Vừa qua, Coca-Cola đã bị Cục Văn hóa cơ sở của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch “tuýt còi” vì quảng cáo thiếu thẩm mỹ khi đưa ra slogan “Mở lon Việt Nam”. Cục Văn hóa cơ sở đã gửi Công văn tới các Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola.
Khi thông tin này được đưa ra đã khiến dư luận xôn xao, nhất là trên mạng xã hội ngập tràn hình ảnh của Coca-Cola với rất nhiều bình luận trái chiều. Mọi người đặt câu hỏi: “Mở lon Việt Nam” thì vi phạm thuần phong mỹ tục thế nào?
Điều này đã được bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở trả lời với báo chí, nhưng câu trả lời đó có phần bị dư luận “xuyên tạc” sau khi được đưa lên mạng và gây ra những hiểu lầm không đáng có.
Để làm rõ hơn quan điểm của bà Hương, cũng như quyết định của Cục Văn hóa cơ sở trên cơ sở pháp luật, phóng viên có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Sỹ Anh, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật L&P. Theo như luật sư Anh, Coca-Cola đã vi phạm luật quảng cáo 2012 đúng như lời bà Hương đã giải thích.
Tại khoản 3 Điều 8 – Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo có quy định: “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam". Khoản 1 Điều 19 cũng chỉ rõ: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo".
“Chúng ta cứ căn cứ vào luật để nhận định họ quảng cáo sai hay đúng. Đối với khoản 3 Điều 8 các cơ quan quản lý Nhà nước không liệt kê từ ngữ cụ thể, bởi nếu liệt kê sẽ xảy ra tình trạng bị thiếu hoặc có những tình trạng luật không điều chỉnh được hết, nên quy định chung là vậy. Khi các cơ quan Nhà nước, nhất là những đơn vị có thẩm quyền hành chính thấy có dấu hiệu vi phạm thì họ sẽ cho vào trường hợp này. Sau khi áp vào luật, họ sẽ đối chiếu với nghị định xử lý vi phạm hành chính để họ phạt tiền”, luật sư Anh nói.
Để phân tích rõ hơn về sai phạm của Coca-Cola, vị luật sư này còn chỉ ra rằng, luật cũng quy định rõ các đơn vị, doanh nghiệp có thể quảng cáo bất cứ từ nào, nội dung ra sao, miễn là nó không gây ảnh hưởng xấu. Đó chính là làm suy thoái đạo đức con người, khi người xem quảng cáo thay đổi cách nhìn về văn hóa, giá trị cuộc sống, khiến họ hiểu không đúng, gây nhầm lẫn, hiểu sai, hoặc hiểu theo hướng phiến diện, tiêu cực thì không được phép quảng cáo.
Từ việc quảng cáo, chúng ta có những suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục, trái với sự phát triển bình thường,… như vậy là quảng cáo của Coca-Cola đã vi phạm pháp luật.
Điều này đã được Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhận định và phân tích rất rõ, việc quảng cáo này không đúng, từ “lon” nếu thêm dấu sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Bà Hương đã lường trước được hậu quả xấu và quảng cáo này có vấn đề, không hợp lý. Như vậy, quyết định của cơ quan nhà nước được nhận định trên cơ sở của pháp luật, có căn cứ cụ thể, rõ ràng.
“Cục Văn hóa cơ sở trích dẫn luật để ngăn chặn quảng cáo là đúng, không có gì phải bàn cãi vì nó được quy định trong luật một cách rất cụ thể. Cơ quan chức năng nhận định thấy hậu quả có thể xảy ra dẫn tới những ý nghĩ lệch lạc, vì tiếng Việt rất nhiều nghĩa, trong khi Coca-Cola biết mà vẫn cố tình đặt như vậy.
Tôi cũng thấy mạng xã hội nói rất nhiều về vấn đề này, nhiều người không ủng hộ Cục văn hóa cơ sở, nhưng chúng ta nên hiểu các đơn vị muốn quảng cáo gì thì phải tuân thủ pháp luật. Chúng ta có dám chắc, không một ai hiểu lệch lạc về slogan “Mở lon Việt Nam”? Không dám chắc thì Coca-Cola sai rồi”, luật sư Anh nhận định.
Ngoài ra, vị luật sư này còn phân tích tới vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, chỉ rõ lý do vì sao họ tuýt còi Coca-Cola là có căn cứ. Khi một cơ quan Nhà nước đưa ra một vấn đề dẫn tới một quyết định hành chính và hành vi hành chính là phải có căn cứ. Căn cứ ở đây là căn cứ vào luật hoặc văn bản hướng dẫn luật.
Trước đó, bà Hương cũng đã giải thích quảng cáo của Coca-Cola vi phạm thuần phong mỹ tục. Câu slogan “Mở lon Việt Nam” nếu hiểu theo một hướng nào đó đúng là không tốt và đã vị phạm khoản 3 Điều 8, khoản 1 Điều 19 của Luật quảng cáo 2012. Như vậy, quyết định của Cục Văn hóa cơ sở là có căn cứ, cơ sở.
Đối với các cơ quan Nhà nước, người quản lý phải luôn luôn lường trước những hậu quả xấu của một hành vi quảng cáo gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội. Nhất là trong trường hợp quảng cáo xuất hiện từ “nhạy cảm”.
Trên cơ sở pháp luật, vị luật sư này hoàn toàn ủng hộ quan điểm của bà Hương. “Bà Hương đã phân tích được quan điểm của bà ấy là hợp lý và dựa trên quy định của luật. Hai yếu tố đó đã đủ bằng chứng để chứng minh rằng bà đưa ra quyết định xử phạt hành chính Coca-Cola là đúng”, luật sư Anh chia sẻ.