Giải thưởng Tech Awards 2020 dành cho các sản phẩm và ứng dụng sáng tạo ngày 8/1 ở TP HCM đã xướng tên Grab vì những đổi mới tạo tác động mạnh mẽ trong cộng đồng năm 2020. Là một trong những siêu ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam, Grab đã kết nối hiệu quả hàng chục triệu người dùng và các đối tác tài xế, cửa hàng, quán ăn, siêu thị, sạp hàng tại chợ truyền thống... thông qua các dịch vụ đa dạng dựa trên nền tảng công nghệ. Khởi đầu là dịch vụ đặt xe, siêu ứng dụng này đã mở rộng thêm nhiều dịch vụ khác như giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ, thanh toán di động hợp tác với Moca... để trở thành một hệ sinh thái toàn diện phục vụ nhu cầu hằng ngày của một phần tư dân số Việt Nam.

Đại diện Grab nhận vinh danh sản phẩm startup tại Tech Awards 2020.
Đại diện Grab nhận vinh danh sản phẩm startup tại Tech Awards 2020. Ảnh: Tech Awards.

Loạt giải pháp công nghệ thiết thực cho người dùng

Để mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng, công ty liên tục đầu tư để xây dựng một nền tảng tối ưu. Những gì người dùng thấy trên màn hình điện thoại đơn giản là một chu trình đặt xe và hoàn thành chuyến đi của khách và tài xế, nhưng ẩn sâu là cả một hệ thống phức tạp. Do đó, Grab phải cập nhật và ứng dụng các công nghệ mới thường xuyên để phân tích khối lượng dữ liệu lớn liên quan tới xu hướng thị trường, thói quen lái xe của tài xế, nhu cầu của người dùng, tính năng tối ưu hoá cung đường, các tính năng an toàn trên ứng dụng...

Đáng chú ý ngay từ tháng 3/2020 khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Grab đã triển khai tính năng GrabMart giúp đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm, nhu yếu phẩm an toàn cho người dùng. Theo đó người dùng có thể tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị.

Đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các thương nhân liên kết với GrabMart. Đối tác tài xế nhận đơn hàng GrabMart chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, chờ nhận hàng và giao hàng, lược bỏ các quy trình ghi nhớ đơn hàng, mua hộ, thanh toán thủ công, rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện đơn hàng.

Bên cạnh đó, Grab triển khai phương thức giao hàng gián tiếp (Contactless Delivery) dành cho dịch vụ GrabFood, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa đối tác tài xế với khách hàng. Siêu ứng dụng này cũng khuyến khích khách hàng thanh toán đơn hàng trực tuyến thông qua ví Moca ngay trên ứng dụng hoặc qua thẻ tín dụng để hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa khách hàng với đối tác tài xế.

Đến tháng 12/2020, Grab tiếp tục thể hiện dấu ấn tiên phong khi triển khai sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống khắp cả nước chuyển sang kinh doanh trên nền tảng online của GrabMart, từ đó có thể tiếp cận thêm lượng khách hàng mới và tận dụng nền tảng giao hàng rộng khắp của Grab để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới.

Dịch vụ đi chợ hộ GrabMart và mua hàng hộ GrabAssistant hỗ trợ đắc lực cho người dùng trong giai đoạn Covid-19.
Dịch vụ đi chợ hộ GrabMart và mua hàng hộ GrabAssistant hỗ trợ đắc lực cho người dùng trong giai đoạn Covid-19. Ảnh: Grab.

Việc số hóa chợ truyền thống cũng tạo thêm cơ hội thu nhập cho đối tác tài xế, thêm lựa chọn mua lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho khách hàng, nhất là trong mùa mua sắm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Sáng kiến này là một phần trong lộ trình thực hiện sứ mệnh "Grab vì cộng đồng" với mục tiêu góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và mang đến những thay đổi tích cực về kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, hãng cũng bắt tay với Moca để không chỉ mang lại sự thuận tiện cho người dùng, mà còn góp phần thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Qua hợp tác chiến lược giữa hai bên, chỉ trong một năm qua, Moca đã có thêm 2,5 triệu người dùng mới, 26 ngân hàng liên kết trực tiếp giúp tiếp cận 94% người dùng sở hữu thẻ ATM tại Việt Nam. Hiện tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt qua Moca trên Grab đạt 43%, trong đó riêng dịch vụ GrabMart có tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt đến 70%.

