau khi giảm chỉ khoảng 280.000 đồng/chiếc.
Trao đổi với PV, Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định: "Đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Ở đâu ra một sản phẩm thời trang vừa mang thương hiệu quốc tế lại vừa "made in Viet Nam"? Nếu sản phẩm đã "made in Viet Nam" thì luôn gắn một thương hiệu do người Việt tạo nên. Còn sản phẩm đã mang thương hiệu thế giới thì chắc chắn sẽ không có mức giá bình dân cho người tiêu dùng".
Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, người tiêu dùng có thể xác thực hiện tượng này bằng cách mang chính sản phẩm gắn thương hiệu Mango lên showroom thời trang Mango ở các trung tâm thương mại để kiểm tra lại thiết kế, giá thành sản phẩm. Thương hiệu thời trang quốc tế đang hiện hữu rất nhiều tại Việt Nam, nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể tự kiểm tra tính pháp lý của sản phẩm.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú thẳng thắn, hiện nay không chỉ hãng thời trang Seven.AM, IFU hay NEM bị báo chí "phanh phui" những hành động nghi cắt mác nước ngoài để gắn lên sản phẩm mác "made in Việt Nam", mà trước đó, hàng loạt nhãn hàng khác đã bị chính người tiêu dùng "phanh phui", như hãng điện tử Asanzo hay hãng lụa Khaisilk… Đây chỉ là số ít những trường hợp bị người tiêu dùng phát hiện, sẽ còn rất nhiều những cá nhân, tổ chức đang thực hiện hành vi tương tự. Vì vậy, nếu nhìn rộng vấn đề ra, có thể thấy tình trạng vi phạm về xuất xứ hàng hóa cần xem như "quốc nạn". Vấn đề này rất cần lực lượng chức năng quyết liệt, tăng cường hơn nữa để kiểm tra, phát hiện thêm những "tụ điểm" lớn hơn nữa đang tồn tại trên thị trường.
Ông Phú cho rằng, để dẫn đến tình trạng như ngày hôm nay là vì lợi nhuận "khủng" mà cá nhân, tổ chức sẵn sàng bất chấp để làm tất cả. Đặc biệt, "khi chiến dịch "người Việt dùng hàng Việt" càng gây được tiếng vang và chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ có sự bất chấp để hưởng lợi, sau chữ hưởng lợi là sự lừa dối người tiêu dùng. Lừa dối cả về giá cả lẫn chất lượng, xuất xứ hàng hóa", chuyên gia cho hay.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú thẳng thắn: "Hành vi buôn lậu, làm hàng giả, làm sai lệch thông tin xuất xứ hàng hóa rất cần được nghiêm trị. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để xử lý tình trạng này, đặc biệt là ngăn chặn từ gốc là khu vực biên giới để hàng lậu hàng giả không lọt tới thị trường nội địa thì người tiêu dùng cũng rất cần việc siết chặt kỷ luật, tự làm trong sạch mình của lực lượng chức năng trước công cuộc chống buôn lậu nói chung và thị trường thời trang nói riêng".
Tại khoản 1 Điều 3, Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ban hành ngày 1/11/2017 thì mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực này là 100 triệu đồng. Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) cho rằng, đây có thể là mức phạt hợp lí nhưng chưa đủ mạnh vì việc vi phạm về xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa ngày càng xuất hiện nhiều với những thủ đoạn tinh vi. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”.