Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 17/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8.790.000 tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019. NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 lần thứ hai cho một số ngân hàng thương mại, trong đó mức cao nhất lên tới 30%. Trước đó, quý III/2020, NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần với mức cao nhất là 23% dành cho Techcombank, TPBank và VIB.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Dragon Capital đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục. Nhu cầu tín dụng trước mắt chưa thể kỳ vọng tăng cao, nhưng quý cuối năm tăng tích cực hơn so với 3 quý đầu năm.

Hoạt động cho vay tăng đã tác động lên lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Đến nay, nhiều ngân hàng đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2020 như ACB (8.723 tỷ đồng), VIB (4.570 tỷ đồng), Sacombank (2.573 tỷ đồng), LienVietPostBank (1.741 tỷ đồng trước thuế), MSB (2.302 tỷ đồng)… Đó là chưa kể đến những nhà băng lớn như Vietcombank dự kiến đạt lợi nhuận tỷ USD năm nay và năm tới. BIDV, VietinBank, Techcombak, VPBank cũng trên chục ngàn tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020.

Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng vọt trong năm 2021.

Với việc Chính phủ sẽ duy trì tốc độ giải ngân đầu tư công cao và NHNN duy trì nới lỏng tiền tệ như hiện tại, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng vọt trong năm 2021.

Theo giả định cơ sở, VNDirect kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần hồi phục, tương quan với xu hướng hồi phục nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nhờ đó, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ, trong đó có du lịch sẽ quay trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong quý IV/2020 và năm 2021. Biên lãi ròng (NIM) cải thiện tốt khi NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngân hàng tiếp tục tận dụng được nguồn vốn với chi phí vốn thấp, tín dụng tích cực khi kinh tế hồi phục. VNDirect nâng đánh giá ngành ngân hàng lên tích cực.

Đáng chú ý, sau những cái bắt tay độc quyền giữa ngân hàng - công ty bảo hiểm, nguồn thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng, đóng góp khá lớn vào lợi nhuận của các nhà băng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng Hải (MSB) cho biết, năm 2020, MSB dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 2.300 - 2.400 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch. Về việc ký kết độc quyền bảo hiểm tại MSB, kỳ vọng mức trả Upfront (phí trả cho các hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong năm đầu tiên) cho ngân hàng sẽ hợp lý.

Trung tuần tháng 12/2020, VietinBank chính thức ký kết thỏa thuận phân phối bảo hiểm độc quyền trong 16 năm với Manulife. Theo đó, Manulife Việt Nam sẽ phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ qua mạng lưới hơn 150 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch trên toàn quốc của VietinBank. Trong nửa đầu năm 2020, VietinBank đứng đầu về doanh số phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng trong số các ngân hàng quốc doanh tại Việt Nam.

Vietcombank cũng không kém cạnh. Sau cái bắt tay với Sun Life Việt Nam, mức trả Upfront fee lên tới 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng). Năm 2021, nhà băng này có thể lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng từ Upfront fee hợp đồng bảo hiểm độc quyền, đưa lợi nhuận trước thuế ước tính của Vietcombank đạt 11.160 tỷ đồng.

Theo Reatimes

Nguồn: https://reatimes.vn/loi-nhuan-ngan-hang-co-nhieu-gam-sang-1608883577821.html