Những sáng kiến công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nhằm đẩy mạnh những sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trên nền tảng online, Grab triển khai chương trình Hội chủ shop VIP GrabExpress với mục tiêu hỗ trợ các chủ shop là đối tác của GrabExpress và công cụ quản lý quảng cáo trên ứng dụng GrabMerchant dành cho đối tác cửa hàng, quán ăn GrabFood. Hai sáng kiến này giúp các SME tăng mức độ hiển thị trên nền tảng online, thu hút thêm khách hàng để từ đó tăng cơ hội doanh thu. Đây là một phần trong cam kết lâu dài của Grab nhằm hỗ trợ chuyển đổi số cho các SME, góp phần giúp họ khắc phục khó khăn do Covid-19 gây ra và đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Cụ thể, chương trình Hội chủ shop VIP GrabExpress bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 9/2020 nhằm mang đến những ưu đãi giá trị cho các chủ shop là đối tác của GrabExpress. Đến tháng 11/2020, hội đã thu hút hơn 24.000 thành viên là các chủ cửa hàng kinh doanh trực tuyến đến từ đa dạng ngành hàng như thức ăn, thời trang, in ấn, giày dép... Cũng theo dữ liệu vào tháng 11/2020, số lượng đơn hàng GrabExpress của một số chủ shop tăng đến hơn 30% sau khi tham gia các hoạt động trong hội.

Trong khi đó công cụ quản lý quảng cáo trên GrabMerchant bắt đầu triển khai từ ngày 30/11 dành cho các cửa hàng, quán ăn là đối tác của GrabFood. Với công cụ này, đối tác GrabFood có thể tự tạo một quảng cáo cho riêng cửa hàng, tự theo dõi hiệu suất quảng cáo và tự điều chỉnh quảng cáo dựa trên ngân sách, nhu cầu của mình ngay trong ứng dụng GrabMerchant. Qua đó, có thêm cơ hội thu hút khách hàng và tăng trưởng doanh thu.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam trao quà cho đối tác tài xế.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam trao quà cho đối tác tài xế. Ảnh: Grab.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng lại chưa có đủ kinh nghiệm và công cụ cần thiết để chuyển đổi số và thích nghi với môi trường kinh doanh đang biến đổi không ngừng. Do đó, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp này là hỗ trợ các đối tác ứng dụng công nghệ để số hóa mạnh mẽ hơn, tăng mức hiển thị online và cải thiện hoạt động kinh doanh.

"Chúng tôi tin rằng đây là những sáng kiến hiệu quả để mang lợi ích của chuyển đổi số đến với ngày càng nhiều người dân, góp phần tích cực vào quá trình phục hồi kinh tế – xã hội của đất nước", bà Hải Vân khẳng định.

Nỗ lực thực hiện sứ mệnh 'Grab vì cộng đồng'

Đại diện Grab Việt Nam cũng cho biết ngay từ ngày đầu thành lập, ứng dụng này đã đặt ra sứ mệnh liên tục ứng dụng và cải tiến công nghệ để giải quyết những khó khăn, thách thức trong cuộc sống của người dân.

Grab không chỉ tạo một sản phẩm công nghệ giúp kết nối khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa mà còn góp phần giúp tận dụng tối đa tài nguyên nhàn rỗi trong xã hội để tạo ra giá trị, giảm chi phí giao dịch trong hoạt động kinh tế, giúp tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, khi rút ngắn tối đa thời gian và chi phí giao dịch giữa người mua và người bán.

Siêu ứng dụng cũng tạo cơ hội nâng cao thu nhập trực tiếp cho hàng trăm ngàn đối tác tài xế ôtô và xe máy, tạo cơ hội gia tăng thu nhập cho các đối tác nhà hàng, siêu thị, tiểu thương chợ truyền thống... đồng thời cung cấp giải pháp số hỗ trợ các đối tác quản lý công việc kinh doanh hiệu quả.

Từ năm 2017, doanh nghiệp thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại TP HCM quy tụ những nhân tài công nghệ trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm, dịch vụ. Trung tầm này đồng thời hợp tác với các trường đại học danh tiếng tại Việt Nam để xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo về công nghệ cho sinh viên.

Xuất phát điểm là một startup với đầy khó khăn, thách thức, Grab thấu hiểu nhu cầu được đồng hành của cộng đồng khởi nghiệp. Trong năm qua, doanh nghiệp này thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong cộng đồng khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam bằng hàng loạt chương trình và sáng kiến. Trong đó, Grab đồng hành cùng các chương trình như Techfest, Startup Việt, Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam, Triển lãm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Expo)... Nổi bật là chương trình tăng tốc khởi nghiệp Grab Ventures Ignite phối hợp triển khai cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để nuôi dưỡng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Đại diện Grab Việt Nam cho biết tính đến cuối năm 2019, công ty này đã đầu tư 200 triệu USD vào Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD trong vòng 5 năm tới để góp phần phát triển nền kinh tế số và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/loat-giai-phap-giup-grab-nhan-vinh-danh-san-pham-sang-tao-20201231000001247.html