Theo Reuters, Grab có thể đang cân nhắc thực hiện IPO tại Mỹ trong năm 2021 trong bối cảnh tâm lý các nhà đầu tư hào hứng với các thương vụ IPO mới.
3 trong số 10 đợt IPO lớn nhất lịch sử của các công ty công nghệ được thực hiện trong năm 2020. Cụ thể, Snowflake, Airbnb và DoorDash đã thu hút thành công 11 tỉ USD. Đây là con số không tệ trong bối cảnh kinh tế có nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các cổ đông hiện tại của Grab chắc chắn cũng đang nóng ruột hơn bao giờ hết, TechInAsia nhận định.
Chậm chân sẽ thiệt thân: Vì sao Grab nên thực hiện IPO ngay trong năm 2021? - Ảnh 1.
Tham vọng của Grab không gói gọn ở mảng gọi xe và giao đồ ăn (Ảnh: Grab).
Bao nhiêu tiền cũng không đủ
Theo Moody's, Grab đang có trong tay số tiền mặt lên tới 3,2 tỉ USD. Với số tiền này, Grab có thể phòng trừ rủi ro từ "dòng tiền hoạt động âm, đầu tư thêm vào mảng gọi xe và giao đồ ăn và trả nợ đến hạn trong ít nhất từ 2 – 3 năm tới".
Dù vậy, Grab có nhiều tham vọng hơn chỉ gói gọn ở mảng gọi xe và giao đồ ăn.
Đầu tiên, Grab cần tiền mặt để xây dựng ngân hàng số ở Singapore. Cơ quan Tiền tệ Singapore yêu cầu các đơn vị có giấy phép ngân hàng số toàn diện phải có một số vốn tối thiểu nhất định. Nếu xét theo tỉ lệ trong liên doanh với Singtel, số vốn mà Grab cần đóng góp là 680 triệu USD.
Tính toán thêm các các chi phí như xây dựng hạ tầng ngân hàng hoặc tuyển dụng, con số hoàn toàn có thể vượt qua mốc 755 triệu USD.
Bên cạnh đó, Grab cũng đang tham gia vào mảng dịch vụ "mua trước, trả sau". Mặc dù mảng dịch vụ này có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, chi phí cạnh tranh cũng khá lớn vì đã có nhiều công ty gia nhập.
Cuối cùng, Grab có thể sẽ phải cân nhắc thực hiện hoạt động thâu tóm để cạnh tranh với Sea ở Đông Nam Á và có thể là cả pháp nhân sáp nhập Gojek – Tokopedia ở Indonesia. Theo TechInAsia, thương mại điện tử và khám bệnh từ xa là hai mảng dịch vụ nên phát triển thông qua thâu tóm thay vì xây dựng lại từ đầu.
Một cách công bằng, Grab vẫn đang làm khá tốt việc kêu gọi vốn từ thị trường tư nhân. Vừa tháng này, mảng tài chính công nghệ của Grab nhận 300 triệu USD đầu tư cho mảng tài chính. Dù vậy, con số 2 tỷ USD mà Grab có thể kêu gọi từ các nhà đầu tư đại chúng hấp dẫn hơn rất nhiều. Việc là công ty đại chúng còn có thể giúp Grab thực hiện các hoạt động như thâu tóm hay tuyển dụng dễ dàng hơn.
Cần phải nhớ rằng khi thâu tóm mảng hoạt động của Uber ở Đông Nam Á, Grab chấp nhận sẽ mảng mua lại cổ phần mà Uber đang nắm giữ nếu không thực hiện IPO cho tới tháng 3/2023. Chi phí của việc mua lại dự phóng có thể chạm mốc 2 tỷ USD. Dù mốc thời gian tháng 3/2023 vẫn còn khá xa, thực hiện IPO sớm trong năm 2021 có thể giải tỏa tâm lí cho Grab.
Thị trường chờ đợi điều gì?
Cách Grab thực hiện niêm yết trên thị trường là một vấn đề nhiều người quan tâm.
TechInAsia dự đoán Grab có thể thực hiện IPO thông qua các công ty thâu tóm chuyên dụng (SPAC). Hiểu đơn giản, đây là những công ty vỏ bọc thực hiện gọi vốn nhờ IPO và sau đó tìm kiếm các công ty mục tiêu để sáp nhập. IPO thông qua SPAC là một xu hướng trong thời gian trở lại đây.
Nếu như quy trình IPO truyền thống có thể kéo dài một năm, sử dụng SPAC có thể rút ngắn thời gian xuống chỉ còn 6 tháng. Điều này có thể giúp Grab đạt lợi thế và thậm chí có thể IPO trước Gojek – Tokopedia.
"Vì các công ty như Grab và Gojek có quy mô và độ phủ thị trường tương đồng nhau, cả hai như đang trên một cuộc đua IPO. Có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực Gojek và Grab hoạt động nhưng không muốn đầu tư lớn vào cả hai", ông Zennon Kapron, Giám đốc công ty nghiên cứu và tư vấn Kapronasia, chia sẻ.
Tốc độ rất quan trọng nhưng không quyết định mọi thứ. Lyft thắng cuộc đua IPO với Uber cùng khoảng cách 6 tuần. Tuy nhiên, Uber lại gọi nhiều vốn hơn gấp 3 lần. Đó là chưa kể đến việc giá cổ phiếu Uber tăng 35% kể từ khi niêm yết, trong khi Lyft tăng trưởng âm 37%. Dĩ nhiên, vì Lyft và Uber có quy mô và mô hình kinh doanh khác nhau, mọi so sánh đều chỉ mang tính tham khảo.
Nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm đến triển vọng tăng trưởng của Grab ở Indonesia. "Bạn không thống trị Đông Nam Á nếu chưa thống trị Indonesia, và đó lại là sân nhà của Gojek", ông Zennon Kapron nhận định thêm. Bên cạnh đó, mảng dịch vụ tài chính mà Grab phát triển cũng là một vấn đề thu hút nhiều điểm nhấn.
Cuối cùng, Tech in Asia nhận định cơ cấu cổ phần của Grab sẽ là vấn đề được cực kì lưu ý. Sẽ không quá bất ngờ nếu như người sáng lập Grab Anthony Tan sẽ nắm giữ một số lượng cổ phiếu có quyền "siêu biểu quyết".
"Không có lí do gì để nghĩ đến việc Anthony Tan nên từ bỏ chức vụ CEO nếu ông vẫn mang về giá trị cho cổ đông", ông Kapron bình luận. Thách thức đặt ra là ở thời điểm hiện tại Anthony Tan chỉ phải tìm câu trả lời cho một nhóm các nhà đầu tư. Khi Grab thực hiện IPO, rất nhiều nhà đầu tư sẽ quan tâm và muốn tìm hiểu sâu mô hình kinh doanh của startup này.
Việc Grab IPO vào năm 2021 có thể là một cột mốc đáng nhớ cho công ty và cho cả ngành công nghệ Đông Nam Á. Thế nhưng câu chuyện không kết thúc ở đây – với nhiều cổ đông, nó chỉ là điểm khởi đầu cho một chương tiếp theo.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ly-do-grab-quyet-thuc-hien-ipo-ngay-trong-nam-2021-20201231000000761.html