PV báo PL&XH đã khảo sát tại chợ Ninh Hiệp - nơi được xem là trung tâm buôn bán lớn nhất nhì miền Bắc bởi nguồn hàng được cung ứng cho khắp cả nước. Mỗi ngày có vài chục xe tải có trọng tải từ 7-10 tấn đến nhận và đưa hàng đi các tỉnh: Nghệ An, Huế, Quảng Bình, Đồng Nai... thậm chí đây còn là mối lớn của nhiều tiểu thương bán hàng ở những chợ lớn trong nội thành Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ vải Phùng Khắc Khoan…

Trong vai một người kinh doanh nhỏ đi tìm hiểu về các mặt hàng quần áo ấm bán trong dịp cận Tết, PV được một chủ cửa hàng chia sẻ: “Việc bán hàng ở đây chủ yếu dựa vào chữ tín, do đó việc có xuất hóa đơn không quan trọng, ở đây có mối chuyên chuyển hàng đi về các tỉnh với số lượng lớn. Tuy nhiên, nếu là lần đầu thì sẽ phải cược lại 30- 50% số tiền hàng, còn sau này đã quen mối rồi thì có thể thỏa thuận sau. Đặt số lượng tiền xong cho địa chỉ, mối chuyển hàng sẽ chuyển đến tận nơi, còn tiền vận chuyển thanh toán sau khi nhận hàng, yên tâm không phải lo mất hàng, vì làm ăn uy tín hàng chục năm nay”.

bai 1 mat trai cua kinh do ban buon vai lon nhat mien bac
Khu phố buôn bán sầm uất trong trung tâm xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Tò mò trước câu nói chắc nịch của người phụ nữ chủ cửa hàng quần áo “Việc có hóa đơn hay không, không quan trọng…”, thì được biết một trong những lý do chính là bởi ở đây, các mặt hàng vải vóc, quần áo may sẵn chủ yếu là hàng nhập lậu, trốn thuế. Với số lượng quần áo, vải vóc đủ màu sắc, chủng loại nhưng hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc.

Cách Ninh Hiệp chừng 1,5 km lại là một "tổng kho" vải lậu là chợ đầu mối Baza, ở phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Từ chợ Baza, hàng hóa nhập lậu được tuồn vào chợ Ninh Hiệp thông qua các trục đường làng và chủ yếu vận chuyển vào mờ sáng hoặc tối mịt để né sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Khảo sát 1 ngày, điểm trung chuyển hàng hóa đưa hàng từ Baza về Ninh Hiệp có đến 20 xe hàng vận chuyển trung bình từ 1.500-2.000 bao hàng (mỗi bao hàng có đến 5 kiện vải.

Trung bình mỗi năm, hàng tấn vải không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng phát hiện và bị xử lý. Mặc dù liên tục bị siết chặt quản lý từ phía CA kinh tế và Đội quản lý thị trường số 8 cùng các ngành liên quan, nhưng khi cơ quan chức năng ra quân và áp dụng biện pháp mạnh thì các tiểu thương lại nghĩ ra nhiều “chiêu thức”, ngày càng tinh vi hơn cả về mẫu mã để thu hút sự quan tâm của thị trường và qua mặt cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết: Mỗi năm vào dịp giáp Tết là phía chính quyền địa phương liên tục phối hợp cùng Đội quản lý thị trường và cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh của các tiểu thương trên địa bàn. Đặc biệt là các chủ cửa hàng buôn bán vải, quần áo và thuốc… Trước sự quản lý và giám sát gắt gao của lực lượng chức năng, tình trạng buôn bán mặt hàng trốn thuế có phần nào thuyên giảm, nhưng đồng thời vẫn còn những trường hợp có nhiều chiêu trò tinh vi hơn hòng qua mắt cơ quan chức năng.

Một trong những điểm nóng tại TP Hà Nội về vấn đề hàng trốn thuế được các cơ quan chức năng “để ý” là các khu vực như: chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), ga Hà Nội, sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì...
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết: Hiện nay, trên toàn xã có trên 4.000 hộ dân và có có hơn 2.000 sạp hàng kinh doanh vải vóc, quần áo. Các sạp hàng chủ yếu hoạt động khu vực xung quanh chợ và tại nhà, còn trong Trung tâm thương mại thì ít người đến họp. Một phần cũng là do nhu cầu của người mua có thói quen tiện đường dừng lại để mua đồ mà không muốn vào chợ. Với tổng diện tích không lớn nhưng Ninh Hiệp lại nằm cạnh 2 tuyến QL huyết mạch 1A và 1B và nằm gần tuyến đường sắt Yên Viên nên hàng hóa từ các cửa khẩu Việt - Trung về đây rất thuận tiện.

Gia Ân

Theo phapluatxahoi.vn